dd/mm/yyyy

Hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân ở Hòa Bình

Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đang giúp nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập.

Sử dụng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đúng mục đích, hiệu quả

Theo báo cáo của Hội nông dân tỉnh Hòa Bình, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ủy thác đến cuối năm 2022 là 14,85 tỷ đồng, giải ngân cho 431 hộ vay với 36 dự án, trong đó 2 dự án trồng trọt, 31 dự án chăn nuôi, 3 dự án thủy sản. Nguồn vốn cấp tỉnh  giải ngân 42 dự án cho 429 hộ vay, tổng số tiền 12,29 tỷ đồng, trong đó, 3 dự án trồng, 37 dự án chăn nuôi, 2 dự án thủy sản. Riêng, Quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện, thành phố tính đến cuối năm 2022 là 17,636 tỷ đồng, giải ngân cho 106 dự án với 607 hộ vay.

Hiệu quả từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân ở Hòa Bình - Ảnh 1.

Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Hòa Bình phối hợp với Hội Nông dân huyện Mai Châu giải ngân 500 triệu đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương cho 10 hội viên tham gia thực hiện dự án “Chăn nuôi bò sinh sản” tại xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu ngày 2/12/2022. (Ảnh: HND tỉnh Hòa Bình)

Để nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý nguồn vốn cho cán bộ hội; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kĩ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên, nông dân. 

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát được Hội nông dân các cấp chú trọng thực hiện thường xuyên, qua các đợt kiểm tra, các dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra, đúng đối tượng, các hộ vay vốn đúng mục đích và mang lại hiệu quả.

Dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân "Chăn nuôi bò sinh sản" xã Bao La, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) được giải ngân tháng 1 năm 2020, từ nguồn uỷ thác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho 10 hộ vay với số tiền 300 triệu đồng, thời hạn vay 36 tháng, vốn tự có của các hộ là 100 triệu đồng. 

Hiệu quả từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân ở Hòa Bình - Ảnh 2.

Dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân "Chăn nuôi bò sinh sản" tại xã Bao La, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) đang cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. (Ảnh: HND tỉnh Hòa Bình)

Nhờ chăm sóc, nuôi dưỡng đúng kỹ thuật, đàn bò của 10 hộ hội viên tại xã Bao La phát triển khỏe mạnh, không có dịch bệnh. Bình quân đầu tư 1 con bê với giá mua vào 11 triệu đồng, sau 3 năm, mỗi con bò sinh được 2 con bê con. Doanh thu của 10 hộ sau 3 năm là 803 triệu đồng, trừ chi phí, bình quân mỗi hộ thu lãi 50 triệu đồng. Song với đó, dự án cũng đã giải quyết công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 10 lao động. 

Nhiều giải pháp phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân

Những năm qua, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp nhiều lượt hội viên, nông dân mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, từ đó, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình hội viên, nông dân, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo ở địa phương; niềm tin của hội viên, nông dân đối với tổ chức Hội ngày càng được củng cố, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, vai trò vị thế của tổ chức Hội ngày càng được nâng cao.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, thời gian tới, các cấp Hội nông dân tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa của Quỹ hỗ trợ nông dân; tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao; tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN & PTNN, Ngân hàng Liên Việt PostBank để hỗ trợ cho hội viên nông dân được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi thông qua các chương trình và các kênh vay vốn.

Hiệu quả từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân ở Hòa Bình - Ảnh 3.

Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp nhiều lượt hội viên mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương. (Ảnh: HND tỉnh Hòa Bình)

Ban Thường vụ các cấp Hội chỉ đạo việc tổ chức và quản lý nguồn vốn đúng quy định, thực hiện tốt việc thu hồi và luân chuyển vốn kịp thời, nâng cao chất lượng việc lựa chọn mô hình xây dựng dự án cho vay theo tổ nhóm, trên cơ sở phát huy tiềm năng lợi thế địa phương, gắn với quy hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Các cấp Hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân ở các cấp, các dự án vay vốn của hội viên nông dân; chủ động trong việc phối hợp với ngành ngân hàng để thực hiện tốt việc kiểm tra thực hiện ủy thác cho vay theo thỏa thuận đã ký; kịp thời xử lý và kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.

Phạm Hoài - Tuệ Linh