dd/mm/yyyy

Giá cao su tăng, nhiều doanh nghiệp cao su vẫn báo lãi giảm mạnh

Giá cao su tự nhiên tăng trở lại kể từ giữa tháng 8/2023 và tiếp tục tăng trong tháng 10/2023. Đà tăng của giá cao su được hỗ trợ nhờ các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc dần khởi sắc, giúp giảm tồn kho cao su. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cao su lại báo lãi giảm mạnh quý III...

Nhiều doanh nghiệp cao su báo lãi giảm mạnh quý III 

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) cho biết quý III, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đã bị thu hẹp từ 27% cùng kỳ về 19,9% quý này do giá cả nhiều mặt hàng đầu vào tăng mạnh. 

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của các công ty liên doanh liên kết thua lỗ khiến lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) giảm 63%. Đây cũng là quý có lãi ròng thấp nhất kể từ quý I/2020 của tập đoàn.

Cụ thể: Doanh thu thuần quý III/2023 của GVR đạt 6.195 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán của doanh nghiệp tăng 16%, lên mức 4.960 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng vì vậy chỉ còn 1.234 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp tăng 22%, lên mức 284 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng giảm 23%, còn 117 tỷ đồng.

Trong quý, GVR ghi nhận khoản lỗ 268 tỷ đồng từ các công ty liên kết, trong khi cùng kỳ lãi 47 tỷ đồng. Điều này góp phần làm giảm tổng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp chỉ còn đạt 622 tỷ đồng, giảm 47%.

Khấu trừ các khoản chi phí thuế, lợi nhuận sau thuế của GVR còn đạt 493 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, GVR mang về 14.448 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.953 tỷ đồng, giảm 43% so với mức 3.487 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Giá cao su tăng, nhiều doanh nghiệp cao su vẫn báo lãi giảm mạnh  - Ảnh 1.

CTCP Cao su Đồng Phú (Mã: DPR) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ròng giảm sút, lần lượt 16% và 56% do giá vốn hàng bán tăng mạnh. 

Lũy kế 9 tháng, Cao su Đồng Phú đạt 612 tỷ đồng doanh thu và gần 155 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 27% và 28,5% so với cùng kỳ năm trước. 

So với kế hoạch 820 tỷ đồng doanh thu và 220 tỷ lợi nhuận sau thuế cả năm, DPR đã thực hiện được 74,6% và 70,5%.

Tương tự, lợi nhuận ròng của Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) cũng đi xuống, nhưng chỉ giảm 0,3% so với cùng kỳ nhờ có thêm doanh thu từ hoạt động tài chính và lãi trong công ty liên doanh liên kết (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên).

Trong nhóm doanh nghiệp được thống kê, Cao su Sông Bé (Mã: SBR) lỗ ròng hơn 4,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 1,2 tỷ đồng. Dù vậy mức lỗ này đã giảm so với quý II/2023.

Có quy mô lớn và được đánh giá là có nhiều tiềm năng tăng trưởng khi là đối tác thân thiết của thị trường Mỹ và hơn 30 nước khắp thế giới nhưng tình hình kỳ này của Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (HSX: DRC) không như kỳ vọng. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Cao su Đà Nẵng đạt 1.180 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động tài chính quý III tăng 5% lên 11,6 tỷ đồng. Chi phí tài chính kỳ này giảm 33% còn 17,7 tỷ đồng. Kết thúc quý III/2023, Cao su Đà Nẵng báo lãi sau thuế đạt 75,7 tỷ đồng giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu ở mức 3.531 tỷ đồng giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng, giảm 33% so với quý III/2022. Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 đạt 330 tỷ đồng, Cao su Đà Nẵng mới thực hiện được 56% kế hoạch năm.

Cùng nhóm giảm lợi nhuận, nhưng Công ty cổ phần Cao su Bến Thành (HSX: BRC) đã báo doanh thu tăng trưởng trong quý này. Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý III/2023 đạt 97,8 tỷ đồng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán của công ty trong giai đoạn này cũng tăng mạnh từ 67,8 tỷ đồng lên 77 tỷ đồng, tương ứng tăng 13,6%. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 6,7 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với cùng kỳ.

Kết quả lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, công ty đạt doanh thu thuần 245 tỷ đồng, giảm so với 248 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 51,6 tỷ đồng, giảm 8,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 14 tỷ đồng, giảm gần 10,3% so với cùng kỳ. Với kế hoạch doanh thu cả năm đạt 329 tỷ công ty đã hoàn thành 74% kế hoạch năm.

Quý III/2023, giá cao su trên thị trường thế giới phục hồi so với quý trước

Trong quý III/2023, giá cao su thế giới phục hồi so với quý trước. Giá cao su tự nhiên tăng trở lại kể từ giữa tháng 8/2023 và tiếp tục tăng trong tháng 10/2023. Đà tăng của giá cao su được hỗ trợ nhờ các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc dần khởi sắc, giúp giảm tồn kho cao su. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc có nhiều chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện, cũng tác động tích cực lên tổng cầu cao su. Trong khi đó, xuất khẩu săm lốp của Trung Quốc có xu hướng tăng cả về sản lượng và giá, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu cao su tăng trong 3 quý đầu năm 2023. 

Giá cao su thế giới vẫn được kỳ vọng sẽ giữ ở mức cao từ nay cho đến cuối năm, nhờ giá dầu đứng ở mức cao, nhu cầu hồi phục từ Trung Quốc. 

Trong tháng 10/2023, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tại châu Á có nhiều biến động, mặc dù giảm trong mấy phiên gần đây, nhưng so với tháng trước giá vẫn tăng mạnh.

Giá cao su tăng, nhiều doanh nghiệp cao su vẫn báo lãi giảm mạnh  - Ảnh 2.

Trong quý III/2023, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước cũng có nhiều biến động, giá có xu hướng tăng theo xu hướng của thị trường quốc tế. Xu hướng tăng tiếp tục diễn ra trong tháng 10/2023 nhờ triển vọng của các biện pháp kích thích kinh tế mới tại Nhật Bản và Trung Quốc. 

Trong tháng 10/2023, tại các công ty cao su, giá mủ nước đang được thu mua trong khoảng 265- 310 đồng/độ. Trong đó, Công ty Cao su Phú Riềng thu mua ở mức 285-305 đồng/độ, tăng 20 đồng/độ so với tháng 9/2023. Công ty Cao su Phước Hòa thu mua ở mức 308-310 đồng/độ, tăng 15 đồng/độ so với tháng 9/2023. Công ty Cao su Bình Long thu mua ở mức 265-275 đồng/độ. Công ty Cao su Bà Rịa thu mua ở mức 285-295 đồng/độ, tăng 20 đồng/độ so với tháng 9/2023. 

Trong 2 tháng gần đây, giá cao su phục hồi hỗ trợ đáng kể hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Dự báo, trong quý tới, ngành cao su sẽ dần khởi sắc do nhu cầu từ các thị trường lớn phục hồi, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, giúp giá cao su tăng trong bối cảnh giá dầu có khả năng neo ở mức cao. 

Trước những lợi thế về giá và nhu cầu rõ ràng như hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su của Việt Nam cần có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Cùng với đó, các doanh nghiệp nên chủ động tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu cao su từ nay đến cuối năm được kỳ vọng sẽ cải thiện cả về lượng và giá trị.

Trong quý III/2023, xuất khẩu cao su liên tục tăng trưởng về khối lượng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên do giá xuất khẩu giảm mạnh, nên trị giá vẫn luôn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý III/2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 635,41 nghìn tấn, trị giá 825,68 triệu USD, tăng 65,5% về lượng và tăng 59,5% về trị giá so với quý II/2023; So với quý III/2022 tăng 4,2% về lượng, nhưng giảm 11,4% về trị giá do giá cao su xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước.

Về giá xuất khẩu: Trong quý III/2023, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su vần ở mức thấp và tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó giảm mạnh nhất là: Skim block giảm 26%; SVR CV40 giảm 22,6%; Latex giảm 19,8%; RSS3 giảm 19,3%; RSS1 giảm 18,3%; SVR CV50 giảm 18,2%; SVR 10 giảm 17,1%; SVR CV60 giảm 15,6%; SVR 3L giảm 14,6%; Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) giảm 13,9%...

Đây cũng là lý do khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sản xuất cao su sụt giảm mạnh.


Nguyễn Phương