TP.HCM: Tử thần lởn vởn ở đường cong

Thứ bảy, ngày 23/09/2017 06:00 AM (GMT+7)
Quá nhiều cái chết thương tâm liên quan đến các con đường cong ở TP.HCM, nhưng các cơ quan chức năng không giải quyết triệt để. Điển hình như vụ tai nạn trưa 14.9 trên đường Tô Ngọc Vân hướng về đường Hà Huy Giáp, lúc qua đoạn đường cong thuộc khu phố 5, P. Thạnh Xuân, Q.12…
Bình luận 0

Ai chứng kiến hình ảnh một cô gái chạy xe máy nằm chết thảm khốc dưới đường, gần đó là chiếc xe tải gây tai nạn thì khó mà không thương tâm. Cô gái 27 tuổi, từ Kiên Giang lên Sài Gòn mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn đã trở thành nạn nhân của một trong rất nhiều khúc cong trên đường ở TP.HCM. Vấn đề là làm đường và cầu thẳng khó đến thế sao?

img

Tử thần luôn lởn vởn ở những đường cong tại Sài Gòn. Nghiệt ngã hơn, nhưng nơi nguy hiểm này lại thường bị CSGT chốt chặn để phạt người lái xe không bật xi nhan.

Cái chết luôn cận kề người đi xe máy

Phải nói rằng, trên địa bàn TP.HCM có hàng loạt đoạn đường cong gắt và “ác” ở chỗ các khúc cong lại chủ yếu nằm trên các tuyến đường huyết mạch, với mật độ xe trọng tải lưu thông dày đặc... Cầu vượt nút giao thông Thủ Đức 2 (hay còn gọi là cầu vượt Trạm 2) là điểm tiếp giáp giữa tuyến quốc lộ 1 và xa lộ Hà Nội, với hàng loạt đoạn đường dẫn được thiết kế cong theo hình vòng tròn và nhiều vị trí cua “thắt ruột” như hình chữ V. Với mật độ xe container, tải nặng..., lưu thông dày đặc ngày đêm, người điều khiển xe máy khi phải di chuyển chung ở những đoạn cong tại đây không khỏi lo sợ, bởi chỉ cần sơ sẩy là mất mạng. Và thực tế, nhiều người hẳn chưa hết ám ảnh trước vụ tai nạn thương tâm tại khu vực này hồi cuối năm 2016, khi xe container ôm cua từ xa lộ Hà Nội lên cầu vượt Trạm 2 đã cuốn hai người trên xe máy vào gầm khiến các nạn nhân tử vong. “Nếu không quan sát từ xa, người đi xe máy rất dễ lao đầu vào xe tải hoặc bị tông. Nguyên nhân là ở nhiều hướng đi tại đây, các phương tiện phải cắt chéo nhau”, anh Nguyễn Tấn Thanh, ngụ Q.9, nói.

Thực tế, đoạn nguy hiểm nhất là vị trí ôm cua xa lộ Hà Nội lên cầu vượt Trạm 2 – hướng về cầu Sài Gòn, ôtô buộc phải cắt mặt người đi xe máy rồi tiếp tục bẻ lái để chạy vòng theo đoạn đường cong. Đứng quan sát tại khu vực này khoảng 15 phút, chúng tôi không khỏi giật mình và lo sợ khi nhiều lần chứng kiến các xe tải, container nối đuôi nhau, rầm rập ôm cua qua đường cong, khiến người chạy xe máy phải dừng lại chờ dòng xe chạy qua hoặc len lỏi trước đầu ôtô để lưu thông. “Chỉ có hai làn xe ở đoạn đường cong này, trong khi dòng xe container, tải nặng chạy rầm rập nên người đi xe máy buộc phải né sát dải phân cách bên phải để di chuyển, vì chỉ cần lấn ra khỏi làn thì mất mạng như chơi”, anh Thanh nói và chia sẻ thêm, ở đây chỉ cần sơ sẩy là xe tải lật liền.

Ngoài các khúc cong như giăng bẫy ở đường Tô Ngọc Vân hay ở cầu vượt  Trạm 2 đang ngày đêm đe doạ lấy mạng người, ở TP.HCM cón rất nhiều nhiều khúc cong khác tương tự. Như ở cầu vượt Tân Thới Hiệp, Q.12; cầu vượt đại lộ Võ Văn Kiệt, Q. Bình Tân; cầu vượt ngã tư An Sương, Q.12; cầu vượt Cát Lái…

Khắc phục bất cập

Vấn đề mà nhiều người bức xúc nhất tại Trạm 2 là ở đây thường xuyên có lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đứng chốt để xử phạt phương tiện không bật đèn xi nhan. Trong khi đó, người dân cho biết nhiều đoạn tổ chức lưu thông một chiều và chỉ có một hướng đi duy nhất, nhưng CSGT vẫn đứng chốt để kiểm tra, trong khi việc này có thể gây nguy hiểm cho người đi đường. “Nói thẳng dù tâm lý có vững đến đâu, nhưng khi chạy vào khúc cua mà bất thình lình phát hiện CSGT thì hỏi ai không giật mình. Mà ở đây giật mình là tay lái dễ lạc trước dòng xe tải nườm nượp thì hậu quả khó lường”, anh Nguyễn Văn Dũng, người ngày hai bận đi làm qua khu vực cầu vượt Trạm 2, bức xúc.

Cũng theo anh Dũng những ngày này, khi báo chí rầm rộ phản ánh tình trạng bị phạt vì không xi nhan ở các khúc cua trên địa bàn thành phố, thì không thấy CSGT đứng “canh” nữa. Còn trước đây ngày nào ở các khúc cua Trạm 2 cũng có CSGT đứng chốt. “Cách đây hơn hai tuần, bà xã tôi vừa chạy xe máy từ xa lộ Hà Nội lên cầu vượt ở phía P. Tân Phú, Q.9 thì gặp ngay chốt CSGT bắt xi nhan. Hoảng hốt, bả thắng gấp nên trượt ngã. May mà bả chỉ bị sây sát nhẹ, nếu không tôi quyết kiện mấy ông “rình” xử lý giao thông ngay khúc cua bất chấp tính mạng người đi đường”, anh Dũng khẳng định, và nói thêm rằng anh không phản đối việc CSGT kiểm tra giấy tờ, nhưng tại sao không chọn những đoạn đường thẳng, thông thoáng mà lại chốt ở đoạn đường cong, có thể gây nguy hiểm cho người đi đường.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, các trục đường chính ở TP.HCM có nhiều nơi bố trí giao thông hay làm đường chưa phù hợp, gây ra tình trạng xung đột giao thông, dễ dẫn đến tai nạn, nhất là những đoạn cong gắt. Đáng ra, trong lúc chưa thể khắc phục một cách triệt để (tức nắn sao cho đẹp – PV) thì các cơ quan chức năng nên quan tâm phân làn, phân luồng sao cho hiệu quả, thì gần như động thái này ít được quan tâm. Việc làm bây giờ là các ngành chức năng cần lắp thêm biển cảnh báo đủ lớn để người đi đường nhìn thấy mỗi khi vào khúc cua. Riêng ở những khúc cua với bán kính cong quá lớn thì ngoài cảnh báo hạn chế tốc độ, ngành chức năng cần lắp thêm các gương cầu lồi để giúp người điều khiển phương tiện quan sát tốt…

Giang Thanh – Đằng Giang (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem