Nỗi ám ảnh của nữ tài xế say rượu khiến 3 người chết

Thứ hai, ngày 22/10/2018 17:17 PM (GMT+7)
Nicole Lafreniere say ngất, lái xe chở thêm 5 người bạn rồi mất lái khiến 3 người chết, còn cô phải thụ án 6 năm trong tù.
Bình luận 0

Bài viết với tiêu đề “Tôi đã lái xe khi say rượu và giết chết ba người” được đăng trên tờ Cosmopolitan số tháng 1/2005. Dưới đây là bản lược dịch bài viết này. Nữ tài xế trong câu chuyện tên Nicole Lafreniere, người Mỹ.

Thứ bảy, ngày 23/2/2002, là ngày bình thường cuối cùng trong cuộc đời. Một tuần trước đó, tôi bắt đầu công việc mới tại một tiệm tóc ở quê nhà Livermore, bang California. Để ăn mừng một bước tiến mới trong sự nghiệp tạo mẫu tóc mà mình yêu thích, tôi cùng Melissa quyết định đi mua sắm, rồi tới dự tiệc mừng chị gái sinh em bé. Đêm hôm đó, tôi diện một chiếc áo len trắng, quần kaki rồi đi bốt để lên đường.

img

Nicole Lafreniere.

Buổi tối vui vẻ bắt đầu từ khoảng 19h. Tôi uống một ly vodka ở T.G.I. Friday's, nơi bạn tôi, Jennifer, làm phục vụ. Hội chị em về nhà một người bạn để đợi Jennifer tan ca. 11h, cuối cùng Jenn cũng tới. Thêm một người bạn là Kyle cùng chúng tôi đến bar Livermore Saloon. Tôi dùng thẻ căn cước giả vì mới 20 tuổi. Nhưng họ cũng không kiểm tra. Bạn biết đấy, gái xinh đến bar mà.

Tôi cùng Jenn gọi Long Island iced tea – một loại cocktail khá mạnh, trong lúc tán gẫu với Kyle. Chúng tôi gặp một vài người quen, tán dóc và nhún nhảy theo nhạc. Mọi thứ thật tuyệt.

Những mảnh ghép ký ức

Tôi không nhớ mình đã gọi thêm bao nhiêu ly nữa, nhưng Jennifer nói tôi đã nốc cả vodka, 7 up và rượu Jagermeister. Vài tiếng sau, cả lũ kéo nhau đến McKay's Bar and Grill. Tôi thấy hơi chếnh choáng, nhưng không say đâu nhé. Chúng tôi gọi tiếp Long Island nhưng tôi không nhớ mình đã uống hay không nữa.

Bar đóng cửa, chúng tôi quyết định đến nhà Danny. Chán ghê, Jenn gặp anh chàng mà nàng thích.

“Đừng lái xe nhé. Cậu uống hơi nhiều rồi đấy”, Jenn cảnh báo trước khi bỏ tôi lại.

“Tất nhiên rồi”, tôi đáp.

Lời dặn dò nhanh chóng tan vào hư không. 2h sáng, tôi lên chiếc Camaro đời 2000 cùng Kyle và 4 anh người bạn khác, rồi nổ máy. Kyle, A.J và Matt McKaskey ngồi ghế sau, Sean núp người co ro vì không có chỗ, còn Matt Richardson tranh ghế phụ. Thật chật chội, nhưng chỉ còn vài chục mét là đến nhà Danny. Chúng tôi chưa đến đó bao giờ.

Tôi phóng gần 100 km/giờ trên con đường hai làn mà mình hay tới trường trung học. Đường này thì quá quen rồi, nhưng đó là lúc tôi... tỉnh táo. Đi được nửa đường, xe băng qua cây cầu, tôi bẻ lái, rồi mất kiểm soát. Chiếc Camaro chuyển hướng sang phải rồi xoay tròn, lao lên vỉa hè rồi lại tiếp tục xoay tròn trước khi dừng lại và đâm sầm vào cây. Xe gần như gãy làm đôi. Tôi là người duy nhất thắt dây an toàn.

img

Chiếc Camaro 2000 bị vò nát.

Khi cảnh sát đến, tôi gần như bất tỉnh và vẫn mắc kẹt sau tay lái. Tôi bị xuất huyết nội, rách một lá gan và lá lách, thủng đại tràng, mảnh thủy tinh găm dọc một bên đầu và gãy xương. Đội cứu hộ tới nơi thì Kyle, A.J., và Matt McKaskey đều đã chết. Người Sean bắn ra xa 6 m, bị thương ở đầu, ngực và đầu gối. Matt Richardson (ghế phụ) thì bị thương đầu gối, cổ tay và lưng. Cảnh sát cho biết nồng độ cồn trong máu là 0,14%, cao gần gấp đôi giới hạn cho phép ở California. Thật ra, cả 6 người chúng tôi đều quá say để có thể lái xe.

Nhìn lại mình, tôi thấy thật tệ hại. Tôi rất gần gũi với cha mẹ, nhưng lúc nào cũng thích làm điều mình muốn. Tôi thích một chiếc xe cũng vì lý do đó. Tôi thường đi tiệc như bao bạn bè cùng trang lứa, khi thì uống đôi chai bia, lúc thì vài loại cocktail đủ vị. Tôi cũng say vì nhiều lý do như mọi người mà thôi. Khi ấy, tôi thấy thật thư giãn và vui vẻ.

Bố mẹ luôn dặn tôi cẩn thận, tỉnh táo và nếu cần đón, hãy gọi cho họ. “Tôi từng gọi mẹ đón vài lần, nhưng không bao giờ nghĩ rằng mấy thứ này khiến mình say ngất. Dù thú thật, tôi vẫn sợ cảm giác nốc bia rượu rồi lái xe”.

Chuyện đó từng xảy ra một năm trước, khi tôi 19 tuổi. Sau bữa tiệc đêm, tôi cãi nhau với bạn trai rồi vùng vằng lái xe về nhà. Chiếc xe bị kẹt ở dải phân cách vì tôi tính nhầm khoảng cách khi quay đầu. Cảnh sát xuất hiện và kiểm tra nồng độ cồn trong máu. 0,06% là mức vượt giới hạn khi tài xế chưa đủ 21 tuổi. Thật may là tôi chỉ bị cảnh cáo.

Nhưng đó là chuyện của một năm trước.

Chuỗi ngày kinh hoàng

Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy trong trung tâm chăm sóc đặc biệt với một vết thương dài 15 cm trên bụng sau ca phẫu thuật cấp cứu, máy móc dây rợ chằng chịt xung quanh. Tôi gần như không thể cử động. Ký ức mờ mịt. Nhưng tôi vẫn nhớ là đã nhìn thấy Melissa đứng bên giường bệnh.

“Nicole, không ai ổn cả”, cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi rồi lặp lại: “Không ai ổn cả”. Bằng trí nhớ chắp vá và mờ mịt, tôi hiểu điều đó có nghĩa rằng, tất cả bạn bè của tôi đã chết.

Tôi nằm viện 6 ngày. Trong suốt thời gian đó, bố mẹ luôn túc trực bên cạnh, nhưng họ không nói chuyện đã xảy ra. Tôi đoán họ đang biết ơn Chúa vì tôi vẫn còn sống. Còn đối với tôi, hệ quả của vụ tai nạn không chỉ dừng lại ở đau đớn và mỏi mệt. Và thực tế ấy như giáng cho tôi một đòn chí mạng.

Những đau đớn về thể chất vẫn giày vò tôi ngày qua ngày, nhưng nỗi ám ảnh về điều tôi gây ra càng tệ hơn. Cái chết của những người bạn cứ đè nặng lên tâm trí. Mỗi khi cố chìm vào giấc ngủ, tôi đều gục mặt xuống gối gào khóc. Có nhiều lần mẹ nghe được âm thanh ấy, bà đến bên, khóc cùng tôi và cầu nguyện. Tôi thậm chí không muốn tỉnh giấc hay ăn uống. Tôi mòn mỏi chờ một cuộc điện thoại từ Kyle, dù biết cậu ấy không bao giờ tỉnh lại.

Tại văn phòng luật sư, lần đầu tiên tôi nhìn lại hình ảnh chiếc xe nát bét sau tai nạn. Thực sự đau lòng. Khung xe uốn cong như chiếc bánh xoắn, ghế ngồi vặn méo mó. Tôi tự hỏi không biết bao nhiêu lần, rằng tại sao tôi vẫn sống sót? Hàng loạt câu hỏi không có lời đáp cứ xoay vần trong đầu: Tại sao tôi không gọi taxi? Tại sao tôi không lựa chọn khác? Tại sao không ai lấy chìa khóa đi? Tôi đã khóc rất nhiều.

Tôi rất muốn kể cho mọi người nghe về vụ tai nạn hay có mặt ở buổi cầu nguyện, nhưng luật sư khuyên tôi im lặng cho đến khi mọi việc được giải quyết. Thật không may, điều đó vô tình biến tôi trở thành đứa vô trách nhiệm với những gì mình đã gây ra. Dù không phải vậy.

Người dân trong thị trấn nổi giận với tôi và cả gia đình, vài người bạn thậm chí bỏ rơi tôi. Trong lúc tôi nằm viện, nhiều người đã lạnh nhạt với bố mẹ khi họ tới tang lễ. Một tháng sau vụ tai nạn, có gã đã hét vào mặt tôi rằng: “Mày là kẻ giết bạn. Khốn khiếp”. Tôi bật khóc và chạy đi.

img

Nicole và bạn thân, Kyle - một trong ba người mất mạng.

Tôi cũng cố chấp nhận sự thật rằng có thể ngồi tù từ 15 năm trở lên. Chuyện gì đã xảy ra vậy chứ? Tôi chỉ là một cô gái bình thường, vừa có giấy phép làm nghề và đang vui vẻ với bạn bè, rồi một ngày ngồi trong 4 bức tường trại giam.

Cái giá phải trả

9 tháng sau, vào tháng 11/2002, tôi xin không biện hộ trước ba cáo buộc tai nạn giao thông gây chết người và nhận 6 năm tù giam. Tôi không muốn thuyết phục bất cứ ai rằng mình vô tội. Tôi biết mình đã vi phạm pháp luật và tước đi mạng sống của ba người khác. Tôi không muốn bất kỳ nỗi đau nào nữa, cho gia đình họ, hay cho chính mình. Tôi muốn chịu trách nhiệm vì những gì mình đã gây ra.

Ngày thụ án là ngày khó khăn nhất cuộc đời. Sáng hôm đó, gia đình và vài người bạn thân thiết tới nhà để nói lời tạm biệt, giống như lần cuối tôi được gặp họ vậy. Cha mẹ các nạn nhân gào khóc, nói rằng họ thật sự đau đớn khi không bao giờ được nghe tiếng con mình cười được nữa. Một số người nổi giận với tôi, quyết không tha thứ.

Cuối cùng, tôi cũng có cơ hội xin lỗi. Tôi đã khóc, khi gặp gia đình Kyle, A.J và Matt, và nói lời xin lỗi từ tận đáy lòng mình vì đã gây ra quá nhiều đau đớn. Những giờ đầu tiên thụ án, tôi nằm dài trên tấm ghế kim loại trong căn phòng lạnh giá. Chưa bao giờ tôi thấy cô đơn đến vậy.

Đến nay, tôi đã thụ án hai năm tại Chowchilla, California. Nếu không gây thêm rắc rối, tôi có thể được ân xá vào đêm Giáng sinh năm 2005. Mỗi tháng, bố mẹ lại vượt quãng đường 160 km để tới thăm tôi 1-2 lần. Khi gặp họ, tôi luôn cố gắng vui vẻ nhất có thể.

Bao quanh trại giam là những hàng rào cao ngất chằng dây thép gai khổng lồ. Tôi thức dậy lúc 6h sáng, làm việc từ 8h đến 15h. Công việc thư ký cho giáo viên huấn luyện của trại giam giúp tôi kiếm được 24 cent mỗi giờ (gần 6.000 VND). Buổi tối, tôi ở cùng phòng giam với 7 người khác. Ở nơi này, đèn tắt từ 23h.

Tôi vẫn không ngừng tự hỏi mình, tại sao tôi ở đây và liệu tôi có thể làm gì khác. Nếu tôi không lái xe về nhà thì sao? Nếu tôi gọi bố mẹ đến đón thì sao? Hàng triệu câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu. Tôi biết mình đã gây đau đớn cho nhiều người. Nhưng tôi biết Chúa tha thứ cho tôi, và tôi cũng phải tha thứ cho chính mình. Nhưng tôi không biết liệu điều đó có thể xảy ra hay không. Đêm nào tôi cũng nghĩ đến ngày được ở gần gia đình.

Tôi cũng rất nhớ Kyle. Mẹ cậu ấy tới thăm tôi hai lần. Ngày nào đó, khi được tự do, tôi muốn nói lên suy nghĩ của mình để mọi người hiểu rằng, những vụ tai nạn do lái xe say xỉn có thể xảy ra với bất cứ ai. Từ một người có cuộc sống hạnh phúc như bao người khác, tôi đã là một tù nhân. Hệ quả khủng khiếp này, tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

Hoàng Anh (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem