Vì sao tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ thu phí ngang "cao tốc tỷ đô"?

Vinh Hải Thứ hai, ngày 27/04/2015 10:00 AM (GMT+7)
Mức phí tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ tương đương mức đang áp dụng thu tại tuyến Nội Bài – Lào  Cai được đầu tư mới trị giá hàng tỷ USD.
Bình luận 0
img
Sau khi cải tạo, nâng cấp giai đoạn 1 tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ dự kiến thu phí từ ngày 30.6 tới đây, mức phí 1.500 đồng/km.
Theo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ do Bộ Tài chính ban hành, mức thu phí toàn tuyến thấp nhất đối với xe con là 45.000 đồng/lượt, cao nhất đối với xe chở hàng container 40 fit là 175.000 đồng/lượt.

Tính trung bình, mỗi km các tài xế sẽ phải trả 1.500 đồng. Đây là mức thu đang được áp dụng tại các tuyến đường cao tốc được đầu tư mới như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai hay Long Thành – Dầu Giây.

Đây cũng là mức phí được chủ đầu tư BOT đề xuất với các cơ quan chức năng từ trước khi thực hiện dự án.

Đáng lưu ý, dự án đầu tư nâng cấp tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ được chia thành hai giai đoạn với tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng. Ở giai đoạn 1, dự án có mức đầu tư 1.974 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, kết cấu mặt đường tuyến chính.

Đến giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 4.757 tỷ đồng mới thực hiện mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe, bề rộng mặt đường 33,5m, xây dựng đường gom hai bên. Giai đoạn 2 dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2018.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, tốc độ lưu thông tối đa trên tuyến là 100km/h, thấp hơn tốc độ trên các tuyến cao tốc được đầu tư mới là 120km/h. Việc nâng tốc độ lên 120km sẽ được thực hiện sau khi nhà đầu tư BOT hoàn thành giai đoạn 2 của dự án.

Mức thu phí 1.500 đồng/km tương đương các tuyến đường cao tốc được đầu tư tỷ đô sẽ được thu trong 17 năm 8 tháng, tính từ thời điểm đưa vào khai thác giai đoạn 1 của dự án.

Trước câu hỏi về việc ở giai đoạn một, dự án vẫn sử dụng nền đường, hướng tuyến cũ nhưng khi khai thác thu phí như tuyến cao tốc được đầu tư mới, ông Nguyễn Trọng Thảo – Phó Giám đốc Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết, tuyến gần như làm mới.

Ông Thảo cho hay: “Chúng tôi phải bóc toàn bộ. Ở giai đoạn 1, chúng tôi cũng thực hiện nâng cao mặt đường bằng phương pháp bê tông nhựa rộng thay vì cấp phối đá dăm thông thường. Phương pháp này còn tốn tiền hơn nhưng sẽ không phải xử lý lún đường. Còn ở giai đoạn hai sẽ phải cày, bóc bỏ đi nền đất để làm nền đường như các tuyến mới”.

Còn ông Phạm Thanh Bình – Phó Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) cho rằng mức thu phí đã được liên bộ xem xét và chấp thuận. Theo ông Bình, một trong những yếu tố để xem xét là ở dự án này, nhà đầu tư tự bỏ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng.

Nếu để so sánh với các tuyến đường cao tốc được đầu tư mới, đại diện Ban QLDA Thăng Long cũng cho biết khi hoàn thành giai đoạn 1 tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ là không thể so được.

Đại diện Ban QLDA Thăng Long cho hay: “Việc thu phí thực hiện hoàn vốn cho cả giai đoạn 2. Ở giai đoạn 2 nhà đầu tư phải giải phóng mặt bằng, bỏ tiền luôn, Nhà nước không hỗ trợ. Xong giai đoạn 1 phải giải phóng mặt bằng thực hiện giai đoạn 2 luôn. Còn đường cao tốc mới tinh, nhà nước vẫn hỗ trợ tiền giải phóng mặt bằng. Giá trị xây lắp giai đoạn 1 chỉ là một phần, cái chính là giá trị ở giai đoạn tiếp theo, rất lớn”.

Mức thu phí tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ dao động từ 10.000 – 180.000 đồng/lượt, tùy theo đoạn tuyến và loại phương tiện. Đoạn tuyến dài nhất (gần 30km), xe dưới 12 chỗ (hoặc xe tải dưới 2 tấn, xe buýt) chịu phí 45.000 đồng/lượt; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 fit chịu mức phí 175.000 đồng. Mức thu vé tháng cao nhất là 5.250.000 đồng/tháng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem