Doanh nghiệp Việt đã “chiếm lại” thị trường bán lẻ nội địa thế nào?

08/07/2021 06:30 GMT+7
Sau quãng thời gian dài bị các thương hiệu thương hiệu lớn của thế giới chiếm lĩnh thị trường nội địa. Vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã dần lấy lại thị trường bán lẻ trong nước.

Ngay ngày đầu tiên của tháng 7/2021, sau 8 năm hoạt động, siêu thị Lotte Mart Đống Đa đã bất ngờ ra thông báo ngừng kinh doanh. Trước đó, nhiều thương hiệu bán lẻ ngoại cũng đã dừng hoạt động tại Việt Nam.

Cụ thể, cuối tháng 5/2021, siêu thị Emart (Hàn Quốc) sau hơn 5 năm kinh doanh ở Việt Nam đã phải dừng hoạt động. Từ giữa năm 2018, hệ thống siêu thị Auchan (Pháp) cũng đã rút khỏi thị trường Việt Nam.

Xa hơn nữa, từ năm 2016, sau 8 năm đi vào hoạt động, Trung tâm thương mại Parkson Thái Hà (tập đoàn bán lẻ Malaysia) chính thức đóng cửa địa điểm. Tương tự, từ năm 2005, nhưng chuỗi bán lẻ Shop&Go cũng thông báo rút khỏi thị trường, bán 87 cửa hàng với giá 1 USD cho Vingroup.

Doanh nghiệp Việt đã “chiếm lại” thị trường bán lẻ nội địa thế nào? - Ảnh 1.

Trong vòng hơn 3 năm qua, doanh nghiệp Việt đã dần lấy lại được thị trường bán lẻ nội địa. (Ảnh: TTXVN)

Lý do được đại diện Shop&Go đưa ra là do "thị trường bán lẻ Việt Nam dù còn nhiều tiềm năng khai thác nhưng cuộc cạnh tranh quá khốc liệt".

Đánh giá về những diễn biến nói trên của thị trường bán lẻ, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) Vũ Thị Hậu cho rằng, nguyên nhân là do mô hình kinh doanh của doanh nghiệp quốc tế khá đơn điệu, không phù hợp với thị trường Việt Nam.

Điển hình, hệ thống siêu thị Parkson chỉ hướng tới khách hàng cao cấp trong nhiều năm. Chính việc tự giới hạn phạm vi kinh doanh khiến tình trạng đóng cửa khi nhu cầu thay đổi, suy giảm là điều khó tránh khỏi.

Ngoài ra, đại diện AVR ví dụ thêm, hệ thống siêu thị Auchan có đến 18 điểm tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tây Ninh. Tuy nhiên, các siêu thị này thường nằm ở trong tòa nhà, khu chung cư nên không định vị được sự khác biệt thương hiệu để người tiêu dùng biết đến.

Tuy doanh nghiệp nội đã và đang chiếm lại thị trường bán lẻ trong nước, tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, ngành kinh tế này vẫn ẩn chứa nhiều "nút thắt" dẫn tới việc chậm phát triển.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhận định, nút thắt lớn nhất, đó là sản xuất nội địa chưa gắn kết với hệ thống phân phối một cách chặt chẽ.

"Hiện nay sức sản xuất các mặt hàng Việt ở trong nước, nhất là hàng nông sản thực phẩm rất lớn, có đủ sức để phục vụ tiêu dùng nhưng hệ thống phân phối bao gồm 9000 chợ dân sinh và chợ đầu mối, 800 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 4000 cửa hàng tự chọn, siêu thị mini tuy số lượng màng lưới tiêu thụ phát triển trong nhiều năm nay là khá lớn song vẫn chưa là trợ thủ đắc lực để đảm bảo đầu ra cho nguồn cung hàng hóa đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn nhiều năm trước.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này làm cho hàng hóa có lúc dư thừa, phải đổ bỏ hoặc bán dưới giá thành thua lỗ, trong khi đó, người tiêu dùng lại phải mua lẻ các mặt hàng với mức giá cao vô lý", ông Phú đánh giá.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 5.059 ngàn tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2021 đạt 2.086 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến đến năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 11 triệu tỷ đồng, đây là "mỏ vàng" cho doanh nghiệp bán lẻ khai thác.


Thanh Phong
Cùng chuyên mục