12 người mắc kẹt: Đang chuyển thực phẩm dinh dưỡng vào hầm

Duy Hậu - Lê Kiên - Hoài Thu Thứ năm, ngày 18/12/2014 01:12 AM (GMT+7)
Theo dự tính của lực lượng y tế bệnh viện Chợ Rẫy, trong đêm nay phải chuyển được 6 đến 8 bịch dung dịch dinh dưỡng đặc biệt đến với 12 công nhân mắc kẹt.
Bình luận 0

23h45: Thông tin từ lực lượng y tế, chất dinh dưỡng đặc biệt đang được chuẩn bị để chuyển tới các nạn nhân bên trong hầm. Chất dinh dưỡng này là chất lỏng nên sẽ được chuyển theo cách chuyển sữa và cháo lỏng vào hầm.

Theo dự tính của lực lượng y tế bệnh viện Chợ Rẫy, trong đêm nay phải chuyển được 6 đến 8 bịch dung dịch dinh dưỡng đến với 12 công nhân mắc kẹt.

23h15: Hiện tại đèn led đã đưa được  vào phía các nạn nhân. Lực lượng cứu hộ liên tục thay ca nhau vào hầm làm việc.

 
img 
Chất dinh dưỡng đặc biệt được chuyển từ bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM để tiếp tế cho 12 công nhân trong hầm

 

img 

Lực lượng cứu hộ thay ca nhau vào làm việc trong hầm

img

Trời về khuya càng rét, những bếp lửa được đốt để sưởi ấm 

img

Toàn cảnh bên ngoài hầm thủy điện bị sập vào đêm 18/12

 

23h, Ông Nguyễn Văn Yên cho biết, hiện lực lượng đang làm việc trong hầm rất đông nên không cho bất cứ ai không có nhiệm vụ được vào hầm‎.
Sắt thép được các lực lượng cứu hộ cắt hàn được đưa vào trong để gia cố hầm. 

img

 

20h15, Ông Nguyễn Văn Yên- Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết, tiến độ cứu hộ trong đường hầm đang tiến triển tốt. Hiện tại nước không thể dâng lên được nữa và đang cạn dần. Hai đường hầm hiện đã đào được một bên hơn 6 mét và một bên hơn 2 mét.

Ông Yên cho biết đang triển khai đưa hệ thống đèn led vào trong đường hầm. Đồng thời đưa một chiếc đèn pin và thông báo về tình hình cứu hộ cứu nạn bên ngoài để các nạn nhân yên tâm. Và cũng sẽ đưa giấy bút vào cho các nạn nhân viết các yêu cầu của mình gửi ra để bên ngoài kịp thời hỗ trợ.

Ông Yên cũng thông tin, hiện mũi khoan trên đỉnh đồi xuống đang gặp phải đá, nên đang tìm cách lách đá. Đồng thời cũng triển khai khoan mũi thứ 2 đề phòng mũi khoan thứ nhất không thể khắc phục được.

img

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Riêng việc phương án sử dụng thuốc nổ, do quá trình đào hầm vẫn đang thuận lợi nên chưa cần thiết phải sử dụng.

Đến giờ này, sức khỏe các nạn nhân vẫn đang ổn định. Ngay trong đêm nay, bệnh viện Chợ Rẫy sẽ đưa dung dịch dinh dưỡng đặc biệt vào cho các nạn nhân. Sau khi sử dụng dung dịch này, các nạn nhân sẽ không phải cần ăn uống gì thêm nữa. 

 

19h tối nay, mũi khoan được hy vọng sẽ mở ra khả năng tiếp tế, thông hơi, ánh sáng cho các nạn nhân kẹt dưới hầm đã bị gẫy.

Mũi khoan nhồi từ đỉnh đồi xuống đi được hơn nửa quãng đường (đã khoan được 40 mét so với độ sâu 70 mét) đã không thành công. Mũi khoan này được bắt đầu từ chiều qua, và dự định đêm nay mũi khoan này thông, qua đó sẽ tiếp tế quần áo ấm, thuốc men, thức phẩm và cả bóng điện xuống cho các nạn nhân đã không diễn ra như kế hoạch...

Nhưng lực lượng cứu hộ không nản lòng, lập tức lắp mũi khoan khác và khoan lại từ đầu ở vị trí cách mũi khoan ban đầu khoảng 8 mét.

Trả lời báo chí sau khi thị sát hiện trường, Phó Thủ tướng, cho biết, hôm nay lực lượng công binh đưa ra thêm một giải pháp. Đó là đào thêm đường hầm thứ hai, phía bên trái để tránh tình trạng nếu tuyến bên phải không thuận lợi, hoặc do địa chất lấp tuyến bên phải thì có tuyến dự phòng.

Một tuyến nữa thông từ bên trên nóc hầm xuống và khả năng đêm nay sẽ thông. Tuyến này sẽ đưa được áo quần thuốc men xuống cho những người bên trong hầm để qua được mấy ngày tới đây.

Theo tính toán hiện nay, tốc độ đi hầm bên phải là 8m/ngày. Với tốc độ này thì phải mất 3 ngày nữa mới vào được. Dù lực lượng đã được tăng cường, song tuyến bên phải đang gặp đá nên vẫn chưa thể chắc chắn sẽ thông được lúc nào. 

Tới đây, lực lượng cứu hộ cũng phải sử dụng các liều nổ nhỏ để phá đá, đi tiếp. Việc này phải được thực hiện hết sức thận trọng. Bởi vì nếu không thận trọng gây sập xuống khiến các đường tiếp nước, sữa… cho các nạn  nhân bị vùi sẽ hết sức nguy hiểm.

Phương án từ phía hạ lưu đang giao cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn Bộ Xây Dựng, Sông Đà, công binh sẽ nghiên cứu tiếp. Mặc dù hướng này địa chất yếu và còn đến hơn 60 mét nữa mới tiếp cận được hiện trường. Nhưng cũng phải thực hiện để chuẩn bị tất cả các biện pháp để tiếp cận 12 nạn nhân.

Về sức khỏe các nạn nhân, Phó Thủ tướng cho biết, tuy họ có bị lạnh nhưng vẫn ổn. Tối nay, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ đưa dung dịch thuốc đặc biệt để giúp trợ lực cho các nạn nhân, có đủ dinh dưỡng để vượt qua được trong mấy ngày tới.

15h30, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã vào đường hầm, trực tiếp nói chuyện qua ống nghe với các nạn nhân bên trong, các công nhân cho biết tâm lý ổn định, luôn đặt niềm tin vào lực lượng cứu hộ, sức khỏe bình thường, tuy chỉ có lạnh.

Phó Thủ tướng biểu dương tỉnh Lâm Đồng, các bộ, ngành liên quan đã kịp thời triển khai hoạt động cứu hộ quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết cũng rất lo do tiến độ cứu hộ chậm vì địa chất phức tạp, nhiều cát và đá mồ côi, những ngày qua mưa nhiều nên đất cát lở xuống rất khó đào.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: Nội trong 3 ngày nữa phải đào xong đường hầm cứu nạn, tiếp cận được với các nạn nhân. Lực lượng công binh phụ trách đào ngách bên phải đường hầm; giao cho lực lượng cứu hộ mỏ của Quảng Ninh đào ngách bên trái. 

15h, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết, hiện mũi khoan nhồi từ đỉnh đồi xuống đã được 40 mét, còn khoảng 30 mét nữa sẽ đến vị trí các nạn nhân gặp nạn. Lỗ khoan này có đường kính 110mm.

img

Từng mũi khoan được lực lượng cứu hộ khẩn trương khoan vào đá cứng

Hiện lực lượng khoan đang rất khẩn trương, cố gắng hoàn thành bởi đây sẽ là cửa thông gió và tiếp tế thức ăn, thuốc men, quần áo chống rét cho các nạn nhân. Cách tiếp tế hiện tại từ vị trí hầm bị sập thông qua lỗ khoan thoát nước rất nhỏ và khó khăn. Khi xong mũi khoan này, bóng điện cũng sẽ được đưa xuống để động viên, khích lệ tinh thần và tăng niềm tin cho các nạn nhân.

 

img

 

13h42 ngày 18/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đến hiện trường vụ sập hầm để khảo sát tình hình, nắm bắt tiến độ và chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn.

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại hiện trường vụ sập hầm

 Vừa đến hiện trường, sau khi làm việc nhanh với lực lượng tại chỗ, Phó Thủ tướng yêu cầu các chỉ huy của lực lượng cứu hộ báo cáo tiến độ và các phương án cứu hộ.

Phó Thủ tướng nhận xét công tác cứu hộ quá chậm và thủ công, cần phải có biện pháp để đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nạn nhân nhưng phải bảo đảm hai yêu cầu cốt yếu: Cứu được các nạn nhân ra ngoài và đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ trong hầm sâu. 

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đến hiện trường vụ sập hầm và có những chỉ đạo đầu tiên

Về mực nước trong hầm, ông Hoàng Công Thạo - Chỉ huy trưởng lực lượng cứu hộ - cho biết, nước trong đã được bơm ra. Hiện mực nước ở khu vực những người mắc kẹt chỉ còn khoảng 40cm.  

Hiện máy khoan chuyên dụng đang được điều từ Hà Nội vào.

13h30, phương án đưa đường điện vào nơi các công nhân đang mắc kẹt đã thất bại do có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên Công ty CP Sông Đà 505 vẫn đưa ánh sáng vào trong bằng cách dùng đèn Led, thắp sáng bằng ắc quy.

img

Mũi khoan trên đỉnh đồi - niềm hy vọng lớn nhất theo nhận định của các chuyên gia

12h15: Một công nhân của Công ty CP Sông Đà 505 cho biết, hiện một đường điện đang được đưa vào cho các nạn nhân. Trong số 12 người bị mắc kẹt có một thợ điện lành nghề và có đầy đủ dụng cụ đấu nối cũng như đèn điện. Đây là kế hoạch được Sông Đà 505 đưa ra nhằm tăng nhiệt độ dưới hầm cho các nạn nhân.

Công nhân này cũng cho biết, việc đấu nối đang được thực hiện nhằm tránh làm nhiễm điện, ảnh hưởng đến các nạn nhân cũng như lực lượng cứu hộ. Theo ước lượng, khoảng hơn 1 giờ nữa, trong hầm sẽ có điện.

img

 

Công tác cứu hộ rất khẩn trương 

Lúc 11h30, Ban chỉ huy lực lượng cứu hộ đã họp nhanh tại hiện trường để triển khai các phương án cứu hộ phù hợp với điều kiện hiện tại.

Đến thời điểm hiện tại, ngách hình chữ A ở bên phải đường hầm đã được đào hơn 5 mét. Theo tính toán, nếu không có gì trở ngại, đêm nay hoặc sáng mai sẽ đến được nơi các nạn nhân đang mắc kẹt.

Để đảm bảo việc cứu hộ nhanh, đồng bộ, linh hoạt, các lực lượng cứu hộ thống nhất đào thêm một đường ngách nữa bên trái đường hầm, phòng khi đường ngách bên phải gặp sự cố hoặc vướng đá lớn gây chậm tiến độ.

img

 

Triển khai mũi khoan thứ 3 từ điểm sụt đất

Trong khi đó, lực lượng công binh, công nhân Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)… đã đào, khoan cửa hầm chính sâu hơn 5m; mũi khoan trên đỉnh đồi hầm xuống sâu 30m và mũi khoan từ phía sau hầm vào khoảng 40m.

Ở mũi khoan từ trên đỉnh hầm (đỉnh đồi), nếu khoan đạt độ sâu từ 70 đến 80m sẽ tiếp thêm không khí tự nhiên cũng như tiếp tế được quần áo ấm, thuốc men, lương thực cho các nạn nhân bị mắc kẹt. Riêng 2 mũi khoan còn lại sẽ thực hiện song song để bảo đảm nhiều phương án sớm tiếp cận giải cứu các nạn nhân ra ngoài.

10h50, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, thiếu tướng Bùi Văn Sơn, cho biết thông tin vô cùng khả quan: Nước trong hầm đã được hút ra ngoài đáng kể và đã ngừng dâng.

10h05 ngày 18/12, ông Bùi Văn Sơn - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã đưa được 2 đường ống vào trong hầm để hút nước ra.

Thời điểm này, lưu lượng nước được bơm ra là 3m3/h.

Trong khi đó, 100 công binh và 10 mũi khoan của Quân khu 7 đang trên đường từ Khánh Hòa đến hiện trường để tham gia giải cứu.

img
 

Dọn dẹp đường hầm để chuẩn bị đưa nước ra 

Hiện có 3 phương án được triển khai đồng thời: khoan từ đỉnh đồi xuống (đây là phương án được ưu tiên triển khai nhanh), khoan từ phía sau đồi lại, và khoan từ phía trước vào.

Ông Sơn cho biết, trong quá trình khoan, nếu gặp đá, sẽ xin phép khoan hoặc nổ đá để tiếp tục triển khai công tác cứu hộ.

9h45, nước trong hầm đã dâng lên đến gần 2m. Trong khi đó, chiều cao hầm - nơi các công nhân đang mắc kẹt chỉ là 3,7m. Vì vậy, theo chuyên gia công trình ngầm Nguyễn Thế Phùng, lúc này, việc được ưu tiên hơn cả là tiêu thoát nước trong hầm.

Cũng theo ông Phùng, cần tính đến cả trường hợp phải cần đến cả tuần để giải cứu các công nhân. Ngoài ra, cũng phải dự trù khả năng hầm đào bị sập.

Đến thời điểm này, sức khỏe các công nhân vẫn ổn định. Tuy nhiên, do lo ngại tình trạng ngạt khí xảy ra, mỗi phút, đội y tế phải bơm vào 6-8lít oxy vào hầm để các công nhân hô hấp bình thường.

Hiện, y tế cũng đã tăng cường truyền sữa giàu năng lượng, vitamin và canxi vào hầm cho các công nhân để có sức đề kháng và tăng khả năng chống chọi với cái lạnh.

img 

Bàn phương án ứng cứu 12 công nhân mắc kẹt

Bên trong hầm, các chuyên gia hầm mỏ vẫn đang xúc tiến việc đào hầm. Từ tối qua đến giờ, đã đào được 4m đường hầm. Tốc độ này được đánh giá là khá nhanh.

Bên ngoài, một tổ chuyên gia đang bàn đến tình huống: Nếu việc đào hầm gặp đá, đội cứu hộ sẽ xin phép cho nổ đá để tiếp tục mở đường máu cứu người.

Để bảo vệ hiện trường, lực lượng an ninh kiểm soát chặt chẽ người ra vào chặt chẽ để tạo điều kiện cho lực lượng cứu hộ làm việc.

Sáng nay, một công ty xây dựng từ TPHCM đã cử 10 công nhân cùng 2 máy tán sỏi đến hiện trường, tiếp sức cho công tác cứu hộ. Hiện, số người tham gia đào hầm đã lên đến khoảng 400 người. Những người này sẽ thay phiên nhau làm việc.

Tính đến thời điểm hiện tại, mực nước trong hầm ước tính đã lên đến khoảng 1,7m. Do đó, trong buổi sáng hôm nay, yêu cầu cấp bách là phải đưa nước ra ngoài. 

Đêm qua, một mũi khoan phía trước đường hầm đã vào được bên trong. Ngay sau đó, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã đưa ống mềm vào theo mũi khoan để hút nước ra. Tuy nhiên, đường ống bơm nước đã gặp phải chướng ngại vật nên không bơm nước ra được. Do đó, phương án hiện tại là đưa ống hút cứng vào để hút nước ra.

Trong khi đó, một mũi khoan từ phía cuối đường hầm đi ngược lại cũng phải dừng lại khi đi được khoản 60m thì gặp chướng ngại vật.

Trên đỉnh đồi, vị trí vuông góc với người bị nạn, một mũi khoan cọc nhồi phi 110 cũng được đưa xuống vào tối qua. Trong 2 giờ đầu, mũi khoan này đi được khoảng 25m, nhưng sau sau đó thì tiếp tục gặp khó khăn nên đến thời điểm hiện tại, mũi khoan này cũng mới đi được hơn 30m.

Hiện tại, 19 thợ mỏ tinh nhuệ của lực lượng cấp cứu mỏ của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đang tích cực đào đường hầm bên cạnh theo hình zigzag để tiếp cận các nạn nhân.

Lực lượng công binh của Bộ Quốc phòng cũng tăng thêm 40 người. Như vậy, đến thời điểm này, đã có đến 70 lính công binh tham gia vào cuộc cứu nạn.

Trong sáng nay, lực lượng cảnh sát PCCC cứu hộ cứu nạn của thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 50 người) sẽ tiếp cận hiện trường.

0h30: Bên trong hầm thủy điện, PV ghi nhận hiện có khoảng 30 công nhân đang tích cực làm việc. Theo đó một tốp gia cố đường hầm và một tốp tiếp tục khoan để đưa đường ống bơm nước vào trong đưa nước ra ngoài. Ngoài ra, lực lượng công binh vẫn tiếp tục tham gia đào đất, gia cố đường hầm để khi thông hầm có thể đưa các nạn nhân ra ngoài.

Việc tiếp tế lương thực cho 12 công nhân vẫn thực hiện theo cách truyền cháo qua đường ống mềm. 

img

Lực lượng cứu hộ dọn dẹp đường hầm để chuẩn bị đưa nước ra

Bên ngoài trời rất lạnh, một số người trong đội cứu hộ ra ngoài nghỉ ngơi. Một số khác vẫn đang thay ca nhau để tiếp tục công việc.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó chủ tịch huyện Lạc Dương, cho biết: Công tác cứu hộ vẫn đang triển khai rất khẩn trương. Theo ông Kỳ, tiên lượng sức khỏe của các nạn nhân trong thời gian tới sẽ diễn biến xấu, có thể có hiện tượng tụt can xi.

Do đó, trong ngày hôm nay sẽ bàn bạc với các đơn vị liên quan tăng cường dinh dưỡng giàu chất can xi đưa vào cho các nạn nhân.

Danh sách 12 công nhân mắc trong hầm thủy điện Đạ Dâng được xác định như sau:

1. Phạm Xuân Đăng, 1964, Hợp Hòa, Tam Dương, Vĩnh Phúc
2. Nguyễn Anh Tuấn, 1981, Hà Tĩnh
3. Phạm Viết Lành, 1994, Nghệ An
4. Phạm Viết Nam, 1973, Nghệ An
5. Đặng Thị Hồng Ngọc, 1988, Nghệ An
6. Trương Tuấn Việt, 1984, Hà Nội
7. Nhỡ Văn Tường, 1986, Hà Nam
8. Hoàng Tiến Đoàn, 1989, Nam Định
9. Hoàng Anh Văn, 1980, Nam Định
10. Hoàng Đình Hường, 1984, Nam Định
11. Hoàng Đình Thịnh, 1986, Nam Định
12. Nguyễn Văn Quang, 1976, Hà Tĩnh

Vụ sập hầm xảy ra vào sáng 16.12 tại hầm thủy điện của nhà máy thủy điện Đạ Dâng-Đa Chomo (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) khi các công nhân đang khoan hầm, khiến 12 công nhân mắc kẹt.

Ngay khi sự việc xảy ra, lực lượng cứu hộ đã được huy động đến hiện trường để giải cứu các nạn nhân.

Tuy nhiên, dù lực lượng cứu hộ đã nỗ lực hết sức nhưng đến hết ngày 17.12, vẫn chưa có công nhân nào được đưa ra ngoài.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem