Chứng khoán Rồng Việt: Năm 2024 kỳ vọng VN-Index dao động 1.080 - 1.380 điểm

03/01/2024 15:51 GMT+7
Dựa trên phân tích độ nhạy giữa định giá, thanh khoản và tăng trưởng lợi nhuận, vùng dao động kỳ vọng là 1.080 - 1.380. Trong kịch bản cơ sở, rủi ro giảm sâu được hạn chế bởi mức định giá thấp gần với vùng đáy 3 năm của các ngành vốn hóa lớn như Ngân hàng, BĐS, Tiêu dùng.

Trên đây là nhận định của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tại Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2024 với tựa "Năm bản lề cho vận hội mới" vừa công bố.

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ phục hồi 

VDSC cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ phục hồi dựa trên các kỳ vọng: 1) xuất khẩu cải thiện từ mức nền thấp, đặc biệt là mặt hàng công nghệ, 2) nhu cầu đầu tư và tiêu dùng cải thiện nhờ tác động trễ của chính sách tiền tệ, 3) tác động tiêu cực từ chu kỳ đi xuống của lĩnh vực bất động sản được hạn chế. Lạm phát năm 2024 kỳ vọng sẽ nhích tăng nhẹ do sự điều chỉnh giá của các mặt hàng do nhà nước kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng hồi phục.

Chứng khoán Rồng Việt: Năm 2024 kỳ vọng  VN-Index dao động 1.080 - 1.380 điểm- Ảnh 1.

Năm 2024 là năm cảm nhận tác động trễ các chính sách tài khoá và tiền tệ. VDSC nhận thấy không có nhiều dư địa để cắt giảm thêm lãi suất điều hành hay thúc đẩy mới ở khía cạnh tài khoá. Tác động của việc lãi suất huy động/cho vay giảm gắn với hiệu ứng lan toả tốt hơn của chính sách tài khoá là cơ sở để VDSC cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ cải thiện.

Bằng nhiều biện pháp từ Chính phủ và tư nhân, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua một năm tái cơ cấu nợ và tránh được sự đổ vỡ mang tính hệ thống.

"Chúng tôi chỉ có thể xác nhận rằng giai đoạn khó khăn nhất đã qua nhưng những trục trặc cũ vẫn chưa thoái lui. Năm 2024 vẫn sẽ là năm tích cực tái cấu trúc nợ vay, nhất là đối với doanh nghiệp bất động sản và tập đoàn tư nhân lớn", báo cáo nêu.

Mặt bằng lãi suất huy động có khả năng tăng trở lại cuối năm 2024 khi nhu cầu vốn phục hồi, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn cao và nhu cầu vay đầu tư phát triển và bù đắp bội chi ngân sách tăng.

Thị trường bất động sản sẽ có thêm một năm trầm lắng. Giải pháp xoay vòng vốn hiện tại có thể tránh nguy cơ vỡ nợ 'hiện hình' nhưng không giúp giải quyết bài toán tăng trưởng và dòng tiền mới cho các nhà phát triển bất động sản. Mặc dù lãi suất giảm có thể kích thích nhu cầu nhưng việc mất cân đối cung-cầu ở phân khúc nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận dân cư chưa thể giải quyết trong ngắn hạn.

Kinh tế thế giới năm 2024 có thể trải qua những bất ổn do tổn thất từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các NHTW lớn, các cuộc chiến tranh kéo dài và rủi ro địa chính trị leo thang. Tuy vậy, VDSC kỳ vọng quan điểm khác biệt trong triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed, thời điểm đảo chiều chính sách tiền tệ của ECB và BOJ sẽ tạo áp lực nhất định đối với vị thế của đồng USD. Điểm tích cực là áp lực mất giá tiền đồng không thực sự là rủi ro lớn trong năm 2024.

VDSC nhận thấy làn sóng trở lại của các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông qua kết quả thu hút FDI năm 2023. Trọng tâm của sự chuyển dịch là các lĩnh vực linh kiện điện tử, pin năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ và đáng chú ý hơn là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của Apple sang Việt Nam ngày càng rõ nét.

Lãi suất điều hành của Việt Nam khả năng cao sẽ bước vào một chu kỳ ổn định kéo dài mới 

Lần đầu tiên sau 2 năm tăng lãi suất, Fed, trong cuộc họp T12/2023 đã phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất trong năm 2024. Trong khi việc Fed giảm lãi suất chắc chắn sẽ xảy ra, thì vấn đề quan trọng là cách thức NHTW này cắt giảm lãi suất. Cắt giảm lãi suất chậm và chắc trong bối cảnh lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần, và tỷ lệ thất nghiệp được kiểm soát dưới 4%, là kỳ vọng trong kịch bản cơ sở của VDSC. Điều này củng cố sự ổn định không chỉb  của môi trường vĩ mô thế giới mà còn giảm áp lực điều hành tỷ giá của Việt Nam, và rộng hơn là chính sách tiền tệ.

Chứng khoán Rồng Việt: Năm 2024 kỳ vọng  VN-Index dao động 1.080 - 1.380 điểm- Ảnh 2.

VDSC tin rằng với bối cảnh trên, lãi suất điều hành của Việt Nam khả năng cao sẽ bước vào một chu kỳ ổn định kéo dài mới nhằm tạo môi trường thuận lợi cho kích thích tăng trưởng kinh tế. Quan trọng hơn, tăng trưởng tín dụng cần phải được đẩy mạnh một cách thực chất không chỉ để hiện thực hóa tăng trưởng và còn giúp giảm áp lực tỷ giá thông qua giảm chênh lệch lãi suất USD và VNĐ. Cùng với đó, bối cảnh thương mại cũng được kỳ vọng bớt u ám hơn khi có thể dần lấy lại tăng trưởng.

Trong những chu kỳ duy trì lãi suất điều hành trước như giai đoạn T3/2014 tới T9/2019 (Lãi suất tái chiết khấu 4,25-4,5%) và giai đoạn Covid (Lãi suất tái chiết khấu 2,5%), TTCK đều cho tỷ suất sinh lời tốt. Đáng chú ý, phần lớn mức sinh lời của những chu kỳ này nằm trong một số giai đoạn ngắn mà ẩn chứa sau đó là những câu chuyện lớn.

Trong năm 2023, Chính phủ đã cho thấy sự quyết tâm cao độ trong việc nâng hạng TTCK và đây là tín hiệu tốt để kỳ vọng rằng các hệ thống và cơ chế giao dịch chứng khoán, đáp ứng các tiêu chí cho việc nâng hạng, sẽ được đưa vào vận hành trong 2024. VDSC cho rằng đây là chất xúc tác đáng chú ý trong năm 2024.

Với kỳ vọng NHNN giữ nguyên quan điểm điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2024, đồng nghĩa với mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp một cách ổn định, Rồng Việt kỳ vọng thanh khoản TB phiên phần lớn trong khoảng 15.000 – 20.000 tỷ đồng, và lên tới 25.000 tỷ trong giai đoạn thị trường thuận lợi.

Hai kịch bản với thị trường chứng khoán Việt Nam

Dựa trên phân tích độ nhạy giữa định giá, thanh khoản và tăng trưởng lợi nhuận, vùng dao động kỳ vọng là 1.080 - 1.380. Trong kịch bản cơ sở, rủi ro giảm sâu được hạn chế bởi mức định giá thấp gần với vùng đáy 3 năm của các ngành vốn hóa lớn như Ngân hàng, BĐS, Tiêu dùng.

Rồng Việt đưa ra 2 kịch bản với thị trường chứng khoán Việt Nam: 

Kịch bản cơ sở: VN Index: 1.080 – 1.380

Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024 một cách lành mạnh trong bối cảnh kinh tế Mỹ không xảy ra suy thoái. DXY suy yếu tương ứng với diễn biến này, giúp giảm áp lực tỷ giá USD/VND.

Hoạt động XNK được cải thiện từ mức nền thấp của 2023.

Tín dụng trong nước khơi thông với tốc độ tăng trưởng mang tính thực chất và tốt hơn năm 2023. Nhờ đó, thị trường BĐS khó diễn biến tiêu cực hơn, mặc dù chưa thể sớm hồi phục ở các phân khúc mang tính đầu cơ cao.

Thành công trong việc vận hành KRX và chuyển đổi sang cơ chế CCP.

Thị trường sôi động hơn với nhiều thương vụ huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu ở nhóm Ngân hàng, BĐS (có thể nhằm thanh toán các nghĩa vụ trái phiếu), CTCK.

Định giá thấp gần với mức lịch sử 3 năm của nhóm CP vốn hóa lớn (Ngân hàng, BĐS) sẽ hạn chế rủi ro giảm giá sâu của thị trường. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12T các nhóm NHTM ổn định 5%-6%. Thanh khoản TB phiên phần lớn trong khoảng 15.000 – 20.000 tỷ đồng, và lên tới 25.000 tỷ trong giai đoạn thị trường thuận lợi.

Kịch bản tiêu cực: VN Index: 950-1.250

Kinh tế Mỹ, châu Âu rơi vào suy thoái với tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng. Fed cắt giảm mạnh tay hơn, gây tác động tiêu cực về tâm lý đầu tư trên thị trường thế giới do lo ngại khủng hoảng. Trong giai đoạn tiêu cực của TTCK thế giới, TTCK Việt Nam thường có mức độ tương quan cao.

Rủi ro địa chính trị ảnh hưởng chi phí logistics, gây áp lực lên lạm phát toàn cầu.

Trong trường hợp kinh tế Mỹ và châu Âu tránh được khủng hoảng, các động lực nội tại của nền kinh tế là nhân tố chính quyết định tới thị trường.

Vốn tín dụng khó đẩy ra ngoài thị trường do lo ngại nợ xấu của các DN BĐS, áp lực trả nợ trái phiếu quá hạn không được giải quyết.

Áp lực đáo hạn trái phiếu của các tập đoàn tư nhân lớn.

XNK tiếp tục trì trệ do niềm tin người tiêu dùng tại Mỹ và EU thấp.

Dòng tiền nhàn rỗi lựa chọn kênh đầu tư khác như vàng (triển vọng tăng giá trong bối cảnh địa chính trị rủi ro và sự suy yếu của USD khi Fed bắt đầu giảm lãi suất) hoặc tài sản là BĐS dân cư phục vụ nhu cầu ở thực (chung cư, nhà riêng nội đô).

Năm 2024, tăng trưởng dự phóng của tổng LNST toàn danh mục theo dõi của Rồng Việt là 24%. Đóng góp phần lớn vào lợi nhuận và tăng trưởng dự phóng là ngành Ngân hàng, chiếm 74% LNST 2024 toàn danh mục và tăng 22%. Theo sau về mức độ đóng góp lần lượt là ngành tiêu dùng thiết yếu (tăng trưởng dự phóng 15%) và NVL cơ bản (tăng trưởng 101%).

Định giá của những ngành có đóng góp lớn vào vốn hóa thị trường như Ngân hàng, BĐS, Tiêu dùng thiết yếu hiện đang giao dịch gần với mức thấp 3Y. Điều này cùng với tăng trưởng LNST 2024F sẽ giúp bảo vệ rủi ro giảm giá sâu của thị trường trong 2024.



O.L
Cùng chuyên mục