Hai năm phát hiện hơn 5.000 vụ gian lận xăng dầu

30/11/2019 07:35 GMT+7
Thời gian qua, Quản lý thị trường phát hiện hơn 5.000 vụ xăng giả với số lượng khủng. Trước tình trạng này, sắp tới, một Nghị định mới với các chế tài nghiêm khắc và mạnh tay hơn sẽ có hiệu lực và thay thế Nghị định số 67/2017/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu, khí.

Sáng 29/11, tại Hà Nội, diễn ra tọa đàm "Xăng dầu giả, thiệt hại thật" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức với sự tham gia của nhiều đại diện cơ quan chức năng.

Trả lời câu hỏi về việc tình hình xăng dầu giả, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) từ năm 2018 đến nay đã kiểm tra, xử lý 5.000 vụ việc, tước 37 giấy phép.

Tình trạng phổ biến là: bán xăng dầu ngoài hệ thống, kinh doanh xăng dầu khi giấy phép đã hết hiệu lực, bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn chất lượng, xăng dầu nhập lậu,... Trong đó, địa bàn phổ biến là ở tỉnh miền Tây Nam bộ, Trung bộ và một số tỉnh phía Bắc.

Một trong những vụ việc gây chấn động nhất là phát hiện pha chế, tiêu thụ 2 triệu lít tại Nghệ An vào năm 2017 và triệt phá đường dây pha chế xăng giả tạo A95 và E5 trên thị trường của đại gia Trịnh Sướng vào năm 2019.

Trước tình hình gian lận thương mại xăng dầu đang diễn ra khá nhức nhối, trong tháng 10 vừa qua, Tổng cục Quản lý Thị trường đã trình Bộ Công Thương và Bộ đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67/2017/NĐ-CP.

Theo đó, Tổng cục Quản lý Thị trường đề xuất các mức xử phạt vi phạm mạnh tay hơn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, qua đó góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực này.

O.Lý
Cùng chuyên mục