Vụ cưỡng chế 14.000m2 đất Nghĩa Đô: Hà Nội yêu cầu thanh tra vào cuộc

Thành An Thứ ba, ngày 22/05/2018 16:59 PM (GMT+7)
UBND TP. Hà Nội đang giao Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra các nội dung liên quan đến dự án cống hóa kênh mương Nghĩa Đô, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy
Bình luận 0

Chiều 22.5, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy đã thông tin về kết quả phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tiêu biểu của quận Cầu Giấy sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

img

Ông Trần Việt Hà – Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 22.5. Ảnh: Thành An

Tại đây, phóng viên báo giới đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến địa bàn quận Cầu Giấy quản lý như: quá trình nhận, xử lý đơn thư phản ánh của người dân; quá trình thi công đường sắt đô thị gây ảnh hưởng đến mặt đường gây khó khăn cho phương tiện qua lại; việc tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm trật tự tại Dự án Cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô,… và được ông Trần Việt Hà – Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy trả lời thẳng thắn, không né tránh.

Đặc biệt, liên quan đến việc tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm trật tự tại Dự án Cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô (phường Quan Hoa), ông Trần Việt Hà cho biết, sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép ở dự án cống hóa Nghĩa Đô (hơn 14.000 m2) và UBND TP yêu cầu quận Cầu Giấy đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo.

Theo đó, ngày 17.5, quận phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ. Hiện khu vực này được lắp đặt hàng rào tôn 3m dài khoảng 700m kéo dài dọc theo tuyến mương; lập 21 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; đã có 34/42 cơ sở đã dừng hoạt động. Hiện có 1 số cơ sở kinh doanh xe máy còn hoạt động.

Lãnh đạo quận Cầu Giấy cho hay, ban đầu đây là khu vực được cấp phép làm bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh, nhà hàng. Qua quá trình kiểm tra, quận cũng đã xử lý và tổ chức cưỡng chế đối với các cơ sở không thực hiện theo chỉ đạo của quận.

“Đây là dự án đã được triển khai từ năm 2007, lúc đó thành phố kêu gọi xã hội hóa đầu tư, thành phố kêu gọi bãi đỗ xe và dịch vụ. Mục tiêu ban đầu của dự án là xây dựng bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ. Tuy nhiên có nhiều cơ sở kinh doanh không theo mục đích ban đầu. Với các trường hợp không có đăng ký kinh doanh, bám vào các ô đất không có xây dựng. Chúng tôi xử lý, hàng năm chúng tôi vẫn xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng.

Đối với một số doanh nghiệp khác kinh doanh được được Sở Kê hoạch Đầu tư cấp phép kinh doanh. Tuy nhiên việc kinh doanh này là chưa phù hợp. Hiện nay, quận phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư thông báo tới các đơn vị để tìm địa điểm thích hợp” – ông Trần Việt Hà cho biết.

Bên cạnh đó, ông Hà thông tin, hiện nay UBND TP đang giao Thanh tra TP.Hà Nội thanh tra các nội dung liên quan đến dự án cống hóa kênh mương này.

Cuối tháng 12.2017, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép ở 2 dự án cống hóa Phan Kế Bính (hơn 6.000 m2) và Nghĩa Đô (hơn 14.000 m2); đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh, liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Phó thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trước ngày 1.4.2018.

Kết luận nêu rõ theo quy định của pháp luật về đất đai, mương thoát nước là đất xây dựng công trình công cộng, thuộc trường hợp Nhà nước giao để quản lý mà không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vì vậy, việc UBND TP.Hà Nội ra quyết định cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Nghĩa Đô (thời hạn 50 năm) cho doanh nghiệp với hình thức sử dụng riêng là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và quy hoạch.

Dự án cống hóa mương Nghĩa Đô để xây dựng bãi đỗ xe được UBND TP.Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 31.5.2007 cho Công ty Cổ phần Đầu tư, xây lắp, Thương mại và Dịch vụ. Quy mô đầu tư khoảng 185 ôtô và 500 xe máy và các dịch vụ phụ trợ.

Trải qua thời gian, thay vì làm bãi gửi xe và công trình phụ trợ, 14.000 m2 đất công đã bị được “hô biến” thành nhà hàng, quán ăn. Từ năm 2012, phường Quan Hoa đã nhiều lần xử lý các vi phạm trên. Tuy nhiên trên thực tế, việc xử lý của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, triệt để.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem