Hai dự án lớn bỏ hoang đất hơn 10 năm

Trần Thế Thứ năm, ngày 05/11/2015 09:17 AM (GMT+7)
Từng được kỳ vọng sẽ trở thành những dự án đột phá về giải trí và nông nghiệp tầm cỡ, nhưng 2 dự án Công viên Sài Gòn Safari và Làng nghề cá cảnh - hoa lan - cây cảnh đã trở thành điển hình lãng phí đất tại TP.HCM.
Bình luận 0

Chỉ với 2 dự án này, huyện Củ Chi đã mất khoảng 600ha đất và bỏ hoang suốt hơn 10 năm nay.

 “Vườn không, nhà trống”

Tận mắt chứng kiến gần 500ha đất của dự án Công viên Sài Gòn Safari (trên địa bàn 2 xã Phú Mỹ Hưng và An Nhơn Tây) bị bỏ hoang cho cỏ mọc um tùm, chúng tôi không khỏi xót xa. Theo quy hoạch, dự án này có vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Dự án được đánh giá là công viên kết hợp khu du lịch sinh thái tầm cỡ lớn ở Đông Nam Á với chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới và Việt Nam. Để thực hiện dự án, tháng 6.2004, UBND thành phố ra quyết định thu hồi đất và bồi thường, tái định cư cho hơn 700 hộ dân. Đến năm 2007, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt 96%. Nhưng 4% còn lại đến nay vẫn chưa giải quyết được.

img

Đất của Dự án Công viên Sài Gòn Safari giờ đành bỏ hoang. (Ảnh: T.Đ)

Tiếc đất bỏ hoang, một số hộ dân sau khi nhận tiền đền bù lại đầu tư tái sản xuất trên đất dự án. Trò chuyện với phóng viên, một nông dân đang trồng màu tại ấp Ba Sòng (An Nhơn Tây), cho biết không thể nhìn đất cứ bỏ hoang mãi như vậy, anh đánh liều quay lại trồng màu.

Tương tự, tại xã Trung An, dự án Làng nghề cá cảnh - hoa lan - cây cảnh cũng đang dang dở, hoang tàn. Dự án này có diện tích 143ha, nằm trên địa bàn 2 xã Trung An và Phú Hòa Đông, do HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Quang làm chủ đầu tư. Những mảnh đất từng trồng lúa 3 vụ/năm giờ để cỏ mọc xanh um; những căn nhà gỗ xập xệ theo thời gian; những vườn lan xác xơ, trơ trụi… Theo thanh tra thành phố, do dự án chưa được phê duyệt mà HTX Hà Quang đã phân lô “băm nát” làng nghề nên thành phố yêu cầu tạm ngừng toàn bộ, chờ quy hoạch chi tiết của cơ quan thẩm quyền, vì vậy dự án đành bỏ hoang đến nay.

Theo ông Hồ Văn Thành Long – Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung An, dự án này đã “chết” từ lâu, nên phó mặc hoang phế. Một số xã viên góp vốn trước đây giờ quay lại đòi HTX trả lại vốn hoặc siết nợ bằng cách lấy những vật dụng trong văn phòng HTX…

Bao giờ thôi lãng phí?

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Công viên Sài Gòn Safari, ông Nguyễn Hữu Tín – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đã giao thanh tra thành phố lập tổ thanh tra tổ chức mời từng hộ dân trong dự án để tìm hướng giải quyết thỏa đáng. Mới đây UBND thành phố cũng đã ra kết luận, trong đó đối với các trường hợp khiếu nại yêu cầu tăng giá bồi thường đất ở và bồi thường bổ sung kiến trúc, hoa màu thì không có cơ sở xem xét, vì tại biên bản kiểm kê hiện trạng (có chữ ký xác nhận của các hộ) đã ghi từng loại tài sản, kiến trúc, số lượng cây trồng, hoa màu...

Nhưng theo ông Đoàn Văn Xuân – một người dân có 1,8ha đất trong khu quy hoạch của dự án, kết luận này không khác so với những kết luận trước đây. Chẳng lẽ dự án vẫn phải giậm chân tại chỗ, rồi bỏ hoang?

Còn theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, do HTX Hà Quang vi phạm phân lô bán đất nên sẽ không được tách thửa và chuyển nhượng quyền sử dụng đất nữa. HTX Hà Quang sai phạm đã rõ, nhưng đến nay không cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm về việc chấp thuận cho HTX này triển khai dự án, cũng như trách nhiệm của HTX Hà Quang với những xã viên đã góp vốn trước đây. 

Ông Phạm Hoàng Hà – Chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây (Củ Chi, TP.HCM) cho biết: “Ở dự án Công viên Sài Gòn Safari còn một số hộ dân vẫn chưa đồng ý với đơn giá, chính sách bồi thường nên đã khiếu kiện. Quan điểm của xã là đề nghị người dân chấp hành phương án bồi thường do thành phố phê duyệt, nếu chưa đồng thuận thì việc khiếu nại phải tuân thủ đúng trình tự và quy định”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem