Vụ Mobifone - AVG: Vì sao hoàn đủ tiền vẫn khởi tố vụ án?

Lương Kết (thực hiện) Thứ tư, ngày 11/07/2018 14:12 PM (GMT+7)
“Đến nay Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong thương vụ Mobifone mua AVG, điều này thể hiện cách xử lý theo đúng bản chất của sự việc...”, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh nói khi trao đổi với PV Dân Việt.
Bình luận 0

img

Ông Lê Việt Trường (ảnh IT).

Thưa ông, trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, Cơ quan thanh tra vào cuộc từ tháng 9.2017, tiếp đến Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, đến nay đã khởi tố bị can. Điều này cho thấy sự phức tạp của vụ việc, ông nghĩ sao?

- Tôi cho rằng đây là cách làm thận trọng, bởi thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG là vụ việc lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến một số cán bộ cấp cao, do đó việc thận trọng khi làm là cần thiết. Chúng ta thấy từ hiện tượng đến thu thập đầy đủ các bằng chứng để xác định có dấu hiệu tội phạm rồi tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiến hành điều tra đòi hỏi một quy trình tố tụng chặt chẽ.

Thực hiện hành vi không thể ai khác ngoài con người, gắn liền với hành vi còn là danh dự, nhân phẩm của con người, quyền lợi chính trị, kinh tế của họ…Nếu một vụ việc đơn giản, hành vi vi phạm của những người liên quan chỉ ở góc độ xử lý hành chính, rồi tiến hành rút kinh nghiệm có thể được làm nhanh. Còn như một vụ việc phức tạp, chuyển hồ sơ sang xem xét xử lý hình sự thì cần phải tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ nên cần có thời gian.

Có thể thấy trong vu việc này Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng đã quyết liệt mới có kết quả như hiện nay, thưa ông?

- Có thể thấy quan điểm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đứng đầu là Tổng Bí thư, kể cả hoạt động của các cấp có thẩm quyền theo phân cấp như Ban Bí thư là nhất quán, đúng với quyết tâm chính trị đã được nêu trong nhiều nghị quyết, văn bản. Đó là chống tham nhũng là cuộc chiến phải tiến hành kiên trì, kiên quyết, không nóng vội, đảm bảo nguyên tắc đấu tranh chống tham nhũng để ổn định và phát triển; đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm, không loại trừ bất cứ trường hợp nào; ai có hành vi tham nhũng đều chịu sự phán xét của pháp luật và bình đẳng trước cán cân công lý.

img

Ngày 10.7, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C46) đã ra quyết định khởi tố vụ án Mobifone - AVG, khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Nam Trà, Phạm Đình Trọng  (Ảnh: Dân Việt)

Không chỉ vụ án Mobifone mua AVG mà những vụ án, vụ việc khác cho thấy quá trình tổ chức thực hiện vừa qua của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các cơ quan Tư pháp là rất bài bản. Chúng ta chống tham nhũng quyết liệt nhưng luôn luôn đảm bảo cho đất nước ổn định, phát triển.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy kinh tế của đất nước vẫn tiếp tục tăng trưởng với nhiều dấu hiệu khởi sắc, chúng ta cải thiện được môi trường đầu tư, thu hút đầu tư, những nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đến với Việt Nam. Qua đó cho thấy việc đấu tranh chống tham nhũng không làm cho chúng ta chậm phát triển đi mà cuộc đấu tranh này chính là biện pháp để xây dựng và phát triển.

Có ý kiến cho rằng, trong vụ Mobifone chúng ta xử lý được một cách toàn diện, ngoài xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm điều quan trọng nhất là thu hồi tài sản, ông thấy sao?

- Vào ngày 13.5, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm sao phải thu hồi được tài sản tham nhũng nhiều hơn nữa. Tổng Bí thư cho hay, hiện nay Đảng và Nhà nước đang khuyến khích theo hướng này. Lấy vụ Mobifone mua cổ phần của AVG gây thiệt hai 8.800 tỷ đồng, Tổng Bí thư cho biết, hiện bên AVG đã hứa trả lại toàn bộ số tiền ấy cộng với lãi, và trên thực tế đã thu hồi được 8.500 tỷ đồng.

- Tôi cho rằng nhận xét đó chính xác, đúng với bản chất của vụ việc. Khi cơ quan thanh tra vào cuộc đã phát hiện ra những hành vi giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp bên ngoài. Dường như đó là mối quan hệ với nhau để cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước. Khi vụ việc bị phát hiện, những người trong cuộc đã vội vã dùng biện pháp hủy hợp đồng, trả lại tiền. Thời điểm này cũng có trường hợp đã lên tiếng lý giải, bao biện cho rằng việc làm như vậy là đúng. Nhiều người dân khi theo dõi báo chí nghĩ rằng như vậy có khả năng vụ việc này sẽ chìm xuồng.

Tuy nhiên đến nay Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều này thể hiện việc xử lý theo đúng bản chất của sự việc. Nghĩa là vụ việc này có dấu hiệu hình sự, xét về mặt pháp lý thì tội phạm đã hoàn thành nên phải bị xử lý về hình sự. Việc hủy hợp đồng, trả lại tiền chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ. Chẳng hạn một người vào nhà hàng xóm lấy trộm tài sản, khi bị phát hiện thì đem trả lại tài sản đó và nói xí xóa, như vậy đâu có được.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 10.7.2018, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C46) đang điều tra xác minh sai phạm trong việc Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Căn cứ kết quả điều tra đến nay và tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C46) đã ra các Quyết định: 

Khởi tố vụ án hình sự số 26/C46-P13 về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015, xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone - Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan. 

Quyết định Khởi tố bị can số: 98/C46-P13; Lệnh bắt bị can để tạm giam số: 34/C46-P13; Lệnh khám xét số: 37/C46-P13 đối với Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, hiện là Cán bộ Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông. Quyết định Khởi tố bị can số: 99/C46-P13; Lệnh bắt bị can để tạm giam số: 35/C46-P13 ; Lệnh khám xét số: 38/C46-P13 đối với Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ Thông tin và Truyền thông, về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem