Chuyên gia dữ liệu tài chính: Nhiều động lực để “bơm tiền” kích thích kinh tế nhưng Việt Nam không làm

27/09/2022 14:53 GMT+7
Lạm phát đang trong tầm kiểm soát, Việt Nam có nhiều động lực để bơm tiền kích thích kinh tế, tuy nhiên chúng ta lại không làm như vậy vì lý do liên quan đến tỷ giá.

Đó là nhận định của ông Trần Ngọc Báu CEO WiGroup tại tọa đàm "Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới" do VietnamBiz tổ chức sáng nay 27/9.

Năm 2022, vĩ mô tích cực nhưng dòng tiền xấu

Dẫn thông tin dự phóng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022-2024 của các tổ chức lớn, ông Trần Ngọc Báu CEO WiGroup cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh năm 2022, tính trung bình các dự báo đạt khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với mức 5,7% vào năm 2021.

Trong kịch bản xấu hơn, tăng trưởng toàn cầu có thể chỉ ở mức 0-1%, suy thoái kinh tế là điều có thể diễn ra nhưng chưa có nhiều cơ sở. Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu diễn ra ở các nước phát triển nơi họ phải tăng lãi suất tương đối mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát.

Dự phóng kinh tế Việt Nam, tổng hợp từ các tổ chức uy tín cho thấy quý III sẽ tăng trưởng kỷ lục 13,8%, điều này sẽ kéo tăng trưởng cả năm.

Theo đó, có tổ chức dự báo tăng trưởng GDP cả năm cao nhất là 8,5%, thấp nhất là 7%, bình quân khoảng 7,8% - vẫn là mức tương đối cao so với trước khi Covid-19 diễn ra. Tuy nhiên kết quả này đạt được là do nền tảng cơ sở năm 2021 thấp.

Sang năm 2023 khi nền tăng trưởng năm 2022 cao cùng tăng trưởng kinh tế chậm lại toàn cầu thì tăng trưởng GDP Việt Nam dự kiến khoảng 6,8%, thấp hơn trước dịch Covid-19. "Các tổ chức lớn đều nhìn thấy sự tiêu cực trong bức tranh kinh tế 2023 của Việt Nam", ông Báu cho hay.

CEO WiGroup: Nhiều động lực để “bơm tiền” kích thích kinh tế nhưng Việt Nam không làm - Ảnh 1.

Nguồn: Vietnambiz

Cũng theo đánh giá của ông Báu, nền kinh tế vĩ mô năm 2022 của Việt Nam rất tích cực khi tăng trưởng tốt, lạm phát thấp; nhưng dòng tiền lại xấu do ngân hàng trung ương các nước tăng mạnh lãi suất và gây áp lực lên tỷ giá VND, dòng vốn chảy ra nước ngoài.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán biến động chủ yếu theo dòng tiền nên giá cổ phiếu 2022 diễn biến tiêu cực, thị trường bất động sản cũng đi xuống theo.

Về năm 2023, tình hình vĩ mô sẽ rất xấu khi tăng trưởng GDP chậm lại, xuống thấp hơn mức trước dịch, áp lực lạm phát lớn hơn so với 2022 - có thể lên tới 4,1%, tức là cao hơn mục tiêu 4% của Chính phủ. Tuy nhiên, áp lực hút ròng sẽ không còn mạnh, dòng tiền được kỳ vọng sẽ phục hồi dần.

Tại sao Việt Nam khó kích thích tăng trưởng kinh tế dù lạm phát thấp?

Nói về lạm phát năm 2022, một số tổ chức như Standard Chartered dự báo 4,2%; Chứng khoán VietinBank (CTS) dự báo 4,5%, HSBC ước tính 3,5%, ... Trung bình các dự báo là 3,8%. Theo quan điểm cá nhân của ông Báu, lạm phát của Việt Nam năm nay sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức 4% mục tiêu của Chính phủ.

Nguyên nhân, do giá dầu giảm mạnh, giá xăng giảm, làm mặt bằng chung chỉ số về giá giao thông vận tải giảm từ 123 xuống 102, tương đương mức giảm 15%. Đây là động lực kéo CPI xuống thấp, bớt gây áp lực lên lạm phát. Trong khi đó giá heo đã ngừng tăng, dự phóng tăng 6% từ nay đến cuối năm.

Giá xăng dự kiến về mức 20.000 đồng/lít nhờ các chính sách giảm thuế. Chỉ số giáo dục và vật liệu xây dựng sẽ chỉ tăng nhẹ. Do đó, ông Báu dự báo CPI năm nay chỉ tăng 3 - 3,3%.

Lạm phát đang trong tầm kiểm soát, Việt Nam có nhiều động lực để bơm tiền kích thích kinh tế, tuy nhiên chúng ta lại không làm như vậy vì lý do liên quan đến tỷ giá – theo ông Báu.

CEO WiGroup: Nhiều động lực để “bơm tiền” kích thích kinh tế nhưng Việt Nam không làm - Ảnh 2.

Ông Trần Ngọc Báu trình bày tại tọa đàm sáng 27/9. (Ảnh: Ban Tổ chức).

Phân tích thêm, vị này cho biết hiện lạm phát bình quân của các nước phát triển, tăng trung bình từ 2% vọt lên 8-10%. Đây là mức lạm phát rất cao. Để quay trở lại mức mục tiêu là 2% phải mất 1-2 năm nữa. Với viễn cảnh như vậy, các nước bắt buộc phải tìm nguyên nhân cốt lõi của lạm phát và tăng lãi suất để "hóa giải".

Mỹ là nước đầu tiên tăng lãi suất, từ 0-0,25% hồi đầu năm nay lên 3-3,25% vào giữa tháng 9. Từ giờ đến cuối năm, ông Báu dự báo mức lãi suất quỹ liên bang (Fed Fund Rate) ở mức 4,25%, tức là có thể còn hai đợt tăng lãi suất nữa, mỗi lần thêm khoảng 50 - 75 điểm cơ bản.

Thực tế, thế giới từng kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất vào năm 2023, tuy nhiên sau đợt tăng lãi suất vừa rồi cùng các bài phát biểu của Chủ tịch Fed, kỳ vọng về lãi suất đã lập tức thanh đổi. Fed giờ đây được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Việt Nam để ổn định tỷ giá cũng sẽ tăng lãi suất theo. Chỉ trong hai tháng mọi kỳ vọng của thị trường đã đảo lộn hoàn toàn và phải thừa nhận Fed sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao như này trong một năm nữa, không thể nhanh chóng nới lỏng. Chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ gây áp lực lớn đến tỷ giá các quốc gia khác.

Việt Nam đã dùng dự trữ ngoại hối để hạn chế đà giảm của VND so với USD. Tuy nhiên, Việt Nam còn cần duy trì dự trữ ngoại hối ở mức an toàn là đủ cho 3 tháng nhập khẩu. Vì vậy trong năm 2023, Việt Nam sẽ hỗ trợ tỷ giá bằng cách nâng thêm lãi suất - ông Báu dự báo.

Ông Trần Ngọc Báu - Giám đốc điều hành, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần WiGroup. Thành lập từ năm 2019, WiGroup là doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp giải pháp dữ liệu và tích dữ hợp dữ liệu công nghệ tài chính tại Việt Nam.

Theo giới thiệu, ông Báu có hơn 12 năm kinh nghiệm làm việc tại các bộ phận tư vấn, phân tích, đào tạo và quản lý tài sản tại các công ty chứng khoán, tổ chức đầu tư tài chính: CTCP chứng khoán Hồ Chí Minh, CTCP chứng khoán Bản Việt, NAKA Group,….

Ông Báu tốt nghiệp cử nhân trường Đại học Kinh Tế Luật - ĐHQGTPHCM, ông được biết đến là người tiên phong trong việc ứng dụng trực quan hoá dữ liệu tài chính tại Việt Nam.

Nhật Minh
Cùng chuyên mục