3.716 lao động mượn hồ sơ người khác để giao kết hợp đồng lao động: Địa phương nào dẫn đầu?

08/11/2022 15:51 GMT+7
Đang có 3.716 trường hợp lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động, trong đó nhiều nhất là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Phúc.

Thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2021, tổng tiền không đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 10.555 tỷ đồng, tại 196.000 đơn vị, với trên 2,8 triệu người lao động.

Hiện nay có 42/63 tỉnh đã thực hiện kiến nghị khởi tố với 382 vụ việc nhưng đến nay chỉ 7 vụ việc có bản án và thu hồi khoảng 1,9 tỷ đồng; 21 tỉnh chưa thực hiện việc kiến nghị, khởi tố.

Tổng tiền không đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thất nghiệp là 10.555 tỷ đồng

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre), do chưa xử phạt vi phạm hành chính; khó xác định các yếu tố cấu thành tội phạm; nhiều doanh nghiệp nợ kéo dài, số tiền lớn nên bỏ trốn và không lập được hồ sơ, nhiều doanh nghiệp cố tình không hợp tác, chưa thực hiện việc người lao động ủy quyền cho tổ chức công đoàn khởi kiện vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Chính vì vậy, hành vi không đóng, trốn đóng, đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài trong nhiều năm và chưa có giải pháp mạnh mẽ để xử lý.

Theo nữ đại biểu, số tiền hơn 10.000 tỷ đồng là con số không nhỏ, tác động sâu sắc đến đời sống của hàng triệu gia đình người lao động, con em của họ có thể mất cả cơ hội học hành và tương lai tươi sáng. Chưa kể, có khi vì mưu sinh vất vả trong số họ phải rơi vào bế tắc và vướng vào các tệ nạn xã hội.

"Hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật ở lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không mang tính bức xúc giống như kiểu cháy nhà chết người nhưng đâu đó là hình ảnh của những số phận đau thương, có cả mồ hôi, nước mắt của những người lao động.

Nếu chúng ta không kiên quyết xử lý thì không những mất đi tính nghiêm minh trong tuân thủ pháp luật mà mất lớn hơn là niềm tin của người lao động đối với chính sách pháp luật của nhà nước", đại biểu nhấn mạnh.

3.716 lao động mượn hồ sơ người khác để giao kết hợp đồng lao động: Địa phương nào dẫn đầu? - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre.

Từ những bất cập nêu trên, đại biểu Thanh Lam kiến nghị Chính phủ, các cơ quan tư pháp khẩn trương xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Mặt khác, về giải pháp lâu dài, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện chính sách pháp luật, trong đó nhận diện đầy đủ các bất cập, tồn tại để có định hướng chính sách phù hợp đối với người lao động, người sử dụng lao động và thị trường lao động.

Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động và các luật khác có liên quan cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

3.716 trường hợp lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động

Về hành vi mượn hồ sơ tư pháp để giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội. Theo đại biểu, đây là hành vi vi phạm nguyên tắc trung thực và nguyên tắc nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Dẫn số liệu, đại biệt cho biết, đang có 3.716 trường hợp lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động, trong đó nhiều nhất là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Phúc.

Quan tâm giải quyết việc này, vào tháng 5 vừa qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để chỉ đạo giải quyết theo quy định tại Điều 50 và 51 của Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế được biết các tỉnh đang rất lúng túng và không thể giải quyết quyền lợi cho người lao động, bắt nguồn từ 4 khó khăn, theo đại biểu.

Khó khăn đầu tiên là, đối với trường hợp đơn vị sử dụng lao động còn hoạt động thì người lao động nộp đơn khởi kiện đơn vị sử dụng lao động tại tòa án huyện, yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì tòa án trả lại đơn và yêu cầu cung cấp biên bản hòa giải của hòa giải viên lao động.

Người lao động nộp đơn đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét hòa giải thì đã quá thời hiệu hòa giải nên không giải quyết được.

3.716 lao động mượn hồ sơ người khác để giao kết hợp đồng lao động: Địa phương nào dẫn đầu? - Ảnh 3.

Khẩn trương xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh minh họa)

Khó khăn thứ hai, đối với trường hợp đơn vị sử dụng lao động đã giải thể. Khi người lao động nộp đơn khởi kiện đơn vị sử dụng lao động tại tòa án cấp huyện thì tòa án trả lại đơn, do không có chủ thể để khởi kiện nên không giải quyết được.

Khó khăn thứ ba, trường hợp người mượn hoặc cho mượn hồ sơ đã chết hoặc mất tích hoặc không xác định được nơi cư trú, người còn lại liên hệ nộp hồ sơ tại tòa để giải quyết thì tòa án lại trả lại đơn không giải quyết.

Khó khăn thứ tư là, tuyên bố dấu hiệu chỉ xử lý được vấn đề người lao động đang tham gia, nhưng trên thực tế rất nhiều trường hợp đã chấm dứt hợp đồng lao động và đã hưởng chế độ.

Do đó, để tránh phát sinh những vấn đề đáng tiếc cũng như bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp này, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nêu trên.

Đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan tăng cường hơn nữa các hoạt động thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật lao động và việc làm đối với các cơ quan, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục