Xe khách chạy 87 km/h khi đâm xe cứu hỏa tại Pháp Vân - Cầu Giẽ

Thứ ba, ngày 20/03/2018 22:26 PM (GMT+7)
Nhà chức trách xác định tốc độ xe khách nằm trong giới hạn tốc cho phép tại thời điểm xảy ra tai nạn với xe cứu hoả chạy ngược chiều.
Bình luận 0

Clip: Khoảnh khắc trên xe cứu hỏa trước lúc gặp nạn

img

Ông Đỗ Đức Cường, Trưởng Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) thông tin về vụ tai nạn xe khách giường nằm đâm vào xe cứu hỏa đi ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cách đây hai ngày.

Dữ liệu trích xuất thể hiện xe khách chạy với tốc độ 87 km/h, trong khi tốc độ tối đa cho phép trên đường này là 100 km/h.

Công an huyện Thường Tín đã chuyển hồ sơ vụ tai nạn lên Phòng hình sự (PC45 -Công an TP Hà Nội) để tiếp tục làm rõ nguyên nhân. Chiếc xe khách và xe cứu hỏa đã được di chuyển về bãi giữ của Công an huyện Thường Tín để phân tích.

Theo quan sát, vị trí xảy ra tai nạn là ngã ba - nút giao vào trạm thu phí huyện Thường Tín. Đoạn xảy ra tai nạn có 3 làn xe và một làn khẩn cấp, xe cứu hoả đang chạy ở làn giữa khi xe khách đâm vào.

"Cần xem xét trách nhiệm cả hai phía"

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn  Anh) phân tích, Luật Giao thông đường bộ quy định "người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác chấp hành quy tắc giao thông, giữ an toàn cho mình và cho người khác. Dù là xe chữa cháy được ưu tiên số một khi đi làm nhiệm vụ cũng phải đảm bảo an toàn cho bản thân và những phương tiện đang lưu thông trên đường".

Nếu cự ly, khoảng cách, tốc độ, tầm quan sát khiến lái xe khách không đủ điều kiện xử lý tình huống thì được xác định là sự kiện bất ngờ theo Điều 20 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp này, lái xe khách không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Còn nếu có căn cứ xác định lái xe khách do thiếu quan sát, không nhường đường cho xe ưu tiên khi đủ khả năng quan sát xe cứu hỏa đang tiến vào, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có dấu hiệu phạm vi phạm quy định giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo luật sư Thơm, cơ quan công an cũng phải xem xét trách nhiệm của tài xế xe cứu hỏa. Dù xe cứu hỏa được ưu tiên số một nhưng về nguyên tắc khi đi làm nhiệm vụ cũng phải đảm bảo an toàn cho bản thân và những phương tiện đang lưu thông trên đường.

"Đặc biệt, ngoài việc có đèn tín hiệu cảnh báo thì phải quan sát và đi vào phần đường quy định ở làn khẩn cấp. Đây là làn đường đóng vai trò là nơi dừng, đỗ khi xe bị hỏng hoặc làn đường dành riêng cho các xe công an, cấp cứu, cứu hỏa di chuyển trong trường hợp khẩn cấp", luật sư Thơm nói.

Ông Thơm cũng cho rằng cần xem xét Cơ quan phòng cháy chữa cháy điều động xe cứu hỏa đi vào cao tốc đã đúng quy định chưa, đã thông báo cho cảnh sát giao thông, đơn vị quản lý cao tốc để phối hợp phân luồng hay chưa.

Chiều 18/3, xe cứu hỏa Xe cứu hỏa của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 12 cùng 7 chiến sĩ nhận nhiệm vụ lên đường cứu hộ hai nạn nhân bị mắc kẹt trên xe khách 16 chỗ. Rời trung tâm huyện Thường Tín, xe cứu hỏa chạy ra ngã ba nút giao gần trạm thu phí huyện, rồi hú còi xin đường để chạy ngược chiều vào cao tốc. Đến 16h45, khi vừa chờm đầu xin chuyển sang làn cao tốc, xe cứu hỏa bị xe khách giường nằm đâm ngang hông trái. Cả hai xe hỏng nặng, nằm chắn ngang hai làn đường cao tốc.

6 chiến sĩ trên xe cứu hỏa phải nhập viện, trong đó 3 người bị thương nặng, một người tử vong. 5 người trên xe khách phải nhập viện, gồm cả lái và phụ xe.

Bá Đô (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem