Các nhà phân tích dự báo NHNN sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản nếu tăng trưởng GDP quý III âm

08/09/2021 17:33 GMT+7
Các chuyên gia đến từ một số công ty chứng khoán đều có chung nhận định, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong điều kiện lạm phát được kiểm soát, thậm chí thực hiện cắt giảm lãi suất cơ bản 25 điểm cơ bản nếu GDP quý III âm?

Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25 điểm % nếu tăng trưởng GDP quý III âm?

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô mới công bố, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, lạm phát trong tháng 8 chỉ tăng 0,25% so với tháng trước, 2,82% so với cùng kỳ và lạm phát bình quân 8 tháng chỉ tăng 1,79% - mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

SSI Research nhận thấy áp lực lạm phát trong thời gian tới là chưa lớn, khi nhu cầu tiêu dùng vẫn ở mức yếu. Dự báo, lạm phát trong năm 2021 ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với lạm phát mục tiêu của Chính phủ là 4% và từ đó tạo nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25 điểm % nếu GDP quý III âm? - Ảnh 1.

Dự báo, lạm phát trong năm 2021 ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với lạm phát mục tiêu của Chính phủ là 4% và từ đó tạo nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ.

Thực tế, lạm phát ở mức thấp giúp chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng xuyên suốt tháng 8. Việc gia tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng vào tháng 7 đã giúp các Ngân hàng thương mại tiếp tục có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hạ lãi suất cho vay (trung bình hạ từ 0,3 – 1,5 điểm phần trăm) hoặc các gói cho vay lãi suất ưu đãi (lãi suất cho vay từ 4%/năm).

Ngoài ra, NHNN cũng đã chuyển phương thức giao dịch của việc mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối từ mua kỳ hạn 6 tháng sang mua giao ngay và điều này được kỳ vọng sẽ cung cấp thanh khoản kịp thời cho hệ thống ngân hàng.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu duy trì ở mức thấp, trong khi lãi suất huy động lại tăng nhẹ từ 10 – 30 điểm cơ bản ở một số ngân hàng ở kỳ hạn trên 12 tháng dưới áp lực của Thông tư điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, có hiệu lực vào tháng 10 sắp tới.

"Trong giai đoạn khó khăn hiện tại của dịch bệnh, chúng tôi không loại trừ trường hợp NHNN sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong điều kiện lạm phát được kiểm soát", SSI Research nhận định.

Theo đó, các biện pháp hỗ trợ ngoài việc sửa đổi Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục lùi thời gian có hiệu lực của Thông tư quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Đồng quan điểm, các chuyên gia của chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, lạm phát trung bình trong 8 tháng vừa qua vào khoảng 1,8% so với cùng kỳ, cho thấy lạm phát năm 2021 vẫn dưới mức dự báo của các chuyên gia đến từ VDSC là 3,5%.

"Chúng tôi tiếp tục nhận thấy rằng các chính sách hỗ trợ vẫn còn rất hạn chế. Chính sách tài khóa và tiền tệ có thể sẽ được đẩy mạnh trong trường hợp tăng trưởng GDP của quý III/2021 âm. Theo quan điểm của chúng tôi, có xác suất cao hơn đối với việc NHNN thực hiện cắt giảm lãi suất cơ bản 25 điểm cơ bản như một hành động chính sách hỗ trợ mang tính biểu tượng trong quý cuối của năm 2021", VDSC nêu dự báo.

Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25 điểm % nếu GDP quý III âm? - Ảnh 3.

Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong điều kiện lạm phát được kiểm soát, thậm chí thực hiện cắt giảm lãi suất cơ bản 25 điểm cơ bản nếu GDP quý III âm? (Ảnh: SBV)

Nới lỏng tiền tệ, chứng khoán hưởng lợi?

Cũng liên quan đến vấn đề này, chia sẻ trên trang cá nhân, Chuyên gia kinh tế - TS. Quách Mạnh Hào ước tính tăng trưởng GDP quý III/2021 của Việt Nam không chỉ là giảm mà có thể âm (có thể dao động từ -4.8% đến -8.5%). Do đó, GDP cả năm chắc chắn rất thấp và cũng có thể âm – theo TS Hào.

Để phấn đấu GDP không âm, TS Quách Mạnh Hào cho rằng, Chính phủ sẽ có 2 lựa chọn hoặc làm cả hai đó là nới lỏng tiền tệ và mở rộng tài khóa.

Một tình huống TS Quánh Mạnh Hào cho rằng sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn là Chính phủ sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, tìm cách đẩy tín dụng bằng biện pháp hành chính, nhưng sẽ đẩy mạnh mở rộng tài khóa (cứu doanh nghiệp, người lao động và người nghèo một cách trực tiếp). Và trong tình huống này cung tiền được mở rộng, giảm lãi suất và như thường lệ, tiền sẽ đổ vào thị trường tài sản, trong đó có chứng khoán.

H.Anh
Cùng chuyên mục