dd/mm/yyyy

Dịch Covid: TP.HCM đóng cửa chợ đầu mối, rau Đà Lạt ùn ứ

Do dịch bệnh Covid-19, TP.HCM đóng cửa các chợ đầu mối dẫn đến lượng lớn nông sản từ Đà Lạt không có điểm tiêu thụ, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.

Ùn ứ

Kể từ ngày 9/7, TP.HCM thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch bệnh Covid-19 nên các chợ đầu mối tại đây như Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức… phải đóng cửa. Việc này đã dẫn đến tình trạng nông sản của Lâm Đồng cung cấp cho thị trường này không có đầu ra, gây thiệt hại nặng cho nông dân.

Dịch Covid: TP.HCM đóng cửa chợ đầu mối, rau Đà Lạt ùn ứ - Ảnh 1.

TP.HCM đóng cửa các chợ đầu mối khiến nhiều nhà vườn trồng rau Lâm Đồng lâm cảnh lao đao. Ảnh: Minh Hậu.

Bà Đặng Thị Oanh (ngụ phường 7, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết, gia đình bà hợp đồng thuê khu vườn 2.000m2 với một hộ dân và đầu tư nhà lưới, nhà kính sản xuất các loại rau ăn lá như cải bó xôi, tần ô, bắp cải...

Trước thời điểm xảy ra dịch bệnh, mỗi ngày, gia đình bà cung cấp cho đối tác ở chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) khoảng 1 tấn nông sản. Tuy nhiên, hiện nay, TP.HCM đóng cửa chợ này đã khiến các sản phẩm rau của gia đình bà không thể tiêu thụ.

"Rau đến ngày thu hoạch nhưng không xuất bán được nên cứ già úa trên vườn. Trước đến nay gia đình làm việc với các đối tác lớn ở chợ đầu mối nên giờ họ ngưng mình cũng phải chịu. Không có kênh tiêu thụ nên gia đình gọi các tổ chức từ thiện ở Đà Lạt đến thu hái để chuyển cho người dân”, bà Đặng Thị Oanh nói và cho biết thêm, việc tìm kiếm đơn hàng với số lượng lớn ở các thị trường, đặc biệt thị trường TP.HCM trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát là điều vô cùng khó khăn.

Chung cảnh ngộ, vườn xà lách cô rôn 5.000m2 của gia đình bà Nguyễn Thu Hằng ở đường Thánh Mẫu (phường 7, TP Đà Lạt) đến ngày thu hoạch nhưng không có đầu ra.

Theo nông dân này, gia đình bà hợp đồng với một cơ sở chuyên cung cấp rau cho thị trường TP.HCM nhưng kể từ ngày 9/7, đơn vị thu mua thông báo tạm ngưng nhập hàng.

Do vậy, khoảng 20 tấn rau thương phẩm đến nay chủ vườn vẫn chưa biết cho “đi đâu về đâu”. Ngoài ra, các loại rau khác như tần ô, bắp cải cũng không có thị trường tiêu thụ.

“Không bán được rau nên vụ này gia đình lỗ khoảng 50-70 triệu đồng”, bà Nguyễn Thu Hằng buồn bã thổ lộ.

Hàng siêu thị tăng song vận chuyển chậm

Trong khi các nhà vườn sản xuất rau cho các đối tác phục vụ chợ đầu mối không có đầu ra thì các hộ dân sản xuất rau cung cấp hệ thống siêu thị lại có được đơn hàng vượt hợp đồng.

Ông Lê Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã An Phú (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) cho hay, chuỗi cung ứng giữa hợp tác xã và các hệ thống siêu thị tại TP.HCM vẫn được duy trì đều đặn. Giá theo hợp đồng không thay đổi nhưng hợp tác xã có lượng đơn hàng tăng từ 10-20% so với thời điểm thành phố này chưa thực hiện các biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16.

Dịch Covid: TP.HCM đóng cửa chợ đầu mối, rau Đà Lạt ùn ứ - Ảnh 2.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thịnh ở phường 7, TP Đà Lạt thu hoạch cải bó xôi cung cấp cho siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: Minh Hậu.

“Nhìn mặt bằng tổng thể thì người dân sản xuất rau ở Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương gặp rất nhiều khó khăn do chợ đầu mối ở TP.HCM đóng cửa. Riêng hợp tác xã An Phú làm việc, sản xuất theo chuỗi liên kết, nguồn tiêu thụ chủ yếu ở các siêu thị nên không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vấn đề vận chuyển hàng hóa giữa 2 vùng đang gặp nhiều khó khăn. Nguồn hàng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ bị chậm”, ông Lê Văn Ba cho biết.

Cũng theo ông Ba, trước đây, việc vận chuyển nông sản từ Lâm Đồng về TP.HCM chỉ mất khoảng 7-8 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, do vấn đề dịch bệnh, nhiều cơ quan tổ chức kiểm soát y tế nên mạch vận chuyển bị gián đoạn khiến thời gian hành trình bị đẩy lên thành 12-15 giờ, thậm chí hơn.

Việc hàng hóa mà đặc biệt là rau củ vận chuyển chậm đã xảy ra nhiều hệ lụy. Trong đó bao gồm chất lượng nông sản bị ảnh hưởng, nguồn cung không kịp nhu cầu dẫn đến thị trường bất ổn, giá cả tăng cao.

Ông nói: “Bây giờ rau có chỗ không bán được, cho không ai lấy nhưng có chỗ mua không ra. Giá cả thị trường cũng loạn lên”.

Ông Phan Thông, Giám đốc Công ty Thông Phượng (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), một doanh nghiệp chuyên cung cấp nông sản cho các hệ thống siêu thị ở thị trường TP.HCM cũng cho hay, thời gian vận chuyển đang là mối lo đối với doanh nghiệp. Việc cơ quan y tế các địa phương áp dụng biện pháp khai báo y tế đã vô tình dẫn đến tình trạng xe ùn ứ qua trạm. Do vậy, doanh nghiệp này đã chủ động làm việc với đối tác để chuyển lịch trình các chuyến ở giờ cao điểm vào giờ thấp điểm.

“Bây giờ chúng tôi tổ chức vận chuyển vào 2h sáng hàng ngày và khi xuống chốt thì kiểm tra rất nhanh do còn ít phương tiện”, ông Thông nói.

Dịch Covid: TP.HCM đóng cửa chợ đầu mối, rau Đà Lạt ùn ứ - Ảnh 3.

Tài xế Nguyễn Viết Cao Hùng với giấy xét nghiệm âm tính mới được cấp. Ảnh: Minh Hậu.

Theo chủ doanh nghiệp vận tải này, hiện nay, các hệ thống siêu thị ở TP.HCM đã nâng lượng hàng vượt khung hợp đồng. Trước thời điểm TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, mỗi ngày, doanh nghiệp cung ứng cho các siêu thị từ 2-2,5 tấn rau/ngày còn hiện tại tăng lên 4-4,5 tấn rau/ngày.

Ở phương diện người sản xuất, những hộ dân nằm trong chuỗi liên kết với các siêu thị có đầu ra thuận lợi nhưng giá lại sụt giảm.

Ông Nguyễn Văn Thịnh (ngụ phường 7, TP Đà Lạt) cho hay, gia đình ông trồng 1ha cải bó xôi với tổng vốn đầu tư khoảng gần 100 triệu đồng. Hiện tại, gia đình thu hoạch từ 500-700kg/ngày và cung cấp cho các siêu thị ở TP.HCM. Tuy việc mua bán vẫn êm thấm nhưng giá chỉ ở mức 10.000 đồng/kg trong khi trước đây là 20.000 đồng/kg.

Cần có biện pháp khai thông hàng hóa

Trước thực trạng hàng hóa bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, bà Đặng Thị Oanh cho rằng, việc giãn cách xã hội là cần thiết song cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp để khai thông hàng hóa. Bà cho rằng, cơ quan chức năng TP.HCM cần mở 1 trong các chợ đầu mối với các biện pháp kiểm soát y tế đặc biệt, hữu hiệu.

Dịch Covid: TP.HCM đóng cửa chợ đầu mối, rau Đà Lạt ùn ứ - Ảnh 4.

Chợ đầu mối ở TP.HCM đóng cửa nên nhiều nhà vườn ở Đà Lạt bí đầu ra. Ảnh: Minh Hậu.

Trong khi đó, ông Lê Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã An Phú cũng cho rằng, vùng giãn cách vẫn phải thực hiện nhưng cần phải có một tuyến riêng để đảm bảo cho việc thu hoạch và vận chuyển nông sản. Các hoạt động giao thương giữa vùng này và vùng kia phải được khai thông để đảm bảo cung cầu. Đối với các chốt kiểm soát dịch bệnh thì cần có biện pháp tối ưu hơn, ưu tiên cho các xe vận chuyển hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng lưu thông.

Anh Nguyễn Viết Cao Hùng, người lái xe tải chở rau từ Đà Lạt về thị trường TP.HCM cho biết, cứ 3 ngày anh phải đến cơ quan y tế xét nghiệm để lấy Giấy giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Mỗi lần như vậy, anh phải bỏ số tiền từ 240.000-350.000đồng.

Anh chia sẻ: “Có lúc chạy từ TP.HCM lên thì hết hạn giấy xét nghiệm nên phải đến trung tâm y tế làm lại. Khi làm được giấy thì hàng chưa gom đủ hoặc bị gián đoạn nên phải nằm suốt 2-3 ngày để chờ. Bỏ tiền ra xét nghiệm nhưng xe không chạy, không được chi trả thù lao mà chủ hàng không trả phí xét nghiệm nên rất tốn kém. Vậy nên những người tài xế như chúng tôi rất mong các cơ quan y tế cần thực hiện biện pháp khác để hỗ trợ”.

Chuỗi cung ứng rau ở vùng dịch vẫn đảm bảo

Huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) là vùng sản xuất rau, củ, quả lớn ở Lâm Đồng. Địa phương này hiện ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 và một số điểm phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tình hình dịch bệnh căng thẳng song việc sản xuất và tiêu thụ nông sản tại đây vẫn được đảm bảo. Bà Nguyễn Thị Bé, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương, cho biết, việc sản xuất, vận chuyển và các hoạt động khác vẫn diễn ra bình thường.

Minh Hậu