Cấm uống rượu bia nơi công cộng có khả thi?

01/10/2019 13:57 GMT+7
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá, một số quy định trong Dự thảo Nghị định Luật “Phòng, chống tác hại của rượu, bia” quá chặt chẽ, không khả thi, ví như quy định cấm uống rượu bia nơi công cộng. Các cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách cần xem xét, điều chỉnh các điều khoản phù hợp với thực tiễn.

Khó cấm triệt để sử dụng, quảng cáo rượu bia nơi công cộng

Theo nội dung Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Bộ Y tế đề xuất quy định rõ các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia bao gồm: Công viên, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, nhà chờ xe buýt, rạp chiếu phim, sân vận động, nhà thi đấu thể thao...

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định rõ về việc phải đặt biển quảng cáo các nhãn hiệu bia, rượu ngoài trời cách xa 200m với các điểm trường học, cơ sở giáo dục,… dành cho người dưới 18 tuổi. Hoạt động quảng cáo trên internet, hành vi uống rượu, bia trên các tác phẩm phim, ảnh, truyền hình, sân khấu cũng được hạn chế.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ uống đánh giá, các quy định theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có nhiều điểm bất hợp lý, không khả thi và có thể chồng chéo các quy định về trong luật.

Ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Hiệp hội Quảng cáo cho biết, quy định các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia như Điều 3 Dự thảo Luật là quá chặt chẽ và khó khả thi.

Luật cấm uống rượu nơi công cộng khó thực thi, Bộ Công Thương hứa điều chỉnh - Ảnh 1.

Còn nhiều tranh cãi về quy định cấm uống rượu bia nơi công cộng.

"Tại những địa điểm này, phần lớn những người chỉ dùng một hai lon bia để giải khát, khó có thể gây hại cho cộng đồng lại bị đánh đồng với những đối tượng lạm dụng, say xỉn dễ gây rối.

Mặt khác với quy định này, các cơ quan quản lý sẽ khó có đủ lực lượng để quan sát, xử lý người uống bia, rượu tại những địa điểm đó như những quy định về xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng, xả rác ra đường. Do vậy, việc đề nghị tại các địa điểm này chỉ cấm tụ tập uống rượu, bia, gây mất trật tự nơi công cộng" - ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc đối ngoại Heineken Việt Nam, cho biết thêm: "Tại điều 4.2(b) tại dự thảo Nghị định yêu cầu các biển quảng cáo rượu/bia ngoài trời phải được đặt ở vị trí cách ít nhất 200m từ khuôn viên của cơ sở giáo dục, điều dưỡng, nhà trẻ, cơ sở giải trí cho người dưới 18 tuổi, ngoại trừ biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia là không hợp lý."

Theo ông Phúc, ví dụ như tại hai địa phương là Hà Nội và TP. HCM, dựa trên bản đồ cho thấy, trong bán kính 200m hoặc 500m của tất cả các cơ sở được yêu cầu trong Điều này mật độ của các trường học và cơ sở y tế đều rất dày đặc.

Do đó, đại diện Heineken kiến nghị chỉ nên hạn chế trong phạm vi 100m từ khuôn viên trường giáo dục, điều dưỡng, nhà trẻ, cơ sở giải trí cho người dưới 18 tuổi đối với các bảng quảng cáo rượu, bia ngoài trời.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Phúc cũng cho rằng, quy định yêu cầu người dùng internet phải khai báo tuổi của họ trước khi quảng cáo bia được hiển thị theo nội dung tại điều 4.4 là không khả thi về mặt kỹ thuật.

"Người dùng trên các trang web thương mại điện tử liên quan đến rượu bia phải vượt qua cổng kiểm tra tuổi để chứng minh họ trên 18 tuổi, vì vậy không có lý do gì để hạn chế hơn những dịch vụ hoặc quảng cáo đến họ trong lĩnh vực kỹ thuật số nói chung. Nếu muốn kiểm soát quảng cáo trực tuyến thì nên thực hiện thông qua sửa đổi Luật Quảng cáo, không nên đưa vào Nghị định của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia để quản lý", ông Phúc nói.

Cần sửa đổi Dự thảo, mạnh tay hơn với rượu thủ công, không rõ nguồn gốc xuất xứ

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đánh giá, cần tăng cường quản lý rượu thủ công, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đây là nguyên nhân chính gây ra những vụ ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người dân.

Theo Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về Tình trạng sử dụng đồ uống có cồn năm 2014 tại Việt Nam, đồ uống có cồn không được kiểm soát chiếm tới 70% tổng lượng tiêu thụ.

Hiện nay, trên cả nước, ước tính vẫn còn khoảng hơn 230 - 280 triệu lít rượu thủ công chưa quản lý được (chưa cấp phép, chưa có đăng ký với chính quyền và có tới 74,3% người uống rượu sử dụng loại rượu này).

Luật cấm uống rượu nơi công cộng khó thực thi, Bộ Công Thương hứa điều chỉnh - Ảnh 2.

Tọa đàm về các dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật "Phòng, chống tác hại của rượu, bia" do Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế tổ chức ngày 27/09.

Các sản phẩm rượu này gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, thất thu ngân sách nhà nước. Theo báo cáo của công ty Nghiên cứu Eurmonitor (quy mô thị trường đồ uống có cồn năm 2015): Ước tổng thiệt hại từ thị trường bia, rượu trái phép tại Việt Nam ước khoảng 441 triệu USD/ năm (hơn10.000 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, các vụ ngộ độc dẫn đến tử vong hoặc ảnh hưởng đến khả năng lao động đều có nguyên nhân là do sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa cồn công nghiệp methanol.

Về những ý kiến băn khoăn, khúc mắc xoay quanh nội dung Dự thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương cho biết: "Chúng tôi ghi nhận những ý kiến của các chuyên gia, các doanh nghiệp. Về phía Vụ Pháp chế của Bộ Y tế và Bộ Công Thương, chúng tôi sẽ xem xét, điều chỉnh dự thảo Nghị định cho phù hợp".

Thanh Phong (Dân Việt)
Cùng chuyên mục