Bệnh tật bủa vây, người già cam chịu

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 12/06/2016 06:30 AM (GMT+7)
Tai nạn “rình rập”, bệnh tật “bủa vây” khắp người nhưng người già và gia đình lại ít kỹ năng phòng tránh và chăm sóc để giảm thiểu các rủi ro. Trong khi đó, tỷ lệ người già đang gia tăng nhanh chóng.
Bình luận 0

Mệt lả mới đi khám

Bà Nguyễn Thị Thái (65 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) ngồi mệt mỏi tại phòng chờ khám Bệnh viện Lão khoa T.Ư. Bà cho biết, mấy hôm nay nắng nóng, bà bị rối loạn tiền đình, lúc nào cũng thấy đau đầu, trời đất “quay mòng mòng”. Nhưng dù mệt bà vẫn ra đồng, chỉ đến khi mệt không dậy nổi các con mới đưa đi khám. “Gia đình làm nông, bận rộn, thu nhập cũng tùng tiệm đủ ăn, làm sao cứ mệt là đi khám bệnh được. Nhưng nghe bác sĩ bảo huyết áp của tôi tăng vọt, xém chút là vỡ mạch máu mà hãi. Nhỡ mà tai biến nằm liệt đó thì khổ mình, khổ con” – bà Thái tâm sự.

img

Người già cần được khám bệnh định kỳ.  (Ảnh minh hoạ, chụp tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư).  ảnh: Diệu Linh 

Hơn 1 năm nay, vợ chồng ông Vương Sĩ Hiền (75 tuổi, trú tại Ba Đình, Hà Nội) rất chịu khó đi khám bệnh. Ông Hiền cho biết ông có vài người bạn đang khoẻ mạnh bỗng dưng lăn đùng ra, đưa đi cấp cứu thì đã liệt, méo miệng, nằm một chỗ. Bác sĩ bảo họ bị huyết áp cao, không đi khám bệnh, điều trị nên dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc vỡ mạch máu não. Vợ chồng ông sợ quá nên chăm khám bệnh hơn. Khám mới thấy “cơ man” bệnh tật như huyết áp cao, đau khớp, lãng tai, viêm đường hô hấp…

"Người già và người nhà đều chưa có kinh nghiệm chăm sóc giảm thiểu các nguy cơ bệnh tật, tai nạn. Do đó, đã đến lúc Nhà nước cần có chính sách chăm sóc toàn diện người già như nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ cơ sở đến trung ương; kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở người già từ tuyến cơ sở; phát triển các mô hình chăm sóc sức khoẻ người già ngay tại cộng đồng...”.
 GS Phạm Thắng

Theo GS-TS Phạm Thắng- Giám đốc Bệnh viện Lão khoa T.Ư, trung bình 1 người  già Việt Nam mắc 7 loại bệnh. Các bệnh phổ biến như- đục thuỷ tinh thể, bệnh hô hấp, sa sút trí tuệ, tăng huyết áp, bệnh cơ xương khớp, bệnh mỡ máu, giảm thính lực, thiếu máu, trầm cảm, đái tháo đường… Tuy nhiên, nhiều người già đang chịu đựng bệnh tật, coi đó như gánh nặng đương nhiên của tuổi già mà không đi khám, điều trị. Chỉ đến khi quá đau đớn hoặc có nguy cơ tàn tật mới đi khám. “Lúc đó bệnh tật đã trầm trọng, điều trị rất khó khăn, tốn kém, nguy cơ biến chứng hoặc để lại các di chứng như mù loà, khuyết tật vận động là rất lớn” – GS Thắng nhận định.

GS Thắng cho biết, hiện nay, tỷ lệ người già trên 60 tuổi ở nước ta là hơn 10% dân số (10 triệu người). Người già cũng chi phí hết 50% tổng chi phí thuốc của cả nước. Do đó, nếu không chăm sóc dự phòng thật tốt, gánh nặng y tế cũng như chi phí xã hội do người già tàn tật sẽ ngày càng “phình to”.

Lơ là là mất mạng

Bác sĩ Tạ Hữu Ánh – Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Lão khoa T.Ư) cũng cho biết, khoa thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu do nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não hoặc ngã gãy chân, tay của người già. Nguyên nhân chủ yếu là do không biết cách chăm sóc sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn của người già. “Tuy chưa có số liệu cụ thể nhưng tỷ lệ tai biến mạch máu não ở người già Việt Nam rất đáng lo ngại và ngày càng nhiều” – bác sĩ Ánh nhận định.

Theo bác sĩ Ánh, sai lầm thường gặp nhất là người già không được kiểm soát tốt huyết áp. Có đến 70-80% người già sẽ bị tăng huyết áp, tuy nhiên không phải ai cũng được khám và điều trị. Các nguy cơ dễ tai biến khác của người già cũng chưa được kiểm soát như mỡ máu, đái đường… “Tỷ lệ tử vong của tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim rất cao. Nếu sống sót cũng dễ bị liệt, nằm một chỗ,  kéo theo các nguy cơ lở loét, nhiễm khuẩn, viêm phổi. Chi phí lúc đó rất lớn” – bác sĩ Ánh phân tích.

GS Thắng cũng cho biết thêm, số người già gia tăng nhanh chóng nhưng hệ thống cơ sở khám chữa bệnh cho người già chưa đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, bác sĩ lão khoa cần phải biết chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân, biết phục hồi chức năng, đồng thời phải cùng lúc biết điều trị nhiều bệnh mãn tính. Tuy nhiên, hiện nay rất ít bác sĩ có kinh nghiệm và kiến thức về lão khoa. Do đó người già bị bệnh gì sẽ được chuyển đến chuyên khoa đó. “Mỗi chuyên khoa kê đơn ít nhất 2 loại thuốc. Mà một người già thường có 5-7 bệnh mãn tính cần điều trị, như vậy sẽ uống ít nhất 10-14 loại thuốc trong ngày. Bệnh nhân uống quá nhiều thuốc sẽ gây suy gan, suy thận… càng làm trầm trọng các bệnh đang mắc, thậm chí làm bệnh nhân bị mắc thêm bệnh khác” – GS Thắng nhận định. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem