Xuất khẩu thịt lợn: Cho miếng nạc, vạc miếng xương

Chủ nhật, ngày 02/07/2017 08:07 AM (GMT+7)
Cục Thú y Nhật Bản vừa có công thư đồng ý cho công ty TNHH Koyu & Unitek được xuất khẩu gà vào Nhật, kể từ ngày 22.6.2017. Hiện, Việt Nam cũng đang xúc tiến hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu được sản phẩm thịt ra nước ngoài, chúng ta phải phải đánh đổi nhiều thứ…
Bình luận 0

Để có được tấm giấy thông hành vào Nhật, công ty TNHH Koyu & Unitek mất ít nhất hai năm hoàn thiện thủ tục hồ sơ, hệ thống trang trại, nhà máy giết mổ, chế biến đáp ứng hàng trăm tiêu chuẩn của Nhật.

img

Lượng gà chế biến mà đối tác của Koyu của Nhật đặt hàng lên tới 2.000 tấn mỗi tháng. Trong khi đó, biến lợi nhuận xuất khẩu sản phẩm gà qua chế biến dự trù khoảng 35%, so với bán gà tươi chỉ có 5%.

Tập đoàn Koyu hưởng lợi

Thành lập từ năm 2005, công ty Unitek ban đầu chỉ gồm liên doanh một số nhà đầu tư Việt kiều góp vốn với mục tiêu ban đầu là xây lò giết mổ gia công cho đối tác. Đến năm 2012, thị trường gia cầm gặp khó khăn, Unitek dấn thêm một bước nữa là đầu tư trực tiếp vào chăn nuôi, nhưng thị trường gà trắng công nghiệp luôn có nhiều rủi ro. Ban lãnh đạo Unitek thừa hiểu nếu chỉ nuôi gà bán nội địa sẽ rất khó “sống sót”, nên họ quyết định bán 49% cổ phần cho Koyu, tập đoàn sản xuất, cung ứng thịt gia cầm lớn nhất nhì ở Nhật để tìm hướng xuất khẩu.

Giới chuyên môn đánh giá, Unitek đã rất khôn ngoan khi bắt tay trực tiếp với một doanh nghiệp Nhật là Koyu. Thông qua tập đoàn Koyu, hợp tác về thú y, thương mại giữa cục Thú y Nhật và Việt Nam, sau đó diễn ra khá thuận lợi. Lẽ dĩ nhiên, Koyu cũng nhìn ra được thị trường nguyên liệu thịt gà tại Việt Nam khá tiềm năng, giá thành chăn nuôi có thể ngang Thái, Malaysia, Indonesia – các quốc gia mà tập đoàn này vẫn đang nhập khẩu thịt gà. Hơn nữa, theo ông Khứu Nhơn Hiếu, tín hiệu thị trường Nhật rất tốt, lượng gà chế biến mà đối tác của Koyu đặt hàng lên tới 2.000 tấn mỗi tháng. Trong khi đó, biên lợi nhuận xuất khẩu sản phẩm gà qua chế biến dự trù  khoảng 35%, so với bán gà tươi chỉ có 5%. Như vậy, việc đầu tư vào Unitek ngoài mang lại nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao cho Koyu ra, tập đoàn này còn thu về khoản lợi nhuận quá hấp dẫn…

“Cho nạc, vạc xương!”

Ngoại giao thương mại theo kiểu “doanh nghiệp đi trước, nhà nước theo sau” này, ngày càng trở nên phổ biến, bởi các tập đoàn sẽ là tác nhân lobby chính sách và các chính phủ cũng thấy được lợi ích khi hỗ trợ các tập đoàn trong nước vươn ra nước ngoài. Nói nôm na, việc Nhật cho Việt Nam xuất gà vào Nhật có thể họ cho chúng ta miếng nạc, nhưng thông qua Koyu,họ vạc được miếng xương, là khoản lợi nhuận hấp dẫn phía trước mà liên doanh này mang lại.

Vừa qua, Trung Quốc chính thức cho phép thịt bò Mỹ được xuất vào thị trường này sau 14 năm cấm vận. Hiện, mới chỉ có Greater Omaha Packing và Tyson Foods được USDA phê chuẩn để vận chuyển thịt bò sang Trung Quốc. Sau vụ này, nếu nhìn xa hơn, việc Trung Quốc chấp thuận cho thịt bò Mỹ còn dọn đường cho tập đoàn thực phẩm Shuanghui của nước này chuẩn bị mua thêm một công ty giết mổ bò của Mỹ. Cách nay chưa lâu, chính Shuanghui đã mua 100% cổ phần Smithfield Foods của Mỹ với giá 4,7 tỉ USD, ngay sau đó Shuanghui đã nhập khẩu hàng triệu tấn thịt heo từ Mỹ về Trung Quốc. Ngoài lợi nhuận, thông qua Shuanghui, dân Trung Quốc còn được sử dụng nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn cao từ Mỹ.

Shuanghui là một trong những tập đoàn thực phẩm lớn nhất ở Trung Quốc, họ có hệ thống 21 nhà máy giết mổ bố trí ở nhiều tỉnh, thành trọng điểm, mỗi ngày giết mổ 200.000 con heo. Nếu Shuanghui mua thành công thêm một nhà máy giết mổ ở Mỹ, chắc chắn, sau này sản lượng thịt bò Mỹ đưa vào Trung Quốc sẽ rơi vào tay tập đoàn này, chứ không phải là Greater Omaha Packing hay Tyson Foods như hiện giờ.

Việt Nam cũng đang thúc đẩy đàm phán hiệp định thú y với Trung Quốc để xuất khẩu thịt heo sang thị trường này. Tuy nhiên, như đã phân tích trên, cũng như Nhật và nhiều nước, Trung Quốc khó chấp nhận khi họ không hưởng lợi lộc gì trong thương vụ này. Hiệp định thú y có thể được ký nay mai, Trung Quốc cấp phép cho thịt lợn Việt Nam, nhưng khả năng cao là chúng ta phải đánh đổi nhiều thứ. “Bánh ít trao đi, bánh qui trao lại”, nên, đó có thể là cho họ xuất qua con gà giống, con gà đẻ loại thải. Nhiều ý kiến cũng nêu Việt Nam nên liên kết và nhập giống của Trung Quốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, để cho họ giám sát… Có vậy, may ra mới hy vọng tháo ngòi nổ cho thị  trường.     

Bảo Anh (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem