Gói kích cầu là cần thiết nhưng làm sao để tránh lạm phát, lợi dụng chính sách?

12/03/2020 07:20 GMT+7
Theo các chuyên gia kinh tế, thực hiện gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro như lạm phát, lợi dụng chính sách, chi sai đối tượng... cần phải thận trọng. Gói kích cầu năm 2009 là một bài học.

Doanh nghiệp nào được gia hạn nộp thuế?

Cuối tuần qua, Thủ tướng đã ký ban hành chỉ thị số 11 cấp bách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp như nông nghiệp, du lịch và hàng không. 

Để tháo gỡ dần những khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Để tháo gỡ dần những khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Những trường hợp bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ. Những trường hợp được coi là tai nạn bất ngờ bao gồm: Tai nạn giao thông; tai nạn lao động; mắc bệnh hiểm nghèo; bị dịch bệnh truyền nhiễm vào thời gian và tại những vùng mà cơ quan có thẩm quyền đã công bố có dịch bệnh truyền nhiễm; các trường hợp bất khả kháng khác."

Để được gia hạn nộp thuế theo quy định nêu trên, người nộp thuế phải lập và gửi hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế. 

Về thẩm quyền gia hạn nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết Thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế quyết định số tiền thuế được gia hạn, thời gian gia hạn nộp thuế.

Trường hợp miễn tiền chậm nộp thuế, người nộp thuế cũng phải có văn bản đề nghị và biên bản xác nhận mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền...

Gói kích cầu kinh tế năm 2009 là một bài học

Trao đổi với Etime, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, để chính sách thật sự hiệu quả, các cơ quan quản lý cần phải đưa ra các tiêu chí thực thi và tính toán, nhất là trong khâu giám sát để tránh các rủi ro với nền kinh tế.

TS Doanh cho biết, cách đây 10 năm Việt Nam từng có gói kích thích kinh tế với số tiền trị giá khoảng 145,6 nghìn tỷ đồng, tương đương với 8 tỷ USD. Trong đó, hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng khoảng 17 nghìn tỷ đồng (1 tỷ USD); vốn đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 90,8 nghìn tỷ đồng; thực hiện chính sách miễn giảm thuế khoảng 28 nghìn tỷ đồng; và các khoản chi khác nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội khoảng 9,8 nghìn tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Theo ông Doanh, hiệu quả của gói kích cầu đầu tiên này góp phần giải quyết được một số vấn đề trước mắt về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2009. Tuy nhiên, nhưng những hệ quả tiêu cực để lại tương đối lớn.

Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, tốc độ tăng trưởng năm 2010 tăng 6,5%, lạm phát khoảng 7-8%, GDP theo giá thực tế đạt khoảng 1.931 ngàn tỉ đồng, xấp xỉ 106 tỉ đô la Mỹ, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 1.200 đô la, nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2010 đạt khoảng 801.000 tỉ đồng, bằng khoảng 41,5% GDP...

Ông Doanh cho rằng, các mục tiêu này tuy tương đối cao nhưng vẫn có thể đạt được thông qua các biện pháp khác, không mang tính cấp bách, tình thế như gói kích thích kinh tế năm 2009 mà nên gắn bó chặt chẽ với chiến lược phát triển tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế đảm bảo tăng trưởng ổn định, bền vững và hiệu quả hơn.

"Gói kích cầu năm 2009 quả thực là một bài học mà chúng ta cần phải thận trọng khi quyết định triển khai các biện pháp kích thích kinh tế cho các năm tiếp theo. Rủi ro mà chúng ta có thể nghĩ ngay đến nếu sử dụng gói hỗ trợ là dễ xảy ra lạm phát và có thể bị lợi dụng chính sách", ông Doanh nhấn mạnh.

Cùng ý kiến này, theo TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết tuy nhiên cần phải chú thận trọng các biện pháp thực thi mà gói kích cầu năm 2009 là một bài học.

Cũng theo ông Long, chúng ta cần phải cân nhắc thêm về việc hấp thụ vốn của nền kinh tế bởi hiện tại, nhiều doanh nghiệp chưa chắc đã "tiêu được tiền".

Giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về cả nguồn cung và cầu. Nguyên liệu sản xuất thiếu thốn trong khi nhu cầu tiêu thụ không cao, vì thế giải pháp quan trọng nhất với doanh nghiệp hiện nay không phải là bơm tiền vào mà là tìm các giải pháp cải thiện cung và cầu. Tiếp đó, cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả chính sách..

"Về lâu dài, nếu chi ngân sách sai chỗ, kém hiệu quả nguồn tiền không đổ vào những lĩnh vực sản xuất tạo giá trị bền vững cho tăng trưởng kinh tế thì lạm phát có thể trở thành mối lo ở giai đoạn sau", ông Long nói.

A.Vũ
Cùng chuyên mục