dd/mm/yyyy

Hành động quyết liệt để nâng tầm hạt gạo Việt

Đó là chia sẻ của ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) xung quanh vấn đề phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân.

Ông Trần Xuân Định trao đổi về sự cần thiết phải nâng tầm lúa gạo Việt

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam cần một tầm nhìn mới đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, từ đó đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người nông dân trồng lúa ở Việt Nam cũng như các doanh nghiệp làm lúa gạo. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Về vấn đề này, tôi hoàn toàn nhất trí cao với những đánh giá của dư luận. Phải nói rằng, lĩnh vực sản xuất lúa gạo trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã khiến nhiều quốc gia ngưỡng mộ, bởi từ chỗ đói ăn, phải nhập lương thực, chúng ta đã nhanh chóng vươn lên giải quyết trọn vẹn vấn đề lương thực trong nước và trở thành một trong ba quốc gia xuất khẩu lúa gạo chủ lực.

Để nâng cao chất lượng hạt gạo Việt, cần có các cơ chế chính sách cho liên kết cánh đồng lớn. (Trong ảnh: Người dân thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL). Ảnh Hứa Phương

Hiện nay sản xuất lúa gạo đã và đang đứng trước các thách thức lớn; người làm lúa đang là tầng lớp nghèo nhất của xã hội; chi phí sản xuất cao, thất thoát phân bón và tác động đến môi trường; các vấn đề về giống, chất lượng lúa gạo và thương mại lúa gạo, tác động của biến đổi khí hậu… một loạt các vấn đề cần giải quyết.

Như vậy rõ ràng, sản xuất lúa gạo để tận dụng được cơ hội, nâng cao giá trị gia tăng cho người trồng lúa, đáp ứng nhu cầu thị trường cả trong nước và xuất khẩu, khi mà nhu cầu về ăn ngon, mặc đẹp, an toàn đã gia tăng nhanh chóng thì rất cần một tầm nhìn mới, một chiến lược mới, gồm cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho hạt gạo Việt.

Tại Hội nghị giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại An Giang, ngày 15.3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Phải đưa gạo Việt Nam lên đẳng cấp mới. Vậy ngành sản xuất lúa gạo cần phải có những thay đổi gì thưa ông?

Để giải quyết những tồn tại của ngành hàng, trong đó đặc biệt là tiếp cận để sản xuất gạo theo phân khúc sản phẩm, phân khúc thị trường, rõ ràng chúng ta cần rà soát quy hoạch và tổ chức lại sản xuất. Để làm tốt rất cần sự liên kết địa phương, vùng miền và doanh nghiệp (DN) phải là hạt nhân để vận hành theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ.

Nâng tầm hạt gạo để khẳng định vị thế trên thị trường. Ảnh minh họa

Các loại gạo có chất lượng và giá trị cao, gạo đặc sản, sản xuất theo các tiêu chuẩn cao như GlobleGAP, EuroGAP, hữu cơ… sẽ được DN liên kết với các nhà khoa học chọn tạo và đưa ra các giống theo đặt hàng của người mua; tổ chức sản xuất theo quy trình mà DN hoạch định, từ việc lựa chọn giống, cấp giống, lượng giống gieo cấy và sử dụng phân bón, thuốc BVTV, thu hoạch, phơi sấy và chế biến.

Sản xuất lúa gạo cũng cần có nghiên cứu, đánh giá để khuyến cáo một gói kỹ thuật cho người sản xuất giảm chi phí đầu vào, góp phần giảm giá thành và giảm phát thải, giảm tác động đến môi trường trồng lúa.

Hiện nay, Đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Vậy đến nay, việc triển khai thực hiện đề án này như thế nào, có gặp khó khăn gì không thưa ông?

Đề án “Tái cấu trúc ngành hàng sản xuất lúa gạo đến 2020 và tầm nhìn 2030” được Bộ NN&PTNT phê duyệt vào tháng 5.2016. Đề án cũng là sự tích hợp của nhiều hoạt động của các chương trình như chương trình sản phẩm quốc gia, các dự án hỗ trợ của WB, GIZ, FAO…cho nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa mới, chất lượng gạo cao phù hợp tiêu chuẩn gạo Việt sẽ được ban hành.

“Lúa gạo là sản phẩm quốc gia, các chương trình đề tài cũng đang tập trung đầu tư để giải quyết các vấn đề nghiên cứu chọn tạo, phục tráng giống lúa nhằm sản xuất các giống lúa chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước; chọn tạo các giống có khả năng tích hợp các gen chống chịu tốt với sâu bệnh hại, mặn, hạn trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.
Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt

Các cơ chế chính sách cho liên kết cánh đồng lớn, sự vào cuộc của DN và chúng ta cũng đã có những sản phẩm lúa gạo được bình chọn ngon và chất lượng cao xếp thứ nhì, thứ ba ở các hội chợ, hội thi bình chọn Quốc tế. Trong năm 2017 Việt Nam sẽ có một bộ tiêu chuẩn về gạo trắng hạt dài và gạo trắng thơm Việt Nam.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng việc triển khai tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ của ngành hàng lúa gạo cũng đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Trước tiên là chính sách đất đai, nếu quy mô manh mún, nhỏ lẻ, tích tụ khó, hạn điền…thì DN dù có muốn đầu tư, muốn tổ chức triển khai theo chiến lược của họ cũng sẽ khó thực hiện. Thứ hai đó là vấn đề tài chính, vốn và tiếp cận vốn của DN với các tủ tục phức tạp cũng sẽ là vấn đề cần tháo gỡ. Thứ ba, tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn và mối đe dọa của thiếu nước cho trồng lá khi mà nước biển thì dâng cao do sự nóng lên toàn cầu, nguồn nước hệ thống sông mekong bị các nước đầu nguồn kiểm soát. Thứ tư, vấn đề thị trường, cạnh tranh, hàng rào kỹ thuật…

Sản xuất lúa bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, cơ cấu lại giống lúa theo hướng tăng diện tích giống lúa chất lượng cao gắn với chế biến sâu đang là những vấn đề đặt ra cho ngành lúa gạo. Chúng ta đã và đang giải quyết vấn đề này như thế nào thưa ông?

Để thực hiện được nội dung này, rõ ràng phải rà soát quy hoạch, xác định lợi thế của vùng, hoạch định, định hướng các vùng, liên vùng cho việc bố trí gieo trồng các giống lúa chất lượng cao, giống đặc sản. Vùng nào cần chuyển đổi sang mục đích nuôi trồng thủy sản chuyên biệt, vùng cho một vụ lúa, một vụ tôm, vùng nội đồng cho lúa-cá-vịt; vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đặc biệt những vùng chuyển đổi và chuyển đổi sang cây gì, con gì cũng phải tính toán để sản xuất gắn với thị trường, tránh tình trạng sản xuất hàng loạt, sản lượng cao vượt cầu sẽ lặp lại điệp khúc được mùa mất giá.

Vấn đề chế biến, chế biến sâu cũng được định hướng và có những chính sách hỗ trợ cho các DN liên kết sản xuất và chế biến, các dự án liên doanh với các DN nước ngoài về chế biến sâu, như chế biến bánh gạo, dầu gạo, dầu cám và ép trấu thành củi sinh học, sử dụng rơm rạ sau thu hoạch để sản xuất nấm và bã nấm sẽ là nguồn phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh bón trả lại đồng ruộng. Tuy chưa được nhiều, nhưng những mô hình, cách làm này thực sự đem lại giá trị gia tăng rất cao cho cả nông dân và DN.

Xin cảm ơn ông!

Đình Thắng