Hé lộ lộ 3 mỏ bô xít ở miền Bắc được khai thác hơn 2,2 triệu tấn/năm

10/08/2023 08:01 GMT+7
Bộ Công Thương vừa Công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó miền Bắc sẽ có 3 mỏ bô xít sản lượng khai thác hơn 2,2 triệu tấn/ năm.

Mục tiêu của Quy hoạch là quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa carbon. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới.

Ba mỏ bô xít nào ở miền Bắc sẽ được khai thác hơn 2,2 triệu tấn/năm? - Ảnh 1.

Quy hoạch của Bộ Công Thương về khai thác 3 mỏ quặng bô xít khu vực miền Bắc, trong đó Lạng Sơn có môt mỏ, Cao Bằng hai mỏ, với tổng công suất từ 1,5- 2,2 triệu tấn quặng nguyên khai/năm (Ảnh: TKV)

Điểm đáng chú ý trong quy hoạch khoáng sản là việc công bố chi tiết kế hoạch thăm dò, khai thác và chế biến các loại khoáng sản. Với khoáng sản bô xít, Quy hoạch sẽ duy trì đạt công suất thiết kế các mỏ hiện có; mở rộng nâng công suất mỏ Tây Tân Rai và mỏ Nhân Cơ; đầu tư mới các dự án khai thác mỏ tại: Đắk Nông (4 - 5), Lâm Đồng (2 - 3), Bình Phước (1), Gia Lai (1). Tổng công suất khai thác đến năm 2030 từ 68,150 - 112,200 triệu tấn nguyên khai/năm.

Đáng chú ý, sẽ đầu tư mới 3 dự án khai thác tuyển quặng bô xít khu vực miền Bắc: Lạng Sơn (1); Cao Bằng (2) với tổng công suất từ 1,5- 2,2 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.

Đối với các mỏ bô xít khu vực Tây Nguyên (gần khu đông dân cư) xem xét thăm dò và cấp phép khai thác sớm để thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản và được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Đối với các mỏ bô xít khu vực miền Bắc có chất lượng thấp, thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản, cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng trọt, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu theo sự cho phép của các cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Giai đoạn sau 2030, duy trì đạt công suất thiết kế các mỏ hiện có, đầu tư mới các dự án khai thác mỏ tại khu vực Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Kon Tum,... để cung cấp tinh quặng bô xít cho các dự án nhà máy alumin đã đầu tư và dự án mở rộng khi có nhu cầu. Tổng công suất khai thác dự kiến đến năm 2050 là 72,3 - 118,0 triệu tấn nguyên khai/năm. Ngoài ra, sẽ xem xét cấp phép khai thác các khu vực mới được thăm dò trong giai đoạn 2031 - 2050 khi có chủ đầu tư đề xuất.

Về chế biến, giai đoạn đến 2030, đầu tư nâng công suất 2 nhà máy alumin Tân Rai - Lâm Đồng và Nhân Cơ - Đăk Nông từ 650.000 tấn/năm lên khoảng 2 triệu tấn/năm (chia thành 02 giai đoạn: giai đoạn 1 nâng công suất lên 800.000 tấn alumin/năm; giai đoạn 2 đầu tư mở rộng với công suất 1.200.000 tấn alumin/năm).

Đầu tư mới các dự án sản xuất alumin tại Đắk Nông (4), Lâm Đồng (2), Bình Phước (1), Gia Lai (1) với công suất tối thiểu từ triệu tấn alumin/năm/dự án trở lên. Dự án đầu tư mới sản xuất alumin có công nghệ tiên tiến, trong đó công nghệ xử lý bùn đỏ phải sử dụng phương pháp thải khô, đảm bảo môi trường và khuyến khích có dự án sản xuất vật liệu xây dựng từ bùn đỏ. Địa điểm do nhà đầu tư và địa phương lựa chọn phù hợp với đổ thải bùn đỏ, gần khu vực mỏ tuyển. Tổng công suất đến năm 2030: 11,600 - 18,6 triệu tấn alumin/năm.

Hoàn thành thí điểm dự án Nhà máy điện phân nhôm Đăk Nông với công suất từ 300.000 tấn nhôm thỏi/năm, mở rộng 450.000 tấn nhôm thỏi/năm. Đầu tư mới các dự án sản xuất nhôm kim loại tại Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và các tỉnh có đủ nguồn năng lượng phù hợp. Tổng công suất đến năm 2030 là 1,2 - 1,5 triệu tấn nhôm thỏi/năm.

Giai đoạn 2031 - 2050, sản xuất alumin duy trì đạt công suất thiết kế và đầu tư mở rộng công suất các nhà máy hiện có. Tổng công suất dự kiến: 12 - 19,2 triệu tấn alumin/năm...

Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã phân loại cụ thể các nguồn vốn, gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn quốc tế, vốn tư nhân dành cho từng lĩnh vực. Vốn từ ngân sách nhà nước chỉ dành cho hoạt động điều tra tài nguyên, xây dựng dữ liệu về khoáng sản, hoặc nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới. Trong khi nguồn vốn của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế dành cho khai thác, chế biến, đầu tư công nghệ mới…

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Quy hoạch khoáng sản vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. "Đã mở ra không gian phát triển mới cho ngành  công nghiệp khai khoáng quốc gia theo hướng hiện đại, bền vững, công bằng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và phù hợp với xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp", ông Diên nói.

Theo đó, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu các đơn vị liên quan đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với không gian, lợi thế so sánh của các vùng, địa phương, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tổ chức lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án khoáng sản trong lĩnh vực, địa bàn quản lý theo định hướng quy hoạch, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm; đồng thời, ưu tiên bố trí quỹ đất và chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư (nếu có), tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai cho các dự án theo quy định.

An Linh
Cùng chuyên mục