dd/mm/yyyy

Giá cao su tiếp tục được dự báo lình xình ở mức thấp, kinh doanh khó khăn

Năm 2024 được dự báo có nhiều khó khăn đối với hoạt động của ngành sản xuất cao su. Cụ thể, giá bán mủ cao su vẫn ở mức thấp và khó dự đoán; gỗ, sản phẩm từ gỗ cao su dự báo tiếp tục khó khăn, giá bán có xu thế tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn…

Giá cao su được dự báo vẫn ở mức thấp 

Thị trường cao su thế giới đang bị tác động bởi lo ngại nhu cầu yếu tại Trung Quốc. Giá cao su châu Á biến động không đồng nhất, xu hướng tăng diễn ra ở sàn Trung Quốc và Thái Lan, trong khi Nhật Bản lại suy giảm.

Trong 10 ngày giữa tháng 12, giá cao su tại thị trường châu Á biến động trái chiều. Giá mặt hàng này giảm tại Nhật Bản, trong khi tăng tại Thượng Hải và Thái Lan.

Thị trường cao su thế giới đang bị tác động bởi lo ngại nhu cầu yếu tại Trung Quốc. Một số chuyên gia nhận định rằng kinh tế Trung Quốc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gặp một số trở ngại do nhu cầu bên ngoài yếu, thách thức trong lĩnh vực bất động sản và nợ của chính quyền địa phương.

Tại sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), chốt phiên giao dịch ngày 18/12, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 231,6 yên/kg (tương đương 1,63 USD/kg), giảm 2% so với 10 ngày trước đó, nhưng vẫn tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại sàn SHFE Thượng Hải, ngày 18/12, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 13.440 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1,88 USD/ kg), nhích nhẹ so với 10 ngày trước đó và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến ngày 10/12, tổng tồn kho cao su tự nhiên tại khu ngoại quan và thương mại tổng hợp tại Thanh Đảo đạt 676.100 tấn, giảm 9.700 tấn so với kỳ trước. Trong đó, tồn kho tại khu ngoại quan là 112.500 tấn, tồn kho thương mại tổng hợp là 563.600 tấn.

Tại Thái Lan, ngày 18/12 giá cao su RSS3 chào bán ở mức 58,43 baht/kg (tương đương 1,67 USD/kg), tăng 1% so với 10 ngày trước đó và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Việt Nam, giá mủ cao su nguyên liệu trong 10 ngày giữa tháng 12 không có nhiều biến động. Giá thu mua tại một số công ty giữ ổn định ở mức 270-312 đồng/TSC.

Trong tháng 11, bình quân giá cao su xuất khẩu đạt 1.372 USD/tấn, tăng 2% so với tháng 10 và đi ngang so với tháng 11/2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, bình quân giá cao su xuất khẩu đạt 1.342 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.

Giá cao su tiếp tục được dự báo lình xình ở mức thấp, kinh doanh khó khăn - Ảnh 1.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan (TCHQ), xuất khẩu cao su của Việt Nam 11 tháng năm 2023 đạt 1,87 triệu tấn, tương đương 2,52 tỷ USD, giá trung bình 1.343,8 USD/tấn, tăng 0,01% về lượng, nhưng kim ngạch giảm 14,7% và giá giảm 14,7% so với 11 tháng năm 2022.

Riêng tháng 11/2023 xuất khẩu cao su đạt 253.315 tấn, trị giá 348,44 triệu USD, giá trung bình 1.375,5 USD/tấn, tăng 16% về lượng, tăng 18,6% về kim ngạch và tăng 2,2% về giá so với tháng 10/2023; còn so với tháng 11/2022 giảm 0,08% về lượng nhưng tăng 1,3% về kim ngạch và tăng 1,4% về giá.

Trung Quốc luôn là thị trường chủ đạo xuất khẩu cao su của Việt Nam, chiếm 79,2% trong tổng khối lượng và chiếm 78% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 1,48 triệu tấn, tương đương gần 1,97 tỷ USD, giá 1.324,5 USD/tấn, tăng 7,9% về lượng, nhưng giảm 5,8% kim ngạch và giảm 12,7% về giá so với 11 tháng năm 2022. Riêng tháng 11/2023, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 209.104 tấn, trị giá 284,51 triệu USD, giá 1.360,6 USD/tấn, tăng 16,3% về lượng, tăng 18,3% về trị giá và tăng 1,8% về giá so với tháng 10/2023; còn so với tháng 11/2022 tăng 0,03% về lượng, tăng 2,6% về kim ngạch và tăng 2,5% về giá.

Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là thị trường Ấn Độ giảm 12,% về lượng, giảm 29% kim ngạch và giảm 19,2% về giá, đạt 100.068 tấn, tương đương 138,27 triệu USD, giá 1.381,7 USD/tấn; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 1,8% về lượng nhưng giảm 12,6% về kim ngạch và giảm 14% về giá, đạt 44.927 tấn, tương đương 65,3 triệu USD, giá 1.453,5 USD/tấn.

Nhìn chung, xuất khẩu cao su sang hầu hết các thị trường 11 tháng năm 2023 đều sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Giá cao su tiếp tục được dự báo lình xình ở mức thấp, kinh doanh khó khăn - Ảnh 2.

Năm 2024 được dự báo có nhiều khó khăn đối với hoạt động của ngành sản xuất cao su.

Báo cáo tổng kết tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) mới đây cho biết, năm 2024 được dự báo có nhiều khó khăn đối với hoạt động của ngành sản xuất cao su. Cụ thể, giá bán mủ cao su vẫn ở mức thấp và khó dự đoán; gỗ, sản phẩm từ gỗ cao su dự báo tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản trong nước và suy thoái kinh tế của các nước lớn nên nhu cầu, giá bán có xu thế tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn…

Vì thế, trong kế hoạch năm 2024 của VRG vẫn xác định tiềm ẩn rủi ro do chưa thể dự báo chính xác các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng gồm giá bán mủ cao su, rủi ro tỷ giá, khó khăn về cơ chế, chính sách khi trả đất về địa phương và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su… Doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 4.104 tỷ đồng, còn doanh thu của công ty mẹ là 3.988 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.454 tỷ đồng, cao hơn một chút so với năm 2023.

Nguyễn Phương