Thu phí qua đêm du khách đúng hay không

Thứ bảy, ngày 21/10/2017 06:29 AM (GMT+7)
Hơn tuần qua, dư luận TP.HCM liên tục bàn tán việc ngành du lịch thành phố đề xuất thu phí qua đêm đối với khách du lịch.
Bình luận 0

Trong đó, có không ít các ý kiến chỉ trích ngành du lịch, dù không ít người chỉ trích là người ngoại đạo và theo đó đề xuất trên chưa kịp lấy ý kiến đã chết trong trứng nước. Những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch đang nghĩ gì?

Đừng dị ứng khi chưa thấy thực tế

Không vòng vo, anh Nguyễn Minh Tuấn, vốn là một hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu, hiện là giám đốc một công ty du lịch có trụ sở ở quận Tân Phú, nói rằng, hiện có rất nhiều người không hiểu hết chuyện nhưng rất thích bàn và chửi. “Nói thẳng, nếu thu phí như mức phí đề xuất 23.000 đồng/đêm được áp dụng, tôi tin rằng sẽ không gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành, vì số tiền thu không quá lớn đối với họ”, anh Tuấn khẳng định.

img

Đừng vội dị ứng việc thu phí du khách qua đêm, vì đó có thể là nguồn để khắc phục những nhếch nhác mà ngành du lịch đang lâm đầu.

Bởi theo anh Tuấn, rất nhiều du khách khi nghe anh nói về đề xuất trên đều ủng hộ, bởi với họ việc đóng góp thêm chút ít để hỗ trợ phát triển du lịch cho những nơi mình đến tham quan, lưu trú là việc đáng làm, nên làm, nhất là với những đất nước đang trong quá trình phát triển, cần nhiều nguồn lực để xây dựng cho đẹp, cho hấp dẫn hơn. “Ngành du lịch của Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng vẫn mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy sống thì việc tạo được một nguồn kinh phí từ các đối tượng hưởng lợi từ ngành du lịch là cần thiết, là hợp lý và cũng tiết kiệm được tiền ngân sách trong việc trùng tu, sửa chữa hay tái tạo các địa điểm du lịch vốn là di tích lịch sử”, anh Tuấn nhấn mạnh.

Tương tự, khi nghe hỏi ý kiến về việc thu phí du khách qua đêm, ông Tạo, một chủ khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1) nói rằng ông đã thử hỏi chuyện các khách du lưu trú ở khách sạn ông, thì y như rằng cả chục du khách đều “OK, tốt mà”. “Họ nói rằng, ở TP.HCM còn ít các điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch quá. Nếu họ được đóng góp một phần để thành phố có điều kiện phát triển du lịch với những điểm đến hấp dẫn hơn cho tất cả du khách thì họ ủng hộ liền, chứ không cần suy nghĩ”, ông Tạo thuật lại.

Thực tế, không ít lần chúng ta nghe ngay chính du khách than thở, nhiều nơi ở TP.HCM tìm mỏi mắt không có nhà vệ sinh công cộng, không có vòi nước để rửa mặt, chân, tay, không có những thùng rác công cộng đạt chuẩn để vứt rác. Hay, không ít lần ngành du lịch cả nước ta thán không có nguồn tiền để nuôi dưỡng lực lượng phục vụ du lịch, để nâng chất các hoạt động phục vụ du lịch. “Đây là lợi ích hai phía – du khách và chính quyền, chứ không phải lợi ích riêng của chính quyền”, anh Tuấn tiếp tục khẳng định.

Theo tính toán của anh Tuấn, nếu đúng như dự kiến thì năm 2017, TP.HCM sẽ đón 6 triệu lượt khách ngoại quốc. Thu mỗi người 1 USD/đêm sẽ có 6 triệu USD tương đương với khoảng 130 tỉ đồng. Với số tiền này thì chuyện nhà vệ sinh công cộng, thùng rác đạt chuẩn và tổ chức nâng cao tay nghề cho lực lượng hướng dẫn viên, hay tăng tần suất các hoạt động văn hoá, văn nghệ phục vụ du khách là chuyện nằm trong tầm tay. Chất lượng du lịch ở TP.HCM, theo đó sẽ được nâng lên là điều không thể bàn cãi.

Nhiều nơi đã làm sao mình lại bác đề xuất!

Vấn đề chúng ta cần làm rõ ở đây là nếu nói thu phí chỉ để quảng bá cho du lịch thành phố thì không thuyết phục, vì nguyên tắc bán hàng là anh phải tự dùng nguồn vốn để quảng bá chứ không thu thêm từ khách hàng. Vì vậy, “cần phải cụ thể hoá việc thu phí để tăng thêm các dịch vụ tiện ích cho khách du mỗi lần đến TP.HCM tham quan, giải trí”, ông Tạo đặt vấn đề.

Theo sở Du lịch, đề xuất trên căn cứ luật Du lịch năm 2017 (có hiệu lực ngày 1.1.2018). Điều 70 luật này quy định thành lập quỹ hỗ trợ từ nguồn vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp; ngân sách bổ sung hàng năm một phần trích từ nguồn thu phí tham quan, phí thị thực các giấy tờ liên quan đến xuất nhập cảnh… và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định pháp luật. Để thuyết phục cho đề xuất trên, sở Du lịch nêu thông tin một số nước thu phí lưu trú. Chẳng hạn, ở đảo Balearic – Tây Ban Nha, du khách từ 16 tuổi trở lên phải chịu thuế du lịch 1 EUR với khách sạn 3 sao và 2 EUR với khách sạn 4, 5 sao/người/đêm. Ý cũng thu phí du khách từ 15 tuổi trở lên 0,15 – 2,18 EUR/đêm; Thuỵ Sĩ khoảng 2,5 CHF/người/đêm... Không cần nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn trong khu vực Đông Nam Á thì chúng ta sẽ thấy ngay Malaysia hiện đang thu phí 2 USD/đêm đối với du khách quốc tế. 

Bình luận về động thái UBND TP.HCM yêu cầu sở Du lịch thu hồi đề xuất trên vì sợ ảnh hưởng đến môi trường du lịch thành phố, ông Tạo cho rằng không nên bác những đề xuất khi nó chưa được lấy ý kiến một cách chính thức, có tổ chức, có điều tra xã hội học. Đừng dị ứng với phí, đừng sợ dư luận la lên vu cho mình là “tận thu” rồi sợ. Làm như vậy không khuyến khích được những ý kiến táo bạo để phát triển ngành nghề.

Giang Thanh – Đằng Giang (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem