dd/mm/yyyy

Cạo mủ cao su cũng giống như... lấy vợ

Cạo mủ cao su thoạt nghe tưởng chừng đơn giản nhưng bắt tay vào thực hiện lại không hề dễ dàng. Muốn cây cao su cho nhiều mủ, chất lượng tốt thì phải cạo đúng kỹ thuật, đúng thời gian.

"Cạo mủ cao su thoạt nghe tưởng chừng đơn giản nhưng bắt tay vào thực hiện lại không hề dễ dàng. Cạo mủ cao su cũng giống như lấy vợ. Muốn vợ trẻ, đẹp thì phải biết nâng niu, chiều chuộng. Còn muốn cây cao su cho nhiều mủ, chất lượng tốt thì ngoài chăm sóc tốt, phải cạo đúng kỹ thuật, đúng thời gian” - chị Lò Thị Nết – Giám đốc Nông trường Cao su Châu Quỳnh (Công ty Cổ phần Cao su Sơn La) ví von.

Niềm vui của công nhân sau một lần cạo mủ cao su.
Niềm vui của công nhân sau một lần cạo mủ cao su.

Nông trường Cao su Châu Quỳnh được thành lập từ tháng 9.2017 trên cơ sở sáp nhập 3 đội cao su: Mường Sại, Liệp Muội, Pú Bâu, với tổng diện tích cây cao su đang chăm sóc, kinh doanh, quản lý hơn 1.400 ha; gần 1.700 hộ, ở 34 bản của 5 xã thuộc 2 huyện Quỳnh Nhai và Thuận Châu (Sơn La) góp đất trồng cao su. Tính đến cuối năm 2017, Nông trường có 570 cán bộ, công nhân.

Nông trường Châu Quỳnh đưa vườn cao su vào khai thác từ năm 2016, với diện tích 46,04ha, đến nay đã tăng lên hơn 300ha. Chị Nết cho biết: Để vườn cây có năng suất, sản lượng cao nhất, ngay từ tháng 11 năm trước, Nông trường đã tổ chức kiểm kê, xác định diện tích, số cây đưa vào khai thác cho năm sau. Trên cơ sở đó, Nông trường lập danh sách đề xuất với Công ty Cổ phần Cao su Sơn La đào tạo công nhân.

“Mặc dù đã được đào tạo nhưng những ngày đầu cạo mủ, nhiều công nhân không khỏi bỡ ngỡ. Chúng tôi từ giám đốc, cán bộ kỹ thuật đến các tổ trưởng thường xuyên có mặt tại vườn hướng dẫn, kèm cặp theo hình thức cầm tay, chỉ việc, giúp công nhân nâng cao tay nghề, kỹ thuật cạo mủ. Chúng tôi còn giải thích cho công nhân hiểu được ý nghĩa của việc cạo tốt cũng như tác hại của việc cạo phạm, sai kỹ thuật...” – chị Nết cho hay.

Theo chị Nết, khai thác là công việc đòi hỏi kỷ luật và kỹ thuật cao. Vì vậy, Nông trường luôn bám sát theo quy trình của công ty để hướng dẫn công nhân thực hiện nghiêm túc các phần việc như: Đánh dấu cây, thiết kế, cạo xả, trang bị vật tư buộc kiềng, máng chắn mưa, màng phủ chén...

Anh Lò Văn Thông là một trong những công nhân có mức lương cao nhất Nông trường Châu Quỳnh. Năm 2017, lương của anh Thông đạt gần 30 triệu đồng/năm. Anh Thông vui vẻ cho biết: Thực hiện chủ trương trồng cao su của tỉnh Sơn La, năm 2008, cũng như nhiều hộ dân khác trong bản, gia đình anh Thông đã mạnh dạn góp đất trồng cao su và được nhận vào làm công nhân. Năm 2016, anh được Công ty Cổ phần cao su Sơn La giao cho 2 phần cây cạo.

“Những ngày đầu cạo mủ, tôi rất bỡ ngỡ. Được cán bộ kỹ thuật tận tình hướng dẫn, tôi cũng vững tâm hơn. Cạo mủ cao su khó ở chỗ: Vừa thu được nhiều mủ vừa đảm bảo chất lượng. Tôi thực hiện nghiêm túc chỉ đạo là đi cạo mủ sớm vì càng cạo sớm thì lượng mủ thu được càng nhiều. Tôi cũng thường xuyên mài dao cạo đảm bảo sắc bén, tuân thủ nghiêm quy trình kĩ thuật nên sản lượng mủ tôi thu được luôn đạt cao” - anh Thông cho hay.

Cũng theo anh Thông, ngoài tiền lương, anh còn được công ty đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Với mức thu nhập như hiện nay, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định hơn, không còn bấp bênh như trước.

“Bình quân lương của công nhân trong Nông trường đạt hơn 12 triệu đồng/năm. Khi nhà máy chế biến mủ cao su của công ty đi vào hoạt động, đồng thời diện tích cao su đưa vào khai thác tăng chắc chắn thu nhập, đời sống của công nhân cao hơn nhiều so với thời điểm hiện nay” - chị Nết khẳng định.

Bài, ảnh: Văn Chiến