VKSND Tối cao kháng nghị hủy án ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên

P.V (Tổng hợp) Thứ sáu, ngày 03/04/2020 16:55 PM (GMT+7)
VKSND Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm ngày 27/3/2019 của TAND TP.HCM về phần hôn nhân và chia tài sản chung.
Bình luận 0

Ngày 3/4, VKSND Tối cao cho biết đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 39/2019 ngày 5/12/2019 của TAND Cấp cao tại TP.HCM về vụ xử ly hôn vua cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. 

VKSND Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm trên và bản án sơ thẩm ngày 27/3/2019 của TAND TP.HCM về phần hôn nhân và chia tài sản chung. Kháng nghị cũng đề nghị giao hồ sơ cho TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lại từ đầu. Quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao chỉ ra rằng bản án phúc thẩm có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao do viện phó Trần Công Phàn ký đã chỉ ra bản án trên có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Cụ thể, Tòa phúc thẩm không đình chỉ đối với các yêu cầu phản tố về việc chia tài sản chung là bất động sản, tài sản gửi ngân hàng… mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ  đã rút là vi phạm nghiêm trọng khoản 2, Điều 244, BLTTDS.

Theo kháng nghị các chứng thư thẩm và báo cáo kết quả thẩm định giá đối với công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên phát hành ngày 25/6/2018, đến ngày xét xử sơ thẩm là 20/2/2019 là đã đều hết hiệu lực.

Sau xử  sơ thẩm nguyên đơn kháng cáo tuy nhiên tòa phúc thẩm đã không định giá lại theo quy định mà vẫn lấy kết quả thẩm định giá hết hiệu lực để chia tài sản cho các bên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Theo Pháp luật TP.HCM, kháng nghị cũng chỉ rõ, tòa sơ thẩm và phúc thẩm không xác minh để đưa những người đang quản lý các bất động sản vào tham gia tố tụng nhằm giải quyết triệt để vụ án là vi phạm.

Mặt khác, trong các tài khoản tại ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam có tên ông Lê Hoàng Văn nhưng tòa án hai cấp không làm rõ nguồn gốc số tiền (1.400.269GBD và 7.350.000USD). Tòa hai cấp không làm rõ quá trình quản lý, sử dụng, tài sản hiện tại còn bao nhiêu, ai là người quản lý… mà vẫn xác định là tài sản chung của vợ chồng và chia cho bà Thảo số tiền này là không đúng.

img

Sau phiên xử ly hôn, cả ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều kháng cáo. Ảnh: VNF

Việc tòa hai cấp  xem xét việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng là cổ phần trong tập đoàn Trung Nguyên chia cho ông Vũ phần nhiều hơn, chia cho bà Thảo ít hơn ông Vũ 20% giá trị cổ phần trong tập đoàn là không đảm bảo quyền lợi của bà Thảo…

Từ các phân tích trên, VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm. 

Trước đó, VKSND Tối cao đã có quyết định gửi đến các bên liên quan trong vụ án yêu cầu hoãn thi hành án về phần tài sản vụ tranh chấp ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên.

Việc VKS đưa ra quyết định trên là để có thời gian giải quyết đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đề nghị giám đốc thẩm đối với bản án mà TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên vào tháng 12/2019 qua. Thời gian hoãn thi hành án theo VKS đưa ra là ba tháng kể từ ngày có văn bản.

Trong khi phía ông Vũ đã chủ động nộp hơn 1.220 tỷ đồng cho cơ quan thi hành án trước một ngày nhận quyết định hoãn thi hành án…

Trước đó, sau phiên sơ thẩm xét xử vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, VKSND TP.HCM đã có bản kháng nghị dài 14 trang phân tích nhiều sai sót của HĐXX trong quá trình tố tụng.

Trong đó, tòa bị cho là không nêu đầy đủ và chính xác nhận định về các ý kiến của VKS, có hàng loạt vi phạm pháp luật cũng như tố tụng khi giải quyết yêu cầu phản tố của đương sự. Từ đó VKS đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm.

Sau đó, phiên phúc thẩm được mở ra tại TAND Cấp cao ở TP.HCM. Ngày 5/12/2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên công nhận ông Vũ và bà Thảo thuận tình ly hôn, công nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, giao cho bà Thảo nuôi các con chung, ông Vũ cấp dưỡng nuôi các con chung 10 tỷ đồng/năm từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học.

Về tài sản là bất động sản, HĐXX tuyên chia đôi, ông Vũ được nhận 6 bất động sản, bà Thảo nhận 7 bất động sản và "thối" lại cho ông Vũ tiền chênh lệch.

Về tài sản là vàng, ngoại tệ, tiền Việt trị giá 2.000 tỷ đồng trong các ngân hàng, HĐXX tuyên chia 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%.

Về tài sản là cổ phần tại các công ty, bản án chia theo tỷ lệ 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40%. Theo bản án, ông Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần của các công ty và "thối" tiền lại cho bà Thảo. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo sau đó đã có đơn kháng cáo.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem