Covid-19: Phòng khám tư dừng hoạt động, bệnh viện giảm bệnh nhân

Bạch Dương Thứ tư, ngày 01/04/2020 12:56 PM (GMT+7)
Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng của phòng khám đa khoa, bệnh viện (trừ cấp cứu) và tất cả các phòng khám chuyên khoa tư nhân đã tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM.
Bình luận 0

img

Một phòng khám tư thông báo tạm nghỉ vì dịch Covid-19.

Đồng thời, tất cả các bệnh viện cũng dừng việc thăm bệnh. Đây là chỉ đạo khẩn của Sở Y tế TP.HCM trong việc phòng chống dịch Covid-19.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tạm dừng hoạt động khoa Khám sức khỏe theo yêu cầu và Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật - HECI; khoa Khám bệnh 2 (cổng số 4 đường Phạm Hữu Chí, quận 5) và Phòng khám chuyên gia. 

Cùng với đó, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM xuất hiện tình trạng sụt giảm đáng kể người dân đến khám chữa bệnh. Nguyên nhân được cho là do tâm lý e ngại khi dịch Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp. Các bác sĩ cảnh báo, nếu không khám bệnh và điều trị kịp thời, một số người dân có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm. 

Bác sĩ Phạm Thanh Việt - Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nếu như trước đây mỗi ngày, bệnh viện tiếp đón khoảng 5.000-6.000 lượt khám bệnh thì nay đã giảm xuống còn hơn 4.000 lượt khám.

Tương tự, tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM những ngày qua cũng ghi nhận tình trạng giảm đáng kể số lượng người bệnh. “Trước đây, mỗi ngày, chúng tôi đón từ 2.100-2.200 lượt khám bệnh thì nay con số này giảm chỉ còn khoảng 1.800 bệnh, tỷ lệ giảm từ 20-25% so với trước. Người dân e ngại đến những nơi đông người vì sợ lây lan dịch bệnh Covid-19 là nguyên nhân gây nên tình trạng này”, TS.BS Nguyễn Trọng Hào - Giám đốc Bệnh viện Da liễu chia sẻ. 

Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đơn vị thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân ung thư của thành phố và các tỉnh phía Nam những ngày gần đây cũng bắt đầu có sự sụt giảm lượng người đến khám bệnh. TS.BS Nguyễn Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện cho biết, lượt khám bệnh trong mùa dịch giảm khoảng 10% so với ngày thường. 

“Bình thường, việc giảm lượng bệnh nhân đến bệnh viện là tín hiệu vui vì sức khỏe của người dân ổn định. Tuy nhiên, nếu như vì lo ngại dịch bệnh mà không đến bệnh viện để khám bệnh kịp thời là điều nguy hiểm bởi vô tình đã bỏ qua giai đoạn vàng, phát hiện sớm bệnh, đến khi bệnh nặng quá mới đi khám thì mọi việc đã không thể cứu vãn”, BS Phạm Thanh Việt, công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nhìn nhận.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cho biết đã xuất hiện tình trạng người dân tự ý sử dụng lại toa thuốc cũ mà không tái khám theo lịch do e ngại dịch bệnh. BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho rằng, quay lại tái khám là điều vô cùng quan trọng bởi đây là thời điểm người bệnh cần phải được kiểm tra, theo dõi sau một thời gian điều trị. Nếu không, nguy cơ bệnh sẽ trở nặng, biến chứng, để lại hậu quả nặng nề.

BS Phạm Thanh Việt cảnh báo, với những người bệnh có nguy cơ cao, việc sử dụng toa thuốc cũ tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định. Đơn cử như những người bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, nếu sử dụng lại toa thuốc cũ thì hiệu quả kiểm soát đường huyết, huyết áp sẽ giảm, đến một thời điểm nào đó sẽ có những biến chứng nặng như gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não…, nguy hiểm đến tính mạng. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem