Chia sẻ nguy cơ lây nhiễm cao khi điều trị bệnh nhân Covid-19 từ bác sĩ tuyến đầu

Diệu Linh Thứ ba, ngày 24/03/2020 10:22 AM (GMT+7)
Ngày 24/3, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với ca bệnh Covid-19 luôn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bất cứ lúc nào.
Bình luận 0

Ngày 23/3, Việt Nam đã ghi nhận trường hợp nhân viên y tế đầu tiên lây nhiễm chéo Covid-19 từ bệnh nhân. Đây là bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội).

Vị bác sĩ này đã tham gia điều trị, chăm sóc cho các bệnh nhân và người nghi nhiễm, người cách ly tại BV ngay từ đầu mùa dịch (từ cuối tháng 1/2020). Trong thời gian qua, bác sĩ cũng nhiều lần tham gia cứu chữa các bệnh nhân Covid-19 nặng.

Trong quá trình làm việc, bác sĩ được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân. Sau giờ làm việc, bác sĩ nghỉ và sinh hoạt ở khu vực cách ly dành cho nhân viên y tế trong bệnh viện. Ngày 20/3, bác sĩ có các triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi nên được cách ly, xét nghiệm, chẩn đoán mắc Covid-19.

img

Chăm sóc ca mắc Covid-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư.

Hiện nay, tại khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cũng đang điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc Covid-19. Hàng ngày, các bác sĩ và điều dưỡng phải chia ca kíp để điều trị, khám, chăm sóc cho các bệnh nhân.

Bác sĩ Cấp cho biết, ngay từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 và người đến cách ly, BV luôn đặt công tác phòng hộ, bảo vệ nhân viên y tế lên hàng đầu. Tất cả nhân viên y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân và người cách ly đều phải mặc những bộ quần áo bảo hộ theo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế quy định, khẩu trang cũng là khẩu trang N95.

Mọi người phải mặc bộ đồ bảo hộ đó trong suốt quá trình trực của mình. Tại khoa Cấp cứu, mỗi nhân viên làm việc 8h sẽ được nghỉ 1 lần giữa ca sau 4h làm việc để giải quyết các vấn đề cá nhân nhưng việc cởi bỏ trang bị phòng hộ lại tiềm ẩn nguy cơ.

“Mỗi lần mặc vào, cởi ra, nhân viên y tế rất vất vả, cẩn thận, mặc đúng quy trình mà cởi cũng phải đúng quy trình để tuyệt đối tránh lây nhiễm bệnh”, bác sĩ Cấp cho biết.

img

Dù phòng hộ kỹ càng nhưng nguy cơ lây nhiễm bệnh của các nhân viên y tế là không thể tránh khỏi (Điều trị 1 ca nghi mắc Covid-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư).

Về lý do “phòng hộ cẩn thận sao bác sĩ vẫn lây nhiễm chéo Covid-19”, bác sĩ Cấp nhận định: “Không có bộ phòng hộ nào có thể ngăn ngừa nhiễm bệnh 100% cho các nhân viên y tế. Ví dụ như khẩu trang N95 là khẩu trang có độ an toàn cao nhất được thế giới khuyến cáo nhân viên y tế sử dụng trong các tình huống tiếp xúc với bệnh lây nhiễm hiểm nghèo nhất cũng chỉ ngăn được 95% giọt bắn mang mầm bệnh.

Như vậy, vẫn còn 5% nguy cơ mầm bệnh lọt qua. Mà mỗi ngày, nhân viên y tế có thể phải đối mặt với rất nhiều thao tác có nguy cơ rất cao như đặt ống nội khí quản, lấy mẫu bệnh phẩm ở mũi họng bệnh nhân… Tất cả nhân viên y tế chúng tôi khi nhận nhiệm vụ đều nhận thức được các nguy cơ lây nhiễm Covid-19”.

Ở Vũ Hán (Trung Quốc), khi dịch bùng phát ở đỉnh cao, các cơ sở y tế quá tải, nhân viên y tế làm việc quá sức và đôi khi xảy ra tình trạng không đủ trang bị phòng hộ của nhân viên y tế, có tới hàng nghìn nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh.

Tính đến chiều 23/3, theo Bộ Y tế, BV Bệnh Nhiệt đới cơ sở 2 đang điều trị cho gần 50 bệnh nhân mắc Covid-19 và hơn 300 người cách ly về từ nhiều nước có dịch Covid-19. Các bệnh nhân và người cách ly phần lớn thuộc Hà Nội và 1 số tỉnh lân cận khác chuyển về.
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem