HSBC: Dự báo cuối năm 2023 El Nino mạnh lên, tác động vượt khỏi lĩnh vực nông nghiệp

13/07/2023 15:30 GMT+7
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa mới công bố báo cáo ASEAN Perspectives - Hiện tượng El Niño đổ bộ. Báo cáo xem xét đến hiện tượng El Niño, một hiện tượng khí hậu gây ra hạn hán và thiếu hụt mưa, và những tác động cụ thể của nó đối với nền kinh tế cũng như tình trạng lạm phát tại 6 thị trường ASEAN.

3 sản phẩm nông nghiệp dễ bị tổn thương nhất do El Nino

Theo HSBC, các đợt nắng nóng diễn ra trên khắp ASEAN báo hiệu sự quay trở lại của El Nino sau 3 năm. Trước đó, hiện tượng El Nino nghiêm trọng vào năm 2015-2016 đã tàn phá nền kinh tế, nhưng từ đó các nhà hoạch định chính sách đã rút kinh nghiệm và đưa ra những cảnh báo sớm cho lần này. Cho đến nay, ASEAN chỉ mới chứng kiến hiện tượng El Nino mức độ nhẹ, nhưng các nhà chức trách trên toàn khu vực dự đoán hiện tượng sẽ mạnh lên vào nửa cuối năm 2023 và kéo dài xuyên suốt năm 2024.

El Nino tạo ra mối đe dọa trực tiếp với ngành nông nghiệp của ASEAN. Mặc dù chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong GDP và thương mại, nhưng tác động có thể xảy ra đối với lĩnh vực này là không thể phớt lờ, vì đây là lĩnh vực cung cấp nhiều việc làm và là nguồn thu nhập chính của hộ gia đình. Ba sản phẩm chính của ASEAN dễ bị tổn thương nhất do El Nino là gạo (Thái Lan và Việt Nam), dầu cọ (Malaysia và Indonesia) và cà phê (Việt Nam và Indonesia). 

HSBC: El Nino sẽ mạnh lên vào cuối năm 2023, tác động vượt khỏi lĩnh vực nông nghiệp - Ảnh 1.

Gạo: Đợt El Nino năm 2015-2016 đã khiến sản lượng tại hai thị trường này giảm hơn 10%, nhắc các nhà hoạch định chính sách nhớ về tính nghiêm trọng của tình hình. Tại Thái Lan, nông dân được khuyên chỉ nên trồng một vụ lúa để thích ứng với lượng mưa thấp và tình trạng thiếu hụt nước. Hậu quả là xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam dự kiến sẽ giảm lần lượt là 12% và 7%, theo ước tính của USDA. Điều này sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nước khác trong khu vực, vì hầu hết các quốc gia ASEAN phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu gạo từ hai nước này. Tuy nhiên, khả năng phục hồi dự kiến của Ấn Độ có thể bù đắp phần nào hạn chế này.

Dầu cọ: Tổng sản lượng của Indonesia và Malaysia chiếm 85% lượng dầu cọ của thế giới (tiếp theo là Thái Lan với 4% thị phần), và dầu cọ cũng chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu ở mỗi quốc gia. Trong khi El Nino vừa mới bắt đầu, chính quyền ở cả hai quốc gia đã cảnh báo về khả năng gián đoạn thu hoạch dầu cọ. Indonesia đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp ở bảy tỉnh, chủ yếu là các khu vực sản xuất dầu cọ.  

Ủy ban Dầu cọ Malaysia cũng đã cảnh báo rằng sản lượng có thể giảm 1-3 triệu tấn (6-17%) lần này, nhưng tác động có thể ít nghiêm trọng hơn lần trước, khi sản lượng bị cắt giảm đến 20% trong đợt El Nino năm 2015-16, do vật liệu trồng trọt tốt hơn và điều kiện lao động được cải thiện. Tuy nhiên, theo các quan chức Malaysia, tác động có thể xảy ra sau 15-18 tháng cho thấy đây là rủi ro cần được theo dõi kĩ trong năm 2024, chứ không phải năm nay.

HSBC: El Nino sẽ mạnh lên vào cuối năm 2023, tác động vượt khỏi lĩnh vực nông nghiệp - Ảnh 2.

Cà phê: Mặc dù chiếm tỷ lệ không đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu (dưới 1%) – tương tự như dầu cọ – Việt Nam và Indonesia cung cấp 25% lượng cà phê của thế giới, chủ yếu là hạt Robusta. Trước đó, sản lượng cà phê ở cả hai nền kinh tế này đã giảm 10% trong năm 2015-16, gợi ra câu hỏi về tác động của El Nino lần này. Đặc biệt, USDA dự báo sản lượng cà phê Robusta tại Indonesia niên vụ 2023/24 sẽ giảm 20% do mùa khô đến sớm, ảnh hưởng đến hơn 60% diện tích cà phê. 

El Nino tác động vượt khỏi lĩnh vực nông nghiệp

Nhưng El Nino có tác động vượt ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Một tác động phụ khác là sự gián đoạn sản xuất công nghiệp do thiếu năng lượng. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian gần đây do mưa vừa, mực nước tại tất cả các hồ chứa trên cả nước đều vượt ngưỡng phát điện an toàn. Sau khi một số nhà sản xuất thiết bị điện tử cắt giảm sản xuất, tình trạng mất điện gần đây đã bắt đầu giảm bớt, cho phép các nhà máy kéo dài thời gian hoạt động. Tuy nhiên, rủi ro năng lượng do El Nino gây ra cần được theo dõi chặt chẽ hơn, vì nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sản xuất khó khăn của Việt Nam, đặc biệt là vào thời điểm nước này đang phải đối mặt với thách thức khi số lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.

Trong khi đó, Malaysia đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nước tương tự, khuyến khích các nhà chức trách hành động nhanh chóng để bù đắp tác động ngày càng tăng của El Nino. Theo yêu cầu của Penang, Malaysia đã triển khai hai công nghệ tạo mưa nhân tạo để giúp nâng cao mực nước. Trong khi mực nước tại 70 con đập của Malaysia gần đạt đến công suất, các quan chức vẫn tiếp tục cảnh báo về những rủi ro và kêu gọi các tiểu bang chú ý đến việc bảo tồn và chuẩn bị cho điều xấu nhất. 

Điều may mắn là các nhà hoạch định chính sách ASEAN ý thức rõ tác động của El Nino, ban hành các cảnh báo sớm và chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa để chuẩn bị cho những gián đoạn kinh tế tiềm ẩn. Các quốc gia đã phải viện đến những giải pháp như công nghệ tạo mưa nhân tạo, tăng nhập khẩu một số mặt hàng nông nghiệp nhất định và hạn chế phần nào các hoạt động sản xuất nhằm giảm thiểu những gián đoạn có khả năng xảy ra do El Nino.

El Nino là một rủi ro đáng kể đối với triển vọng lạm phát

Bên cạnh tăng trưởng, lạm phát thì như thế nào? Theo HSBC, lịch sử cho thấy không có mối quan hệ rõ ràng nào giữa El Nino và lạm phát ở ASEAN, bất chấp những thách thức phổ biến trong sản xuất lương thực. Nhìn chung, lạm phát thậm chí còn có xu hướng giảm từ năm 2015 đến 2016, đây là thời kỳ El Nino nghiêm trọng nhất kể từ năm 1950.

HSBC: El Nino sẽ mạnh lên vào cuối năm 2023, tác động vượt khỏi lĩnh vực nông nghiệp - Ảnh 3.

Theo HSBC, điều này không có nghĩa là El Nino không ảnh hưởng đến giá cả bởi vì thực tế là có. Điều này có thể xảy ra thông qua nhiều kênh khác nhau – bao gồm nhưng không giới hạn ở các kênh sau: Giảm hoàn toàn nguồn cung lương thực; Nhu cầu năng lượng đầu vào cao hơn, chẳng hạn như dầu, để giúp bù nhiệt; Rủi ro đối với các nước nhập khẩu thực phẩm ròng là các nước xuất khẩu thực phẩm cấm xuất khẩu

Tuy nhiên, tính chất có thể đoán được của El Nino trong những năm qua đã cho phép các nền kinh tế ASEAN định vị chiến lược của mình nhằm giảm thiểu tác động của El Nino đối với giá lương thực, hay ít nhất là sản xuất, ngay cả trước khi mùa khô diễn ra. Theo Ngân hàng Thế giới (2019), các biện pháp can thiệp chính sách chung trong ASEAN bao gồm giới thiệu các giống cây trồng chịu hạn, mở rộng hệ thống tưới tiêu, nhập khẩu lương thực kịp thời và bảo quản ngũ cốc đúng cách để tránh hư hỏng. Những can thiệp chính sách có hiệu quả trong việc làm dịu tác động của El Nino đối với giá cả, nhưng lại kém hiệu quả trong việc giảm thiểu tổn thất trong sản xuất lương thực.

Dựa trên tiền lệ lịch sử, các biện pháp can thiệp chính sách đã được đề xuất và thử nghiệm cùng với nhu cầu toàn cầu suy yếu trong hai năm nữa có thể sẽ giúp giữ cho lạm phát ở ASEAN có thể kiểm soát trong đợt El Nino sắp tới. Tuy nhiên, có những bất ổn xung quanh mức độ và thời gian kéo dài của mùa khô cùng với rủi ro lạm phát tăng cao vẫn còn đáng kể, nhưng những bất ổn này sẽ diễn ra về sau. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là El Nino vẫn là một rủi ro, nhưng điều đó không có nghĩa sẽ làm chệch hướng sự ổn định giá cả ở ASEAN.

Rủi ro chính sách cũng có thể xảy ra và hoàn toàn đổi hướng của triển vọng lạm phát tại ASEAN, đặc biệt là đối với các nền kinh tế cần nhập khẩu lương thực. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các nước xuất khẩu lương thực sẽ cấm xuất khẩu để quản lý giá nội địa sẽ dẫn đến áp lực lạm phát đáng kể đối với các nền kinh tế nhập khẩu ròng.

"Nhưng nhìn chung, giữa tất cả những lời bàn tán và lo lắng xung quanh đợt El Nino sắp tới, lịch sử cho thấy rằng ASEAN thừa khả năng giảm thiểu các tác động bất lợi của mình. Tuy vậy, El Nino vẫn là một rủi ro đáng kể đối với triển vọng lạm phát, nhưng không đảm bảo rằng chúng ta sẽ trải qua một làn sóng lạm phát khác", HSBC cảnh báo.

O.L
Cùng chuyên mục