Chỉ 4 tuần, Mỹ mất sạch 22 triệu việc làm tạo ra trong nền kinh tế suốt 11 năm qua

17/04/2020 15:37 GMT+7
Chỉ trong 4 tuần, kinh tế Mỹ gần như mất tất cả việc làm mới tạo ra trong nền kinh tế suốt 11 năm qua do hệ lụy từ đại dịch Covid-19.
Chỉ 4 tuần, Mỹ mất sạch 22 triệu việc làm tạo ra trong nền kinh tế suốt 11 năm qua - Ảnh 1.

Từ trên xuống dưới: Số việc làm được tạo ra trong nền kinh tế từ khủng hoảng tài chính đến nay, Số việc làm mất đi trong 4 tuần qua, số việc làm mất đi trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính

Dịch Covid-19 khiến hàng loạt doanh nghiệp tạm dừng làm việc, nhà máy ngừng hoạt động, nhà hàng quán bar đóng cửa… một lần nữa thúc đẩy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tăng vọt chưa từng có. Hôm 16/4, Bộ Lao động Mỹ báo cáo thêm 5,245 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp, nâng số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp trên toàn nước Mỹ trong 4 tuần gần nhất lên 22,025 triệu đơn.

Đáng nói là, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kết thúc vào tháng 11/2009, chỉ có 22.442 việc làm mới được tạo ra trong nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tức là dịch Covid-19 chỉ mất 4 tuần lễ để quét sạch gần hết số việc làm mới tạo ra trong nền kinh tế suốt 11 năm qua. Chỉ cần thêm 417.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp nữa trong tuần này, thị trường lao động Mỹ chính thức lùi về vạch xuất phát của năm 2009.

Các nhà kinh tế thậm chí dự đoán lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tháng 4, khi nhiều doanh nghiệp buộc phải cho nhân viên nghỉ việc tạm thời vì không đủ dòng tiền duy trì hoạt động suốt thời gian đại dịch. Các nhà phân tích gọi đây là đợt khủng hoảng chưa từng có trên thị trường lao động Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ qua. 

Seema Shah, chiến lược gia trưởng tại Principal Global Investors nhận định: “Dù số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước (5,245 triệu đơn) giảm đáng kể so với tuần trước nữa (6 triệu đơn), chúng ta vẫn chứng kiến đại dịch Covid-19 thổi bay gần như toàn bộ số việc làm mới được tạo ra trong nền kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Đáng buồn thay, những gì thực sự đang diễn ra trên thị trường lao động có thể còn tồi tệ hơn những con số trong báo cáo này”.

Mặc dù chính phủ Mỹ đang tìm cách nới lỏng các lệnh phong tỏa và cách ly xã hội trong bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 ở nhiều tiểu bang Mỹ bao gồm cả New York có xu hướng giảm, bà Seema Shah cho rằng việc mở cửa trở lại nền kinh tế chắc chắn sẽ diễn ra từ từ chậm rãi và không thể vội vàng. New York hôm 16/4 cho biết sẽ duy trì các lệnh phong tỏa đến ít nhất 15/5 dù số ca nhập viện do nghi nhiễm Covid-19 đã giảm khoảng một nửa.

Điều này đồng nghĩa với sự phục hồi kinh tế chậm rãi trong năm nay, và doanh nghiệp - hộ gia đình chắc chắn sẽ phải chịu thêm áp lực tài chính do hệ lụy của dịch bệnh.

Báo cáo Bảng lương Phi nông nghiệp mới nhất của Mỹ cũng chỉ ra số việc làm biên chế giảm mạnh 701.000 trong tháng 3, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2010 đến nay và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2009.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng tăng vọt từ mức 3.5% - tiệm cận mức thấp nhất mọi thời đại lên 4,4% trong tháng 3, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tháng 4.

Bảng lương phi nông nghiệp thực chất là dữ liệu kinh tế phản ánh số lao động tăng/ giảm trong tháng tại Mỹ, ngoại trừ số lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu bảng lương phi nông nghiệp phản ánh tình trạng việc làm tăng trưởng tốt, đó là dấu hiệu cho thấy khu vực dịch vụ và công nghiệp Mỹ đang tăng trưởng tốt và ngược lại. 

Nhìn vào bảng lương phi nông nghiệp Mỹ trong tháng 3, dễ thấy các đợt sa thải của nhà hàng, quán bar khi một số tiểu bang tiến hành phong tỏa hoặc cách ly xã hội đã tạo ra số lượng người lao động mất việc lớn. Số việc làm biên chế dự kiến tiếp tục giảm trong tháng 4 khi các doanh nghiệp cắt giảm bớt lao động để giảm chi phí hoạt động xuống mức tối thiểu trong giai đoạn khủng hoảng đại dịch.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục