Có bác sĩ, người dân vùng xa khỏe mạnh hơn

Quốc Hải Thứ tư, ngày 09/12/2015 22:13 PM (GMT+7)
Chủ trương luân chuyển cán bộ y tế về tuyến dưới đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân ở ngoại thành TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Bình luận 0

Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thời gian qua, các trạm y tế tuyến xã, nhất là ở vùng sâu, vùng ven được đầu tư mạnh về cơ sở vật chất đã giải quyết tốt nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Theo đó, ngành y tế đã thu hút  được lực lượng bác sĩ có năng lực và nhiệt tình về phục vụ không chỉ ở các bệnh viện (BV) tuyến huyện mà cả ở các trạm y tế cơ  sở.

Mạng lưới y tế phủ khắp

Hiện 100% trạm y tế ở các quận huyện vùng ven TP.HCM đều có bác sĩ phục vụ.

img

Đoàn công tác UBND TP.HCM thăm phòng xét nghiệm của Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè.   Ảnh: Q.H

Tại BV huyện Cần Giờ, số lượng bệnh nhân tới khám, chữa bệnh đã tăng đáng kể, nhiều ca sinh khó, cấp cứu… được thực hiện trực tiếp tại BV nên tỷ lệ bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên chỉ còn khoảng 10%. Đặc biệt, BV cũng đã được chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên môn khó mà trước đây chưa thực hiện được như: Mổ lấy thai ngoài tử cung, mổ viêm ruột thừa, gây tê tủy sống, gây mê nội khí quản…

Bà Nguyễn Thanh Lan (xã đảo Thạnh An) cho biết, trước đây mỗi khi đau ốm người dân xã đảo phải đi tàu vào đất liền rồi mới chuyển lên BV trong thành phố nên rất vất vả. Nhưng từ khi BV Cần Giờ được tăng cường bác sĩ, người dân yên tâm hơn hẳn, không còn lo phải di chuyển xa mỗi khi ốm đau bệnh tật nữa.  

Theo bác sĩ Trần Ninh Bảo Nhi - Trưởng khoa sản BV Cần Giờ, việc các bác sĩ của BV Hùng Vương xuống hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã giúp cho bác sĩ, điều dưỡng, y tá, nữ hộ sinh của BV Cần Giờ học tập được nhiều kinh nghiệm trong khám chữa bệnh, nâng cao trình độ tay nghề.

Trong khi đó, vốn là một BV đa khoa, không có các chuyên khoa sâu nhưng từ khi thực hiện đề án luân phiên cán bộ y tế, BV Củ Chi đã có thêm các khoa: Sản, nội, nhi. Đặc biệt, trước đây BV không có khoa sản vì chỉ có vài nữ hộ sinh làm những công việc phụ không thể thực hiện những ca đỡ đẻ được. Từ khi thực hiện luân chuyển y bác sĩ, các bác sĩ ở BV Từ Dũ về hỗ trợ đã giúp BV Củ Chi có tư cách pháp nhân và điều kiện năng lực để mở khoa sản.

Cải thiện chế độ để “hút” nhân lực

  Hiện BV tại các huyện ngoại thành TP.HCM đã thành lập khoa sản nhi. Thống kê 10 tháng đầu năm 2015, tuyến BV ngoại thành có tất cả 1.312 giường bệnh sản nhi (582 giường bệnh sản, 730 giường bệnh nhi). Ngoài ra, 20/23 BV huyện đã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình với cơ cấu từ 1 - 4 bàn khám. 

Theo bác sĩ Huỳnh Văn Hy - Phó Giám đốc BV huyện Củ Chi, thời gian qua các BV tuyến trên đã hỗ trợ nhân lực y tế khá lớn cho các BV vùng ven, tuy nhiên đây vẫn là giải pháp ngắn hạn. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các BV vùng ven cần nghiên cứu giải bài toán về nhân sự.

Tuy nhiên, thực tế công tác này rất khó triển khai vì ở tuyến y tế cơ sở, nhất là các trạm y tế rất khó tuyển được bác sĩ về công tác do thu nhập thấp, thiếu điều kiện kỹ thuật nâng cao tay nghề, trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng.

Về vấn đề này, bác sĩ Tăng Chí Thượng cho biết thành phố đã có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở y tế, đặc biệt là ở các huyện ngoại thành như: Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè. Theo đó, các bác sĩ chuyên khoa 2, tiến sĩ y khoa, thạc sĩ y khoa, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp 1, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về công tác tại huyện Cần Giờ được trợ cấp 3 lần mức lương cơ sở/tháng.

Trường hợp về công tác tại 4 huyện còn lại và Trung tâm Pháp y, Trung tâm Giám định pháp y tâm thần sẽ được trợ cấp 2,5 lần mức lương cơ sở/tháng. Riêng cử nhân y tế công cộng, sinh viên tốt nghiệp Đại học Y khoa hệ chính quy thì các mức trợ cấp này sẽ lần lượt là gấp 2 và gấp 1,5 lần mức lương cơ sở/tháng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem