Trái đắng khi vượt biên làm thuê

Bùi Oanh- Hồng Đức Thứ sáu, ngày 22/07/2016 06:15 AM (GMT+7)
Vài năm gần đây, trên địa bàn các huyện vùng cao, miền biển tỉnh Thanh Hóa ước tính có hàng nghìn lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc (TQ), trong đó có rất nhiều lao động chưa đến tuổi 18 đã vượt biên sang nước bạn lao động “chui”.
Bình luận 0

Tan giấc mơ đổi đời

Sinh ra ở vùng ven biển nghèo khó, đang học lớp 11, Nguyễn Thị L ở xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) bỏ học rồi lấy chồng. Đầu năm 2014, vợ chồng L và em chồng là Trương Đình C đã vượt biên sang TQ để làm thuê, với ước mong có ngày đổi đời.

img

Vì cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, nhiều người dân vùng ven biển đã vượt biên sang Trung Quốc lao động trái phép. (ảnh minh họa: Ngư dân vùng biển phơi lưới).   ảnh: T.L

Để sang được TQ, mỗi người phải đóng 5 triệu đồng cho “cò” môi giới và tự bắt xe từ nhà đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Nhớ lại chặng đường vượt biên, L rùng mình, kể: “Đoàn của em có 10 người, khi đến Móng Cái được người môi giới đón đi đường rừng để tránh công an. Hôm ấy mưa tầm tã, ai cũng ngã lên ngã xuống vì đường trơn, vắt rừng cắn đầy chân. Lúc đi bộ, lúc đi xe ôm, sau 3 tiếng đồng hồ  chúng em được đưa lên xe tải chở đến xưởng may của người TQ. Vì không biết tiếng nên chúng em cũng không biết họ chở đến chỗ nào. Ban đầu, người môi giới đưa chúng em vào làm ở xưởng may, nhưng mới được 3 ngày thì bị công an kiểm tra. Sợ quá, vợ chồng em chuyển sang xưởng sản xuất đồ nhựa, nhưng vẫn bị công an truy tìm. Tháng đầu tiên, vợ chồng em phải chuyển 5- 6 chỗ làm nên không có lương. Tháng thứ 2, chúng em làm ở xưởng tái chế nhựa, công việc chỉ là cạo chữ, nhãn mác trên vỏ máy ảnh, rồi dán nhãn mác khác vào”.

"Ở quê, 14 - 15 tuổi đã trở thành ngư dân, nhưng nghề đi biển thu nhập bấp bênh, không ổn định nên bọn em theo người ta sang TQ làm ăn. Qua đó, cũng chẳng khá hơn, làm được vài ngày lại bị công an đuổi, chủ quỵt lương, vắt kiệt sức lao động”.
Em Trần Văn Quý

Mỗi ngày, L làm 8 tiếng, ngày nhiều hàng thì tăng ca 6 tiếng. Xưởng cho ăn một bữa, còn một bữa về ăn chung với nhà trọ, lương tính ra tiền Việt được 8 triệu đồng/tháng. Sau hơn 2 tháng sống chui lủi trên đất TQ và bị vắt kiệt sức lao động, vợ chồng L quyết định trở về Việt Nam.

Đường đi đã khó, đường về cũng không dễ dàng gì. Mỗi người phải đóng 3 triệu đồng để môi giới dẫn về bằng đường sông. Vừa lên đò thì có công an TQ truy quét phía sau, nhiều người không kịp lên đò đã nhảy ùm xuống sông để bơi về Việt Nam, có người không may bị nước cuốn trôi mất tích.

Không chỉ có L, theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, còn rất nhiều người chưa đến tuổi 18 đã vượt biên sang TQ lao động “chui”. Đơn cử như em Nguyễn Văn T (17 tuổi, thôn 1, Hoằng Trường) cũng đã bỏ học để vượt biên. Khi sang đến TQ, T mới vỡ mộng vì bị chủ bóc lột sức lao động, quỵt lương khiến em không có tiền về nước, phải vay đồng hương để về nhà.

Đường học đứt gánh

Theo thống kê của Công an xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương), tính từ đầu năm 2016 đến nay, đã có hơn 400 lao động trên địa bàn xã xuất cảnh trái phép sang TQ. Nhìn danh sách dày cộp những người đi lao động “chui” sang TQ phía công an xã cung cấp, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy hàng chục cái tên đang ở độ tuổi trăng tròn. Nhiều em như Trần Văn Luận (SN 2002), Nguyễn Thị Thơm (SN 2001), Đinh Văn Ngọc (SN 2001),  Trần Văn Lập (SN 2000) đều ở thôn Hòa; Đinh Văn Thái (SN 2000, thôn Bắc), Trần Văn Quý (SN 2000, thôn Trung), Lê Thị Trang (SN 2001, thôn Bình)… vì hoàn cảnh khó khăn, các em đã phải bỏ học để đi làm giúp bố mẹ.

“Ở quê, 14 - 15 tuổi đã trở thành ngư dân, nhưng nghề đi biển thu nhập bấp bênh, không ổn định nên bọn em theo người ta đi TQ làm ăn. Sang đó, cũng chẳng khá hơn, làm được vài ngày lại bị công an đuổi, chủ quỵt lương, vắt kiệt sức lao động”- em Trần Văn Quý cho hay.

Theo số liệu của UBND tỉnh Thanh Hóa, tính đến đầu năm 2016, toàn tỉnh có hơn 8.000 người xuất cảnh trái phép sang TQ lao động “chui”. Số lao động này tập trung ở các huyện ven biển như Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia… Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng đã tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ những rủi ro khi xuất cảnh trái phép sang TQ, song đến nay tình trạng người dân xuất cảnh trái phép đi làm việc “chui” vẫn đang là vấn đề nhức nhối làm đau đầu các cơ quan chức năng./.

Đại tá Lê Trung Hiếu - Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh Thanh Hóa):

Công dân xuất cảnh trái phép đã giảm 50%

 Trước tình trạng lao động ở các địa phương trong tỉnh xuất cảnh trái phép sang TQ, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác tuyên truyền,  vận động, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tình trạng công dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép; phối hợp với các ngành chức năng quyết liệt ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài. Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng chỉ đạo công an các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho công dân hiểu việc xuất cảnh trái phép ra nước ngoài là vi phạm pháp luật. Do đó, trong 6 tháng đầu năm  2016, tình trạng công dân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài đã giảm 50% so với năm ngoái.

Ông Phạm Hồng Thái – Trưởng Công an xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương:

Tuyên truyền để bà con quay về

Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã có khoảng 400 người đi lao động chui sang TQ. Chính quyền xã đã vận động người nhà kêu gọi họ trở về quê hương. Tính đến thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, toàn xã đã có hơn 300 công dân quay về địa phương. Để làm tốt công tác vận động lao động trái phép trở về, xã đã ra quyết định chuyên đề về lao động xuất cảnh trái phép đi TQ, làm cam kết với tất cả các hộ dân đề nghị công dân không đi lao động trái phép. Phát các bản tin trên hệ thống truyền thanh trên địa bàn xã để người dân hiểu rõ xuất cảnh trái phép là việc làm vi phạm pháp luật.

Hồng Đức (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem