Cần quản lý người hiến máu theo nhóm

Tuấn Kiệt Thứ tư, ngày 22/08/2018 06:26 AM (GMT+7)
Ngày 21.8, TS Trần Ngọc Quế (ảnh) - Giám đốc Ngân hàng tế bào gốc, Viện HHTMT.Ư, người mang nhóm máu O cũng đã có lần hiến máu thứ 51. Nở nụ cười rất tươi sau khi hiến máu (HM), TS Quế, xảy ra tình trạng thiếu máu thường xuyên là do nguồn máu nhận từ người hiến máu đang khá bị động.
Bình luận 0

TS nhận định thế nào về tình hình thiếu nhóm máu O hiện nay?

-  Tỷ lệ dân số có 50% người có nhóm máu O, đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng máu O cũng đông nhất, chiếm 50%. Hiện Viện HHTMT.Ư phải cung cấp máu cho khoảng 150 bệnh viện tại Hà Nội và 30 bệnh viện khác thuộc 17 tỉnh thành ở khu vực phía Bắc, với nhu cầu khoảng 1.500 đơn vị máu mỗi ngày, trong đó nhu cầu máu O là 700 đơn vị. Tuy nhiên hiện ngân hàng máu trong Viện chỉ còn 7.000 đơn vị máu, trong đó nhóm máu O chỉ còn 2.000 đơn vị, chỉ dùng được tối đa 3 ngày là cạn kiệt. Bình thường Viện cần phải có khoảng 15.000 đơn vị, lượng máu O có khoảng 5.000 - 7.000 đơn vị mới tạm yên tâm.

Tại sao thường xuyên có  chiến dịch kêu gọi HM, người hiến không ít mà sao vẫn xảy ra tình trạng thiếu máu?

- Thường có tình trạng thiếu máu xảy ra trong dịp hè là do nghỉ hè, người dân đi du lịch,  nhiều hoạt động, dễ xảy ra tai nạn, nhu cầu cần máu khẩn cấp gia tăng. Mọi năm thì thiếu máu vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 nhưng năm nay tình trạng thiếu máu muộn hơn vì năm nay Hành trình đỏ đã được kéo sớm hơn nên cuối tháng 6 không xảy ra tình trạng thiếu máu. Tuy nhiên cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ lại thiếu. Các sinh viên – lực lượng HM tình nguyện đông đảo, chưa nhập học. Dịp này còn có đợt nghỉ dài ngày (2.9) nên người dân đi lại nhiều, dễ xảy ra tai nạn giao thông, nhu cầu cần máu gấp. Hơn nữa, đợt này bão lụt nhiều, mưa nhiều nên nhiều hoạt động tổ chức HM tình nguyện đã được lên lịch bị tạm hoãn, kể các cá nhân thấy mưa gió, lũ lụt cũng ngại đi HM.

Theo ông, những bệnh nhân nào khẩn cấp cần HM?

- Hiện tất cả các bệnh nhân cần nhóm máu O đều đang thiếu. Những bệnh nhân cấp cứu, mổ, tai nạn cần máu khẩn cấp thì đương nhiên phải ưu tiên cho họ. Do đó, những bệnh nhân có bệnh mãn tính cần HM định kỳ như ung thư máu, Thalassemia... chưa nguy hiểm ngay đến tính mạng thì buộc phải truyền máu một cách dè sẻn. Cụ thể theo phác đồ điều trị 1-2 ngày họ phải được truyền một đơn vị máu thì bây giờ hiếm máu nên họ phải chờ 3-4 ngày mới được truyền máu một lần. Bình thường, các bác sĩ phải nâng huyết sắc tố của họ lên trên 70g/lít máu thì bây giờ có nhiều bệnh nhân phải dưới 50g mới được truyền. Như vậy, các bệnh nhân đang được truyền máu dè sẻn để “tồn tại” chứ không đủ máu để được sống khỏe mạnh.

Có nhiều ý kiến cho rằng máu không để được lâu nên nếu cứ HM theo phong trào như hiện nay sẽ dẫn đến lúc thừa, lúc thiếu?

- Có nhiều người thắc mắc sao biết thiếu máu theo kế hoạch mà lại không lấy sớm đi nhưng mà máu không để được lâu. Thời hạn sử dụng tiểu cầu chỉ được 3-5 ngày, hồng cầu tối đa 42 ngày (thường chỉ 35 ngày), huyết tương trong vòng 1 năm tuy nhiên chế phẩm thường dùng nhất là tiểu cầu và hồng cầu thì thời gian sử dụng rất ngắn. Do đó phải sát đến lúc thiếu mới huy động.

Các nước trên thế giới, tỷ lệ người HM nhắc lại là 70%, trong khi đó ở Việt Nam chỉ đạt 40%, còn 60% người từng đi HM ít quay lại HM. Thậm chí như Nhật có kế hoạch cả trong năm, một người Nhật HM 2 lần/năm nên cứ đến lịch là họ được mời đến để HM. Do đó sự điều phối máu rất là tốt, không lo thiếu máu, khi cần là có người hiến.

Tiến tới, chúng ta phải quản lý người HM và theo nhóm máu chứ không phải quản lý chung chung nữa. Khi đó, nếu lúc nào nhóm máu nào thừa thì dừng người hiến, nếu thiếu lại mời họ đến hiến. Nếu điều tiết được như vậy sẽ luôn đảm bảo được nguồn máu khỏe mạnh, không thiếu các nhóm máu cần mà cũng không lo lãng phí khi hiến máu ồ ạt mà không dùng hết. Hiện tại Viện đang chung tay với các bộ, ngành liên quan để tiến tới quản lý người HM theo phương thức như vậy. Tuy nhiên để làm được điều này cần có thời gian, có mạng lưới chăm sóc người HM tốt. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đối tượng cho máu an toàn và ổn định nhất là đối tượng hiến máu tình nguyện, thường xuyên và HM nhắc lại (HM định kỳ). Còn nếu đa số người HM lần đầu như Việt Nam hiện nay thì còn rất nhiều nguy cơ vì dụ như bị động về nguồn máu, thường xuyên thiếu máu và có thể máu hiến không an toàn, bị bệnh không sử dụng được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem