Tưởng bị đầy hơi hóa ra ung thư dạ dày

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 15/07/2017 06:31 AM (GMT+7)
Trong hàng nghìn trường hợp bị ung thư dạ dày tại Bệnh viện K T.Ư thì chỉ 30 ca được phát hiện giai đoạn sớm. Nguyên nhân do hầu hết mọi người chủ quan tưởng là chứng đầy hơi, tự uống thuốc giảm đau để điều trị.
Bình luận 0

Bệnh nặng mới đến viện

Bà Nguyễn Thị M (65 tuổi, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) hốt hoảng khi các bác sĩ chẩn đoán bị ung thư dạ dày. Bà M cho biết, cách đây 1 năm, bà bị chướng bụng, đầy hơi, lâm râm đau bụng nên đi khám và phát hiện bị nhiễm virus HP dạ dày. Bác sĩ kê đơn và yêu cầu bà điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, bà M chỉ uống thuốc một thời gian, sau khi thấy hết đau bụng thì ngừng thuốc.

img

GS Trần Bình Giang (giữa) đang phẫu thuật một ca ung thư dạ dày. Ảnh: Diệu Linh  

Các kỹ thuật nội soi dạ dày hiện nay có thể giúp bệnh không phải chịu khó chịu, dày vò như trước kia. Do đó, người dân khi có các triệu chứng khó chịu về đường tiêu hóa nên đi nội soi để tầm soát bệnh sớm. Đặc biệt là những người đã có tiền sử về bệnh đường tiêu hóa, đau dạ dày, nhiễm virus HP”.

GS Trần Bình Giang

Tuy nhiên, tháng trước bà lại đau bụng âm ỉ, chướng hơi nên đi khám lại. Bác sĩ cũng cho biết, do không điều trị dứt điểm virus HP nên bà bị biến chứng sang ung thư dạ dày. “Tôi vừa lên khám lại tại Bệnh viện K T.Ư, các bác sĩ cũng kết luận tôi bị ung thư hạch dạ dày. Nhưng cũng may mới ở thể nhẹ. Bác sĩ nói, nếu để chậm một thời gian nữa thì bệnh sẽ nặng hơn, khó điều trị. Chỉ vì tiếc mấy trăm nghìn tiền thuốc điều trị virus HP mà giờ chỉ gần 1 tháng khám bệnh, chiếu chụp mà đã hết gần 20 triệu rồi” – bà M ân hận.

Theo PGS-TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K T.Ư, ung thư dạ dày là một trong những bệnh thường gặp. Tuy nhiên tỷ lệ phát hiện sớm rất thấp. Như tại Bệnh viện K T.Ư, trong số hàng nghìn trường hợp điều trị ung thư dạ dày, chỉ có 30 ca là ở giai đoạn đầu.

Trong khi đó, việc điều trị có hiệu quả của ung thư nói riêng và ung thư dạ dày nói chung phụ thuộc phần lớn vào giai đoạn phát hiện bệnh. Nếu phát hiện sớm, bác sĩ chỉ cần nội soi cắt hớt niêm mạc có tế bào bệnh là bệnh nhân sẽ khỏi bệnh. Nhưng ở giai đoạn 2-4, bệnh nhân sẽ phải chịu nhiều liệu trình điều trị như phẫu thuật, truyền hóa chất, xạ trị… Điều này tốn kém hàng trăm triệu đồng mà bệnh chưa chắc đã khỏi. Có không ít bệnh nhân bị ung thư dạ dày, sau khi gặp các triệu chứng đau bụng dữ dội đi khám thì đã chuyển sang ung thư di căn, chỉ sống được vài tháng.

“Tỉ lệ chữa khỏi ở giai đoạn rất sớm gần như đạt 100% và càng để muộn thì tỉ lệ chữa khỏi càng thấp” - PGS Thuấn nhận định. Cũng theo PGS Thuấn, tỷ lệ chữa khỏi ung thư dạ dày ở Nhật Bản cao nhất thế giới, lên đến 80%. Đó là do Nhật chú trọng việc tầm soát phát hiện ung thư sớm. Tất cả những người trên 40 tuổi đều được sàng lọc bằng nội soi dạ dày định kỳ.

40 tuổi nên tầm soát ung thư dạ dày

PGS Thuấn khuyến cáo, người dân từ 40 tuổi trở ra nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, trong đó có việc khám tầm soát ung thư, trong đó có nội soi phát hiện ung thư dạ dày. Đặc biệt những người đã có tiền sử nhiễm virus HP dạ dày thì càng cần phải cảnh giác.

“Hiện người dân vẫn lười đi khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm ung thư là do bảo hiểm y tế chưa chi trả cho việc này. Tôi rất hy vọng việc tầm soát ung thư sẽ sớm được đưa vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế. Vì việc phát hiện sớm, điều trị sớm sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền so với việc phát hiện bệnh muộn” – PGS Thuấn nói.

PGS Thuấn phân tích, một ca nội soi tầm soát ung thư dạ dày chỉ tốn 200.000 - 300.000 đồng. Phát hiện ở giai đoạn sớm chỉ cần hớt lớp niêm mạc dạ dày, chi phí tính ra 1-2 triệu đồng và khỏi bệnh hoàn toàn mà không phải điều trị thêm. Nhưng nếu phát hiện giai đoạn muộn phải phẫu thuật, xạ trị thì tốn hàng trăm triệu, thậm chí có người ra nước ngoài điều trị mất hàng tỷ đồng nhưng vẫn không cứu được tính mạng.

GS-TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng cho biết, mỗi tuần bệnh viện phải mổ khoảng 15 ca ung thư dạ dày, tiêu hóa, trực tràng. Nhiều bệnh nhân dưới 40 tuổi, thậm chí mới 30 tuổi đã bị ung thư. Đa số các bệnh nhân đến viện đã ở giai đoạn muộn, tuy nhiên khi các bác sĩ khuyến cáo cần phẫu thuật cắt phần ung thư thì nhiều người lại sợ hãi, trốn tránh. Họ cho rằng nếu “động dao kéo” thì bệnh ung thư còn lan rộng hơn nên tìm các biện pháp khác như ăn gạo lứt, nhịn đói để hy vọng tế bào ung thư “chết đói” đến khi bệnh nặng, quay lại bệnh viện để cầu cứu thì bác sĩ đành bó tay.

Theo GS Giang, khá nhiều người chủ quan khi thấy đau bụng, đầy hơi, khó tiêu nên nghĩ chỉ “đơn giản” là khó chịu dạ dày nên tự mua thuốc uống. Hoặc người bệnh đi khám lại sợ nội soi dạ dày vì sợ đau đớn, buồn nôn, khó chịu. Tuy nhiên chỉ có nội soi mới phát hiện dạ dày bị tổn thương hay không. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem