Chứng khoán châu Á bị bán tháo, VN-Index chỉ giảm sâu hơn thị trường Trung Quốc

13/03/2020 10:17 GMT+7
Theo chân phiên giảm kỷ lục tại châu Âu và Mỹ đêm qua, thị trường chứng khoán châu Á bị bán tháo. Thế nhưng, dù tiếp tục “lao dốc”, VN-Index vẫn có tốc giảm chỉ sâu hơn thị trường Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chứng khoán châu Á bị bán tháo

Sau khi chứng kiến phố Wall có phiên giao dịch tồi tệ nhất 33 năm, thị trường châu Á ngay lập tức chứng kiến đợt bán tháo ồ ạt. Cổ phiếu của những thị trường lớn đua nhau “rơi tự do”. Trong đó, “nổi bật” nhất là NIKKEI của Nhật Bản.

Đầu phiên, NIKKEI giảm tới 9%. Tuy nhiên, sau đó, nhà đầu tư bớt hoảng loạn hơn khiến chỉ số này “chỉ” còn giảm 1.489,66 điểm, tương đương 8,05% xuống 17.069,97 điểm. NIKKEI là chỉ số giảm mạnh nhất trên thị trường châu Á.

Hàn Quốc là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi KOSPI chỉ đứng sau NIKKEI về tốc độ “rơi”. KOSPI giảm 135,86 điểm, tương đương 7,41% xuống 1.698,47 điểm. Chỉ số ASX 200 của Australia cũng mất mát khá lớn khi giảm 325,6 điểm, tương đương 6,14% xuống 4.979 điểm.

Chứng khoán châu Á bị bán tháo, VN-Index chỉ giảm sâu hơn thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

Chứng khoán châu Á bị bán tháo, VN-Index chỉ giảm sâu hơn thị trường Trung Quốc

Trung Quốc là nơi khởi phát dịch Covid-19 nên thị trường chứng khoán của cộng đồng Hoa ngữ đã thê thảm trước. Đến nay, khi Trung Quốc công bố đỉnh dịch đã qua, các chỉ số chứng khoán hạn chế đà giảm hơn. Hang Seng Index giảm 1.166,05 điểm, tương đương 4,8% xuống 23.143,02 điểm. Shanghai giảm 73,87 điểm, tương đương 2,53% xuống 2.849,62 điểm.

Cổ phiếu hàng không là tâm điểm của châu Á khi đồng loạt bị nhấn chìm vì cùng với ngành du lịch, hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19.

Qantas Airways của Australia mất 13,46%. ANA Holdings và Japan Airlines của Nhật Bản giảm lần lượt 8,91% và 12,05%. Korean Air Lines của Hàn Quốc mất 8,99%. Trong khi đó, mất mát ít hơn nhưng cổ phiếu của China Eastern Airlines cũng “bay” Tới 5,41%. Cathay Pacific giảm 8,39% và Singapore Airlines giảm 5,99%.

VN-Index chỉ giảm sâu hơn thị trường Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang “lao dốc”. Thế nhưng, nếu nhìn ở góc độ tích cực, VN-Index chỉ giảm mạnh hơn thị trường Trung Quốc. Và hoạt động bán tháo không xảy ra. Hiện tại, vẫn có dòng tiền chực chờ bắt đáy.

Sau 1 tiếng giao dịch, VN-Index đang giảm 44,95 điểm, tương đương 5,84% xuống 724,3 điểm dù kết thúc đợt 1, chỉ số này “chỉ” giảm 2,43%. Thanh khoản đứng ở mức cao nhưng không quá đột biến. Có hơn 120 triệu cổ phiếu, tương đương 1.884 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.

Sắc đỏ loang đồng đều trên thị trường nên VN30-Index có tốc độ giảm tương tự VN-Index. VN30-Index giảm 42,18 điểm, tương đương 5,86% xuống 677,03 điểm. Có gần 37 triệu cổ phiếu, tương đương 823 tỷ đồng được giao dịch. Có vẻ dòng tiền đổ về cổ phiếu nhỏ nhiều hơn. 15 mã, tương đương 50% tổng số mã trong nhóm VN30 giảm sàn. 15 mã còn lại không giảm sàn nhưng cũng giảm rất sâu.

AMD và QCG vẫn là điểm sáng hiếm hoi của sàn TP.HCM khi có chuỗi trên dưới 10 phiên tăng trần liên tiếp. AMD tăng 270 đồng/CP lên 4.260 đồng/CP. Dư mua trần AMD lên đến 8,25 triệu cổ phiếu. QCG tăng 540 đồng/CP lên 8.340 đồng/CP.

Sàn Hà Nội có tốc độ giảm nhẹ hơn sàn TP.HCM. HNX-Index giảm 4,23 điểm, tương đương 4,15% xuống 97,69 điểm. Như vậy, HNX-Index đã “thủng” mốc 100 điểm không lâu sau khi VN-Index “thủng” mốc 800 điểm. HNX30-Index giảm 7,62 điểm, tương đương 4,2% xuống 173,73 điểm. UpCOM-Index giảm 1,37 điểm, tương đương 2,7% xuống 49,55 điểm.

DDG của Công ty cổ phần Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương là mã duy nhất trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn Hà Nội lấy lại được sắc xanh dù giảm nhẹ đầu phiên. DDG tăng 100 đồng/CP lên 27.100 đồng/CP. Tuy nhiên, áp lực cho cổ phiếu này vẫn còn rất lớn khi mà dư cung vẫn khá cao.

Chiều qua, sau khi VN-Index giảm sâu, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) khuyên nhà đầu tư bình tĩnh, tin vào nội lực doanh nghiệp và nền kinh tế, không nên bán tháo lúc này.

Chia sẻ trên ĐTCK, ông Dũng cho biết trong phạm vi thẩm quyền, UBCK sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành chứng khoán và cho nhà đầu tư, trong đó có giải pháp cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng một số quy định về giao dịch ký quỹ (margin) áp dụng cho giai đoạn trước mắt.

Tiểu My
Cùng chuyên mục