Tô chữ S Việt Nam bằng tên đảo

Thứ năm, ngày 14/02/2013 19:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việt Nam sẽ thế nào nếu không có biển? Giả định ấy làm ta tự bác bỏ ngay, dư đầy khả năng tưởng tượng. 3.200km đường biển là đường viền xanh bao bọc bỗng bừng thức ký ức lịch sử và khát vọng lúc xuân sang...
Bình luận 0

Chuyên đề của báo Nông Thôn Ngày Nay Tết 2013 là cơ hội cho tôi được trải hình dung về Việt Nam theo chiều dài xứ sở. 3.200km đường biển là đường viền xanh bao bọc bỗng bừng thức ký ức lịch sử và khát vọng lúc xuân sang.

Ký ức ấy chất chứa ký ức của triệu triệu người con đất Việt, truyền đời từ thuở hồng hoang theo cha Lạc Long Quân về biển, từ thuở Mai An Tiêm ở Thanh Hoá ra đảo mà tìm ra, gây trồng dưa hấu theo hạt quả chim ăn.

Việt Nam sẽ thế nào nếu không có biển? Giả định ấy làm ta tự bác bỏ ngay, dư đầy khả năng tưởng tượng. Đã phiêu lưu theo truyện “Đảo giấu vàng”, tới một lúc nhận ra chẳng phải đâu xa, gần 3.000 đảo của đất nước mình, nào ai đi hết, đảo nào cũng chứa một bí ẩn, thú vị, một thứ “vàng” đâu chỉ là kim loại quý.

img
Tranh sơn mài Sức sống S Việt Nam của họa sĩ Bùi Mai Hiên.

Văn Cao đã viết về thành phố cảng nơi ông chào đời: “Tôi sinh ra đã có Hải Phòng/ Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhớ lại/ Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi”. Hải Phòng, Quảng Ninh, vùng Đông Bắc kề Biển Đông là Việt Nam thu nhỏ, tôi đã ra Cát Bà bằng xe máy, qua phà. Cát Bà hồi ấy, 2005, biển xanh lục, nên thơ.

Tôi men hòn đảo lớn Cát Bà, còn “Vua cá sấu” Cao Văn Tuấn bạn tôi thì lặn lội vào rừng lập trang trại nuôi cá sấu. Lại có người cựu binh tàu không số Đào Hồng Tuyển đổ đất đá làm đường ra đảo Tuần Châu, được gọi là “chúa đảo”.

Một nữ doanh nhân từ Munich (Đức) về cạnh tranh danh hiệu trên, là Lê Hằng. Chị đầu tư xây chùa tháp, biến đảo Trà Bản, cách TP. Hạ Long 15km thành điểm du lịch tâm linh, sinh thái, được GS Vũ Khiêu đặt tên là đảo Tiên Long. Vân Đồn, cái tên gợi những chiến tích lẫy lừng đời Trần hiển hách. Cách đây 15 năm về trước, về Cẩm Phả phải qua 3 lần phà. Phà không chỉ nối các vùng sông nước ở miền Tây Nam Bộ, ở các tỉnh có sông, huyện ra bờ, phà nối đất liền ra đảo. Những chuyến phà ít dần, thay vào là những cây cầu, tàu vận chuyển.

Đảo, không phải xa xôi, đảo ở trong thành ngữ, lời nói hàng ngày. Người ta vẫn bảo “Vùng đó… như ốc đảo”, hoặc “Đây có phải đảo hoang đâu”. Khó có một đảo hoang thực sự bây giờ, khi trái đất quá tải dân cư. Các cuộc chiến tranh vệ quốc cho “non sông liền một dải”, dải ấy đâu chỉ đất liền. Đảo ở gần hay xa bờ, thuộc về nước nào, không chỉ trên bản đồ giấy, mà trong bản đồ ý thức di truyền của mỗi dân tộc.

Họa sĩ Bùi Mai Hiên có bức tranh sơn mài Sức sống S Việt Nam vẽ hình chữ S như con chim phượng mà mắt đỏ là thủ đô Hà Nội. Bức tranh này đã triển lãm 3 cuộc tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM năm 2012.

Hải Phòng có resort đảo Hòn Dấu thì Khánh Hoà có Vinpearl trên đảo Hòn Tre – một đảo đình đám nhất của vịnh Nha Trang. Khánh Hoà có quần đảo Trường Sa, rộng 180.000km2, cách vịnh Cam Ranh 250 hải lý (1 hải lý = 1.853m). “Không xa đâu Trường Sa”, câu hát ấy vẫn là ước nguyện của tôi, muốn ra hòn đảo thiêng liêng ấy một lần.

Trường Sa mấy xuân qua đã trưng đào, mai thật, không phải bằng giấy màu như xưa. Ngàn lính đảo, trên những nhà dàn DK là những con người quả cảm, chống chọi thiếu thốn, hiểm nguy để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Không ít người lính còn tình nguyện làm nhiệm vụ trên đảo suốt đời.

Trường Sa Lớn chỉ có 2,4km2 mà lớn lao vô cùng. Nơi ấy, bao yêu thương, quan tâm của những người con nước Việt trong đất liền, khắp thế giới hướng nhịp tim về đó. Lính đảo đặt tên cây trên đảo là Phong Ba. Cây chịu phong ba mà sinh tồn, thì người lính là những anh hùng đích thực nơi đầu sóng ngọn gió.

Đà Nẵng có huyện đảo Hoàng Sa cách thành phố 390km. Người yêu nước thiết thực chính là những ngư dân trần mình với biển đánh bắt trên hải phận Việt Nam – xác định một chủ quyền bằng nhân chứng, bản năng sinh tồn truyền đời, gan dạ và sức sống.

Cách Hà Tiên – thủ phủ Kiên Giang 70km, Phú Quốc nổi tiếng về nước mắm, thanh long, hồ tiêu. Hôm 12.12.2012, ngày đẹp nhất của thập kỷ này, đường bay thẳng Hà Nội – Phú Quốc khai trương với vị khách đặc biệt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Phú Quốc đã thành đảo giàu có bậc nhất Việt Nam.

Côn Đảo rộng 249km2 cách Vũng Tàu 180km, là đảo có chứng tích của tình yêu nước theo ý nghĩa đặc biệt. Nơi đây có nhà tù “chuồng cọp” giam tù chính trị, những người tù chống Pháp vượt ngục Côn Đảo vào ngày 12.12.1952 vừa kỷ niệm 60 năm sự kiện đáng nhớ. Côn Đảo có nghĩa trang Hàng Dương, nơi Võ Thị Sáu, người con gái đất đỏ Bà Rịa anh dũng hy sinh.

Tôi vẽ chữ S trong tâm tưởng tôi, bằng 24 chữ cái, bằng những hình dung khao khát tới đảo. “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song là ca khúc viết về biển đảo hay nhất cho đến giờ. Tiếng hát Kiều Hưng trước đây và Trọng Tấn hôm nay tha thiết quá! “Đây Trường Sa kia Hoàng Sa, ngàn bão tố phong ba ta vượt qua vượt qua”. Không chỉ như câu hát chờ người lính tặng san hô, tôi ước có ngày được ra Trường Sa, đọc thơ thâu đêm cho những lính đảo - những con người mà tôi hết sức trân trọng và biết ơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem