dd/mm/yyyy

Đến bản Sưng xem người Dao làm giấy dó

Nói đến giấy dó, người ta thường nhớ đến tranh làng Đông Hồ, đến những cuốn sách chữ Hán, chữ Nôm quý giá. Nhưng đến bản Sưng, Hòa Bình, bạn sẽ thấy nghề làm giấy dó của đồng bào người Dao.

Gặp người dân đem sản phẩm giấy dó, dướng đi trưng bày triển lãm tại Liên hoan làng du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng 2017 mới biết cây dó đã có một ý nghĩa mới, không chỉ giúp phục hồi một nghề truyền thống mà còn gợi mở những điều thú vị về ký ức của một cộng đồng luôn trân trọng chữ viết.

Người Dao ở bản Sưng đem giấy dó đến trưng bày tại liên hoan. Bùi Việt Phương
Người Dao ở bản Sưng đem giấy dó đến trưng bày tại liên hoan. (ảnh: Bùi Việt Phương)

Nói đến giấy dó, người ta thường nhớ đến những hình ảnh ngộ nghĩnh trong tranh làng Đông Hồ, đến những cuốn sách chữ Hán, chữ Nôm quý giá. Nhưng, chính ở những miền rừng núi xa xôi, bà con các dân tộc thiểu số cũng tìm ra những cách seo giấy dó để ghi lại một phần lịch sử quan trọng của dân tộc mình mà chuyện phục hồi nghề làm giấy dó của đồng bào người Dao, bản Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình là một ví dụ như thế.

Lâu nay, người dân thường lấy cây dó (và cả cây dướng) mọc trong các khu rừng về làm thức ăn cho lợn, hoặc bán rẻ cho thương lái. Kể từ khi có sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể về tập huấn, kỹ thuật; hỗ trợ thành lập tổ nhóm mô hình, hỗ trợ các vật dụng cho nhóm thực hiện và đặc biệt là việc quan tâm hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nên nghề làm giấy dó của người dân bản Sưng đã phục hồi, phát triển. Ngoài sản phẩm giấy truyền thống, một số doanh nghiệp đã thiết kế mẫu mã, tạo ra các sản phẩm nghề truyền thống: Như hoa tai, sổ tay, bưu thiếp, đèn lồng… để bán cho khách du lịch.

Cây dó, cây dướng được bà con người Dao lấy từ rừng về, tước hết lớp vỏ chỉ còn lại thân trắng, đem ngâm nước suối qua một ngày, một đêm cho thân cây ngấm nước trở nên mềm hơn.

Thân gió mềm được luộc khá lâu, người ta thường bỏ vào nồi luộc chút vôi để tạo độ trắng và giúp thân cây nhanh nhừ. Đến khi dó được vớt ra, phải rửa lại thật sạch trước khi được giã bằng chày.
Thường thì, người dân hay dùng nước javen (loại nước vẫn được dùng để tẩy trắng vải, sợi, giấy) để ngâm chừng một đêm. Sau khi ngâm, dó có màu trắng hơn và dễ dàng nhận ra những chất bẩn còn sót lại.

Khi seo giấy, bà con ở đây cũng dùng “liềm seo” làm từ mành mỏng và nhỏ (mành trúc, nứa hay dây đồng ken dày) chao đi, chao lại trong bể bột giấy. Người seo phải thật khéo léo để bột không nhiều quá hay ít quá. Bột gió và chất kết dính sẽ đọng lại trên mành, sau khi phơi dưới nắng chừng hai ngày, giấy dó sẽ khô và dai.

Cùng phát triển du lịch cộng đồng, ở bản Sưng còn phát huy lợi thế hình thức homestay, kết hợp với nghề làm giấy dó, tạo ra sức hút du khách cho nơi này.

Giấy dó đã thực sự trở thành nghề truyền thống ở bản Sưng, đem lại giá trị cả về vật chất và tinh thần, đến với du khách nhiều hơn, gợi nhớ đến những cuốn sách quý, đến ký ức của người dao trong lịch sử chinh phục thiên nhiên và làm chủ miền đất này.

Phương Mai