Tổng kết 10 năm hỗ trợ cho hoạt động Phật giáo Nam tông Khmer: Tạo điều kiện cho phật tử tu học

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 25/07/2014 08:59 AM (GMT+7)
Tổ chức các lớp học tại chùa, bảo tồn chùa chiền, in ấn kinh sách, xây dựng học viện Phật giáo...  Trong 10 năm qua, các hoạt động này đã giúp cho Phật giáo Nam tông Khmer ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu long ngày càng phát triển.
Bình luận 0

Vừa qua, Ban Tôn giáo Chính phủ và UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm hỗ trợ Phật giáo Nam tông.

Triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý nhà nước đối với Phật giáo Nam tông Khmer, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu cho Chính phủ cho phép thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP.Cần Thơ; hỗ trợ kinh phí cho các chùa Khmer mở các lớp học dạy chữ cho trẻ; thống nhất mẫu dấu chung cho 545 ngôi chùa Khmer bằng tiếng Việt và Khmer; lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử chùa và khen thưởng cho các sư có công với cách mạng, in kinh sách bằng tiếng Khmer… Tổng nguồn vốn từ T.Ư hỗ trợ cho việc thực hiện những nội dung trên là hơn 24,7 tỷ đồng.

Ông Dương Ngọc Tấn - Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cho biết: Thời gian qua, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu hỗ trợ kinh phí cho 50 lớp học của các chùa ở ĐBSCL… với tổng số tiền đợt đầu là 250 triệu đồng. Ngoài ra, các địa phương còn chi ngân sách của mình để hỗ trợ thêm. “Đến nay đã có hàng chục đầu kinh sách được in và gửi xuống các chùa Phật giáo Nam tông Khmer”- ông Tấn nói.

Ngoài ra, theo ông Thạch Mu Ni - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ), các địa phương vùng ĐBSCL còn chủ động hỗ trợ hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer ngày càng đi vào ổn định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào Khmer.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: chậm tiến độ triển khai xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer; việc lập hồ sơ các chùa và khen thưởng cho nhà sư có công với cách mạng còn chậm; Việc cấp chứng điệp (giấy chứng nhận) theo quy định của Ban Tăng sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho các sư Khmer đã được thực hiện 2 đợt, nhưng hầu hết các địa phương đều tạm dừng lại. Nguyên nhân là do theo truyền thống của sư Khmer, thanh niên vào chùa tu học là để báo hiếu nên chỉ vào một thời gian rồi xuất tu, việc này diễn ra khá phổ biến, nên việc cấp chứng điệp cũng phải cân nhắc.

Ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, thông tin: “Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan quan tâm, sớm hoàn thành các thủ tục cần thiết để xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer để đảm bảo việc tu học ổn định, lâu dài của các chư tăng. Tích cực động viên các chư tăng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chư tăng tích cực học tập nâng cao trình độ, góp phần tạo nguồn lực lâu dài về sau cho Phật giáo Nam tông Khmer”.

Phật giáo Nam tông Khmer hiện có khoảng 1,5 triệu tín đồ, gần 10 nghìn vị sư, sinh hoạt tại 454 ngôi chùa trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố phía Nam.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem