Thứ sáu, 26/04/2024

Chật vật gọi xe công nghệ dịp Tết

14/01/2023 7:00 PM (GMT+7)

Tình trạng khó gọi xe công nghệ đang trở nên phổ biến vào những ngày cận Tết. Nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong khi nguồn tài xế bắt đầu bị gián đoạn.

Kết thúc công việc và chọn xe công nghệ làm phương tiện trở về nhà, Trung Kiên - 28 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội - phải loay hoay hơn 20 phút mới tìm được tài xế. Cộng thêm 10 phút chờ xe đến, tổng thời gian Kiên phải chờ đợi lên đến 30 phút mới có thể ngồi yên vị ở hàng ghế sau.

“Càng gần Tết đặt xe càng khó, trung bình 4-5 lần mới thành công. Do đặt vào giờ cao điểm nên ứng dụng cứ báo tìm được tài xế là vài phút sau họ hủy ngang, ai lịch sự thì gọi lại báo đường tắc và nhờ tôi tìm chuyến khác”, Kiên bức xúc.

Giai đoạn cận Tết Nguyên đán, nhiều người dùng cho biết tình trạng khó đặt xe công nghệ dần trở nên phổ biến, đặc biệt vào khung giờ cao điểm. Để nhanh chóng tìm tài xế, một số người dùng thậm chí phải sử dụng cùng lúc 2-3 ứng dụng.

Đợi nửa tiếng mới có xe

Tương tự tại TP.HCM, Minh Khôi - 31 tuổi, trú tại quận Phú Nhuận - cho biết không thể đặt được xe vào quận 1 trong khung giờ 18h30 hàng ngày. Bất chấp việc mở cả Grab, Gojek và be, các ứng dụng đều lần lượt thông báo không tìm thấy tài xế.

“Do đặt xe vào giờ cao điểm nên tôi đã chuẩn bị trước tâm lý phải chờ đợi lâu hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn bất ngờ vì cả ba ứng dụng đều không còn xe. Cuối cùng vì sợ muộn công việc nên tôi đành sử dụng phương tiện cá nhân”, Khôi trần tình.

Dù giá cước chênh lệch lớn so với bình thường, người dùng này vẫn đánh giá chi phí tăng thêm thời điểm này không quá đột biến.

Mặt khác, Như Ngọc - 23 tuổi, trú tại TP Thủ Đức - lại ngỡ ngàng vì giá cước xe công nghệ sát Tết tăng cao.



Chật vật gọi xe công nghệ dịp Tết - Ảnh 1.

Nhu cầu gọi xe tăng mạnh sát Tết trong khi tài xế bắt đầu nghỉ lễ. Ảnh: N.S.

“Tôi đặt xe từ nhà đến Thiso Mall hết khoảng 80.000 đồng. Lúc 17h, giá cước chiều về tăng thành 100.000 đồng nhưng đợi mãi vẫn không có tài xế nhận chuyến. Chỉ một lát sau giá cước bỗng tăng lên gấp đôi so lúc đi là 160.000 đồng. Vì quá đắt nên tôi đành chờ qua giờ cao điểm rồi mới gọi xe về”, Ngọc kể.

Trong khi đó, Bảo Khang - 29 tuổi, trú tại quận 4 - lại có trải nghiệm không mấy hài lòng với các ứng dụng đặt đồ ăn. Ngay cả khi thử trên 4 ứng dụng khác nhau, anh vẫn không thể đặt được bữa tối.

Sau nhiều lần thử đi thử lại, Khang mới “thở phào” vì cuối cùng đã có tài xế đi lấy đơn.

Thậm chí vào chiều tối ngày 13/1, cả ba ứng dụng gọi xe là Grab, Gojek, be đều xảy ra lỗi khiến khách hàng lẫn tài xế đều gặp khó khăn khi thao tác.

Các lỗi kỹ thuật phát sinh như không thể kết nối, truy cập vào ứng dụng. Ứng dụng của tài xế bị nhảy nhầm đơn, tự động hủy/nhận đơn trong khi ứng dụng của người dùng xuất hiện đơn ảo.

Thực tế, sự cố trên các ứng dụng không phải chuyện hiếm. Song, việc cả ba ứng dụng lớn cùng trục trặc kỹ thuật khiến trải nghiệm của người dùng và hoạt động của tài xế gặp nhiều gián đoạn.

Đại diện be cho biết nhu cầu tăng cao mùa Tết đã ảnh hưởng đến khả năng xử lý của hệ thống, đội ngũ kỹ thuật đã khắc phục nhanh chóng trong vòng một giờ và đưa mọi dịch vụ trở lại bình thường, sẵn sàng phục vụ khách hàng.

Tài xế giảm cuốc, tránh đi giờ cao điểm

Trên thực tế, tình trạng khó gọi xe công nghệ giai đoạn cận Tết Nguyên đán đã được cảnh báo từ lâu. Theo một số ứng dụng, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung tài xế có xu hướng giảm dần trong khi nhu cầu di chuyển, giao hàng hay đặt đồ ăn lại tăng cao.

Bên cạnh đó, một số tài xế quyết định giảm tần suất hoạt động vào khung giờ cao điểm do mật độ giao thông những ngày cuối năm dày đặc. Dù được tích lũy thêm điểm hay giá cước cao hơn, các tài xế vẫn hạn chế di chuyển do doanh thu về tay không như kỳ vọng.

Anh Tấn Phong - 34 tuổi, tài xế 2 bánh của một ứng dụng công nghệ - cho biết cứ khoảng 17h, nhóm của anh sẽ di chuyển vào trung tâm thành phố Hà Nội, nhất là xung quanh các khu mua sắm lớn, phố ẩm thực để đón đón khách/nhận đơn. Anh cùng đồng nghiệp cũng tránh nhận các cuốc đi quá xa hướng về quận Hà Đông hay Cầu Giấy.



Chật vật gọi xe công nghệ dịp Tết - Ảnh 2.

Tài xế ngại hoạt động quanh khu vực đông đúc. Ảnh: Thụy Trang - Mạnh Đạt.

“Gần Tết nên người dân có tâm lý đẩy mạnh mua sắm, ăn uống và vui chơi. Nhu cầu di chuyển lên phố cũng rất lớn. Thay vì dồn về khu xa thành phố để đón khách văn phòng thì chúng tôi tập trung quanh các điểm nóng này”, anh Phong chia sẻ.

Nói thêm, một tài xế công nghệ khác tên Trọng Văn cho biết lưu lượng phương tiện trong trung tâm Hà Nội thông thoáng hơn nhiều trong khi các cung đường như Vành đai 3, Cầu Giấy, Láng, Nguyễn Trãi, Ngã Tư Sở hay Đê La Thành thường xuyên xảy ra tắc nghẽn. Ngoài trung tâm mua sắm, anh Văn cũng cho biết lượng khách tại các bến xe, sân bay tương đối cao.

Để đảm bảo lực lượng đối tác tài xế, các ứng dụng đã rục rịch chuẩn bị triển khai phụ phí Tết cũng như chính sách thưởng mới.

Nhìn chung, các hãng đều tăng thêm 5.000 đồng/đơn/chuyến đối với dịch vụ đặt xe 2 bánh như giao hàng, di chuyển, đi chợ hộ, gọi đồ ăn. Trong khi đó, dịch vụ xe 4 bánh có mức phí cộng thêm dao động 15.000-20.000/chuyến. Một số dịch vụ đi tỉnh phụ thu thêm 25.000-100.000 đồng/chuyến.

Dù vậy, mỗi hãng lại có phương thức phân chia khoản phụ phí cho tài xế khác nhau. Song song, các hãng cũng nâng mức thưởng, đồng thời giảm điều kiện nhận thưởng trong giai đoạn này để giữ chân tài xế.

Theo Zing

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Phiên đấu thầu vàng lần thứ 2 bị huỷ: Chuyên gia tài chính nói gì?

Phiên đấu thầu vàng lần thứ 2 bị huỷ: Chuyên gia tài chính nói gì?

Phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng sáng nay (ngày 25/4) tiếp tục bị huỷ. Ngân hàng Nhà nước thông báo nguyên nhân do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Du lịch lễ 30/4 -1/5, nhiều người chuyển hướng đi tàu hoả, xe khách. Nhiều chặng cháy vé

Du lịch lễ 30/4 -1/5, nhiều người chuyển hướng đi tàu hoả, xe khách. Nhiều chặng cháy vé

Cao điểm 30/4 - 1/5 năm nay, tàu hoả, xe khách... trở thành phương tiện được nhiều người lựa chọn để về quê, đi du lịch trong bối cảnh vé máy bay đắt đỏ.

Dừa tươi tăng giá gấp đôi mùa nắng nóng

Dừa tươi tăng giá gấp đôi mùa nắng nóng

Chỉ sau 1 tháng, giá dừa tươi bán sỉ đã tăng gần gấp đôi nên các tiểu thương phải tìm cách để người tiêu dùng bớt sốc

Tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng vào ngày 25/4

Tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng vào ngày 25/4

Ngày 25/4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng với dự kiến đấu thầu 16.800 lượng.

Mặt bằng bán lẻ khu vực trung tâm TP.HCM hút khách thuê

Mặt bằng bán lẻ khu vực trung tâm TP.HCM hút khách thuê

Lĩnh vực bán lẻ cao cấp các ngành hàng xa xỉ như trang sức, đồng hồ,... tại TP.HCM trong thời gian qua ngày càng tăng với nhiều tên tuổi lớn. Do đó, mặt bằng tại khu vực trung tâm quận 1 đang được các đơn vị tập trung lựa chọn.

Chuyên gia nhận định giá vàng sẽ giảm nhẹ

Chuyên gia nhận định giá vàng sẽ giảm nhẹ

Thị trường vàng trong nước trong trạng thái ổn định hiếm thấy hôm nay 21/4. Các chuyên gia dự đoán giá vàng sẽ giảm nhưng không đáng kể.