TP.HCM: Người dân ngoại thành ngóng nước sạch

Ngọc Minh Thứ tư, ngày 19/11/2014 08:20 AM (GMT+7)
Mặc dù các sở ban ngành báo cáo rằng hiện nay có đến 98% hộ dân TP.HCM được cung cấp nước sạch, thế nhưng thực tế ở nhiều khu vực ngoại thành, người dân vẫn đang “khát” nước sạch.
Bình luận 0

Dân vẫn dùng nước giếng khoan, nước kênh

Bà Nguyễn Thị Bạch Lan - người dân ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, cho biết đến giờ địa phương vẫn chưa có nguồn nước máy nên gia đình bà nhiều năm qua phải sử dụng nguồn nước giếng khoan. Mà nước giếng khoan mấy năm trước còn trong, thời gian gần đây nước đã bị nhiễm phèn. Nước lấy lên để chừng nửa tiếng đồng hồ là chuyển sang màu vàng, tắm rửa bị ngứa nên gia đình bà phải mua nước bình về để uống và nấu ăn, rất tốn kém.

img

Do thiếu nước sạch, người dân phường Trường Thạnh, quận 9 phải bơm nước kênh lên để dùng. Ảnh: Trường Khởi

 

Thiếu nước sạch, nhiều người dân còn phải dùng nước kênh rạch để sinh hoạt hàng ngày. Ông Lê Văn Cư ở tổ 5, khu phố Long Đại, phường Long Phước, quận 9, cho biết từ ngày giải phóng miền Nam đến giờ nơi ông ở vẫn chưa có nước sạch. Người dân ở đây chủ yếu dùng bằng nước bơm lên từ sông, rạch và chứa nước mưa.

Ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Trung tâm Hóa môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết một phần nguồn nước từ hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và cả nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng do phát triển công nghiệp và đô thị hóa, do rác thải cùng chất thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt và hóa chất trong sản xuất nông nghiệp... trên địa bàn các huyện ngoại thành TP. HCM

Trong nhiều cuộc họp và gần đây nhất trong đợt đích thân Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đi khảo sát vào ngày 7.11 vừa qua, đã phát hiện nhiều nơi người dân thiếu nước sạch, đặc biệt ở khu vực các huyện ngoại thành. Chẳng hạn như huyện Bình Chánh chỉ có 41% trong tổng số gần 140.000 hộ dân có nguồn nước sạch do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cấp, số còn lại phải dùng nước giếng khoan. Riêng xã Đa Phước (Bình Chánh) vẫn chưa có nguồn nước sạch; xã Hiệp Phước (Nhà Bè) vẫn còn gần 500 hộ dân sử dụng nước giếng tự khoan...

Còn tại quận 12 - nơi có 125.000 hộ dân thì chỉ có khoảng 50% được sử dụng nguồn nước sạch của Sawaco, số còn lại sử dụng nước giếng khoan.

Giải quyết dứt điểm vào năm 2020

Sau khi đi khảo sát, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đã phải thốt lên rằng không thể tin nổi số liệu các ban ngành báo cáo rằng hiện đã có 98% hộ dân thành phố đã cung cấp nước sạch. Phó Chủ tịch đã chỉ đạo quyết liệt Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế và UBND các quận huyện thực hiện ngay việc tổng điều tra số hộ dân chưa có nguồn nước sạch (theo QCVN 02-2009 của Bộ Y tế) để lập kế hoạch đưa nguồn nước sạch đến từng khu vực dân cư, đảm bảo chất lượng và giá nước sạch giữa nội thành và ngoài thành như nhau. Còn Sawaco ngay trong tuần này phải lập kế hoạch chi tiết danh mục từng khu vực dân cư cần kéo đường ống cấp nước, làm bồn chứa để cấp nước cho người dân.

Vị Phó Chủ tịch nhấn mạnh thành phố phải làm sao giải quyết dứt điểm các nơi còn thiếu nước sạch, bảo đảm 100% người dân TP.HCM có nguồn nước sạch để sử dụng, chậm nhất là đến năm 2020.

Về vấn đề này, tuần trước UBND huyện Củ Chi cũng đã trình thành phố đề án đầu tư gần 3.000 tỷ đồng để xây dựng các trạm xử lý nước nhằm cung cấp nước sạch cho toàn bộ 111.000 hộ dân huyện Củ Chi. Dự án do UBND huyện này phối hợp Công ty CP Tiến bộ quốc tế thực hiện, dưới sự tư vấn của Trung tâm Hóa môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Nguyên cho biết, theo Đề án sẽ xây dựng các trạm xử lý nước tập trung đặt tại các xã, lấy nguồn nước mặt từ hồ Dầu Tiếng chảy qua kênh Đông và các nhánh sông Sài Gòn, thuộc địa bàn huyện Củ Chi. Nước nguồn được xử lý nhiều bước để loại trừ các ô nhiễm hữu cơ và các thành phần ô nhiễm tiềm năng khác, sử dụng công nghệ lọc nano-ceramic và các phương pháp tiệt trùng tiên tiến, ít gây hại cho sức khỏe (công nghệ Nhật Bản, Đức).

“Ngoài các trạm xử lý nước cục bộ, đề án cũng đề xuất đầu tư hệ thống mạng đường ống và các biện pháp cung cấp nước ổn định đến các hộ tiêu thụ. Dự kiến thời gian thực hiện, nếu được thành phố chấp thuận, từ năm 2015 đến năm 2020” – ông Nguyên cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết dự án 3.000 tỷ đồng dùng công nghệ mới cung cấp nước sạch cho người dân là dự án mà thành phố dự tính ưu tiên cho Củ Chi làm thí điểm. Hầu hết các hộ dân ở Củ Chi hiện nay vẫn đang phải sử dụng giếng khoan và môi trường nước bị ô nhiễm nặng do mật độ chăn nuôi cao. Nếu Củ Chi làm tốt, thành phố sẽ triển khai rộng ra cho các huyện ngoại thành khác. Dự kiến trong tuần này UBND TP.HCM sẽ họp để quyết vấn đề này.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem