dd/mm/yyyy

Giám sát đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Huyện Tân Uyên (Lai Châu) cần làm tố thơn nữa công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong nhiệm kỳ tới là những đánh giá của đoàn giám sát HĐND tỉnh Lai Châu.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Theo đó, ngày 19/4, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do ông Đào Xuân Huyên, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội làm Trưởng đoàn đã giám sát về thực hiện chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và công tác hỗ trợ xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện Tân Uyên từ năm 2020 - 2022.

Thực hiện chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và công tác hỗ trợ xuất khẩu lao động trên địa bàn, UBND huyện Tân Uyên đã ban hành đầy đủ các văn bản lãnh, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các chính sách đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, thực hiện.

Giám sát đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn - Ảnh 1.

Tiếp và làm việc với đoàn giám sát về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn về phía huyện Tân Uyên có đồng chí Lò Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban liên quan, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện và đại diện lãnh đạo 2 xã: Pắc Ta, Phúc Khoa. Ảnh Tuấn Hùng

Đôn đốc, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc, xuất khẩu lao động được thực hiện với nhiều hình thức.

UBND huyện đã giao Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở 98 lớp/2.960 học viên, đạt 102% chỉ tiêu, trong đó nghề nông nghiệp: 63 lớp/1.960 học viên; nghề phi nông nghiệp: 35 lớp/1.000 học viên.

Thông qua các lớp đào tạo nghề, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân có sự chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.

Người lao động đã dần biết chuyển đổi và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Học viên cơ bản có việc làm ổn định sau khi được đào tạo nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo; các mô hình thực hành phát triển tương đối đảm bảo, được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Công tác xuất khẩu lao động đã tạo điều kiện cho người lao động có việc làm có thu nhập cao; sau khi về nước đã biết áp dụng kiến thức học được, sử dụng nguồn vốn hợp lý để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Thị trường tiếp nhận lao động ngày càng được mở rộng. Người lao động có ý thức hơn trong việc chủ động học tập, nâng cao trình độ tay nghề, ngoại ngữ, rèn luyện thể lực nên tỷ lệ trúng tuyển được người sử dụng lao động lựa chọn tăng cao.

Giám sát đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn - Ảnh 2.

Ông Lò Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, Lai Châu có ý kiến với Đoàn giám sát về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh Tuấn Hùng

Tuy nhiên, năm 2020, 2021 tiến độ khai giảng các lớp học còn chậm so với kế hoạch. Một số lao động sau khi học nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm theo đúng ngành nghề đào tạo.

Việc nhân rộng phát triển các mô hình sau đào tạo chưa rõ nét, hiệu quả còn thấp. Việc áp dụng ngành nghề được đào tạo vào thực tiễn còn hạn chế. Công tác xuất khẩu lao động tuy đạt kế hoạch chỉ tiêu giao nhưng số lượng chưa nhiều…

Giải quyết khó khăn trong đào tạo nghề… cho lao động nông thôn

Trên cơ sở đó, huyện Tân Uyên đề nghị UBND tỉnh Lai Châu sớm có văn bản hướng dẫn về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục quan tâm đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế để tạo việc làm trong tỉnh cho người lao động, đào tạo sát với Nghị quyết HĐND tỉnh và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đề nghị huyện làm rõ các chỉ tiêu đào tạo nghề, công tác kiểm tra, giám sát, số lượng lao động xuất khẩu; định hướng nghề nghiệp cho học sinh bậc THCS… Lãnh đạo UBND huyện Tân Uyên và đại diện lãnh đạo các phòng, ban đã giải trình các ý kiến mà Đoàn giám sát quan tâm.

Giám sát đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nầng cao hơn nữa công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại huyện Tân Uyên, Lai Châu trong thời gian tới. Ảnh Tuấn Hùng

Kết luận buổi giám sát, ông Đào Xuân Huyên Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Trưởng đoàn đã giám sát đề nghị, huyện cần khắc phục sớm những hạn chế của công tác đào tạo nghề các năm trước.

Quan tâm bổ sung giáo viên và mua thiết bị tối thiểu phục vụ cho việc dạy nghề cho Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên để làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn giai đoạn tiếp theo.

Trước đó, Đoàn công tác đã giám sát trực tiếp công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại 2 xã: Phúc Khoa, Pắc Ta và Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện.

Tuấn Hùng