Bộ trưởng Bộ Y tế: Nhiều cơ sở y tế đang "tham bát bỏ mâm".

Diệu Linh Thứ ba, ngày 15/01/2019 14:42 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành y tế năm 2019 ngày 15/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay đang có bất cập trong cung ứng dịch vụ y tế, khi mà nhiều cơ sở tuyến trên đang "tham bát bỏ mâm" mải khám bệnh nhẹ, lơ là bệnh nặng.
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, hiện nay, tình trạng cung ứng dịch vụ y tế Việt Nam đang có nhiều bất cập. Nhiều bệnh viện tuyến trên đang loay hoay xử lý việc quá tải nên không tập trung được vào việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đối thái độ phục vụ làm hài lòng người bệnh.

Nguyên nhân là do các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh đang "dàn hàng ngang" với các bệnh viện huyện, xã để khám chữa các bệnh nhẹ. Đáng nhẽ, các bệnh viện trung ương, tỉnh cần từ chối các bệnh nhẹ, đưa bệnh nhân về khám bệnh đúng tuyến, tập trung nghiên cứu, cứu chữa các bệnh nhân nặng, nâng cao chất lượng dịch vụ. 

img

"Mải chữa bệnh nhẹ, bệnh nào cũng nhận khám dẫn đến quá tải bệnh viện, làm sao còn đủ sức, đủ lực để chữa bệnh nặng, cung ứng dịch vụ cao. Như vậy là "tham bát bỏ mâm". Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người Việt phải bỏ ra nước ngoài điều trị" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Tiến, hiện nay nhiều dịch vụ y tế Việt Nam đã phát triển ngang tầm thế giới, đã có thể thu hút bệnh nhân Việt yên tâm ở lại điều trị trong nước. Ngoài ra, mỗi năm hiện nay, Việt Nam khám chữa bệnh cho khoảng 300.000 người nước ngoài (trong đó có hơn 60.000 bệnh nhân nước ngoài điều trị nội trú).

img

Bệnh nhân nước ngoài bao gồm Việt Kiều về nước, người nước ngoài công tác, học tập tại Việt Nam và người dân ở các nước lân cận như: Lào, Campuchia, Phillipines... Các dịch vụ mà người nước ngoài tới khám và điều trị ở Việt Nam đa số trong lĩnh vực nha khoa, thẩm mỹ, can thiệp tim mạch... 

Do đó, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh, ngành y tế cần phân cấp khám chữa bệnh cho chuẩn, xã huyện khám bệnh nhẹ, tỉnh, trung ương phải tập trung vào các dịch vụ cao. Đồng thời, ngành y tế cũng cần tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, thay vì đợi bị bệnh thì cứu chữa; Chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm. 

Đánh giá riêng về y tế cơ sở, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong năm 2019, ngành y tế tiếp tục triển khai Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Hiện nay, cả nước đã có khoảng 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 95% trạm y tế xã có bác y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, 99,7% xã có cơ sở trạm (0,3% phải nhờ cơ sở khác), 99% thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Số lượng các dịch vụ thực hiện theo phân tuyến kỹ thuật của trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã ngày càng tăng, một số đơn vị đã thực hiện được một số kỹ thuật của tuyến trên; Trên 70% người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở. Gần 90% trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT.

Số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở chiếm khoảng 70% (xã khoảng 20%, huyện khoảng 50%); Xây dựng và thực hiện mô hình 26 trạm y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình. Phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình ở các nơi có điều kiện, đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh/TP.

Một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh … đã thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân cho khoảng 80% dân số. Xây dựng và triển khai hệ thống kết nối y tế từ xa (telemedicine) của 26 trạm y tế xã điểm với các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến trên, Sở Y tế và Bộ Y tế.

Cần siết chặt quy trình tiêm vắc xin mới ComBE Five

Năm 2020, nước ta sẽ có vắc xin 5 trong 1 do chính Việt Nam sản xuất

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những thành công của ngành y tế trong thời gian qua. Theo Phó Thủ tướng, một trong những sự kiện nóng trong ngành y tế năm 2018 là Việt Nam phải thay thế vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng bằng vắc xin ComBE Five. Đây là việc bất đắc dĩ vì vắc xin Quivaxem không được sản xuất nữa, đồng thời các nhà tài trợ vắc xin cho Việt Nam đã chỉ định vắc xin ComBE Five nên chúng ta không có sự lựa chọn nào.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, do vắc xin này có thành phần toàn tế bào hay gây phản ứng cho trẻ sau tiêm chủng, vì vậy, ngành y tế cần phải siết chặt quy trình tiêm chủng, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc tư vấn, hướng dẫn cho cha mẹ trẻ trước và sau tiêm vắc xin, hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến không đáng có. "Nếu để người dân mất niềm tin vào vắc xin thì sẽ có hậu quả nghiêm trọng" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Về vắc xin ComBE Five, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các Sở Y tế tỉnh, thành phố phải tiến hành tập huấn quy trình tiêm chủng cho 100% nhân viên y tế tham gia tiêm chủng, đồng thời tập huấn phác đồ chống sốc cho các cơ sở y tế. "Hy vọng với quy trình chống sốc, chúng ta sẽ hạn chế được các tai biến không mong muốn với trẻ" - Bộ trưởng nói.  

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất thành công vắc xin 5 trong 1 (phòng chống các bệnh tương tự như vắc xin Quinvaxem và ComBE Five) và đưa vào sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem