Huawei chật vật tìm "cửa sinh" sau đòn đánh chặn của Mỹ

18/05/2020 15:16 GMT+7
Cuối tuần trước, Mỹ ban hành Bộ quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, một động thái được nhận định là đòn giáng chặn đứng chuỗi cung ứng chip toàn cầu của Huawei. Nhưng phải chăng, Huawei sẽ tìm được “cửa sinh” từ đòn tử này?

Huawei khốn đốn vì đòn đánh chặn của Mỹ

Bộ Quy tắc mới của Chính phủ Mỹ đòi hỏi các nhà sản xuất chip nước ngoài có sử dụng thiết bị sản xuất chip hoặc công nghệ Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép nếu muốn xuất khẩu sản phẩm cho Huawei. Theo tuyên bố từ Bộ Thương mại Mỹ, quy tắc này sẽ có hiệu lực ngay hôm 15/5 vừa qua. Như vậy, bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất chip của Mỹ, giờ đây hàng loạt nhà sản xuất chip hợp đồng như TSMC (Đài Loan) cũng phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp giấy phép đặc biệt nếu muốn bán chip cho Huawei. Tức là chính quyền Tổng thống Donald Trump giờ đây được toàn quyền quyết định những mặt hàng con chip mà Huawei có thể nhập khẩu trong tương lai, bởi hiếm công ty sản xuất chip nào không sử dụng công nghệ hoặc thiết bị sản xuất chip từ Mỹ.

Không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ cấp những giấy phép đặc biệt như vậy trong ngắn hạn, ít nhất là cho đến nay. Hồi năm ngoái, sau khi đưa Huawei vào danh sách đen, phải hơn nửa năm trời sau đó Mỹ mới cấp phép đặc biệt cho các doanh nghiệp nước này làm ăn trở lại với Huawei, do quy trình xét duyệt nghiêm ngặt và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan bao gồm cả Bộ An ninh và Bộ Ngoại giao.

Huawei chật vật tìm "cửa sinh" sau đòn đánh chặn của Mỹ - Ảnh 1.

Mỹ ban hành quy tắc mới chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei

Bộ quy tắc mới được nhận định là một mối đe dọa lớn. Con chip là ‘linh hồn’ của đa số các dòng sản phẩm chủ chốt mà Huawei sản xuất, từ thiết bị mạng 5G thế hệ mới cho đến smartphone. HiSilicon, công ty con của Huawei hiện có khả năng thiết kế chip bán dẫn nhưng việc sản xuất các con chip này sẽ phụ thuộc vào các công ty chip hợp đồng như TSMC (Đài Loan). Hơn 98% chip smartphone Huawei hiện do TSMC sản xuất. Còn TSMC lại sử dụng thiết bị xuất xứ từ Mỹ trong dây chuyền sản xuất chip của mình, theo ước tính của Counterpoint Research. Điều này nghĩa là TSMC cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài mà Bộ Thương mại Mỹ vừa ban hành.

Hiện bộ phận tiêu dùng (bao gồm các sản phẩm smartphone) đóng góp tới 467,3 tỷ CNY, tương đương hơn 50% tổng doanh thu Huawei trong năm 2019. Một khi nguồn cung chip từ TSMC bị chặn đứng, Huawei chắc chắn chịu tổn thất nặng nề.

“Cửa sinh” nào cho Huawei?

Liệu Huawei sẽ làm gì? Bước đầu tiên, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, một động thái khó khăn do các thiết bị, công nghệ Mỹ đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

Trong ngắn hạn, rất khó để Huawei tìm kiếm một nhà cung cấp chip không sử dụng công nghệ sản xuất chip của Mỹ. Hầu hết các doanh nghiệp cung ứng linh kiện tiên tiến trên thế giới hiện đều sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp công nghệ của Mỹ, và đều phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép nếu muốn xuất khẩu cho Huawei.

Còn một sự lựa chọn khác cho Huawei, là hợp tác doanh nghiệp sản xuất chip Samsung - nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. Nhưng Samsung hiện là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Huawei, và Hàn Quốc được xem như một đồng minh của Mỹ. Rất khó để Huawei đặt nguồn cung ứng chip của mình vào tay một đối thủ như Samsung.

Huawei hiện đang xem xét các nhà sản xuất chip tại thị trường Trung Quốc đại lục để cung ứng chip vi xử lý Kirin cho smartphone. SMIC, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất Trung Quốc hiện nay là ứng cử viên số 1. 

Huawei chật vật tìm "cửa sinh" sau đòn đánh chặn của Mỹ - Ảnh 2.

SMIC hiện chưa có năng lực sản xuất chip Kirin 990 7nm cho Huawei

Hồi tuần trước, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đưa tin SMIC hiện đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip vi xử lý Kirin 710A theo đơn hàng của Huawei. Bộ xử lý này được thiết kế cho một dòng smartphone giá rẻ thuộc thương hiệu Honor mà Huawei là chủ sở hữu. Tất nhiên, việc sản xuất dòng chip này trong nước không giúp Huawei giải quyết toàn bộ vấn đề nguồn cung chip đa dạng cho hãng.

TSMC hiện là nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới, vượt xa SMIC cả về năng lực sản xuất, công nghệ sản xuất và quy mô sản xuất, theo nhận định của Neil Shah, giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint Research. Dòng chip hàng đầu của Huawei hiện tại là Kirin 990, sử dụng công nghệ chip 7nm, nhỏ và nhanh hơn nhiều dòng chip 710A do SMIC sản xuất. TSMC đã sản xuất chip Kirin 990 trong hai năm qua, nhưng chưa rõ khi nào SMIC mới có thể ra mắt dây chuyền sản xuất chip Kirin 990 7nm quy mô lớn. Do đó, dù Huawei muốn đưa chuỗi cung ứng chip về nước, nhà sản xuất chip hợp đồng hàng đầu Trung Quốc SMIC khó có thể đáp ứng.

Theo nguồn tin từ Nikkei Asian Review, đến thứ Hai 18/5, TSMC hiện đã tạm dừng nhận các đơn đặt hàng con chip mới từ Huawei sau Bộ Quy tắc mới mà Mỹ ban hành. 

Có một lựa chọn mạo hiểm nhưng sáng sủa hơn: đưa dây chuyền cung ứng chip về nước hoặc tự sản xuất chip cho riêng mình. Huawei đã tìm cách “tự cung tự cấp” nhiều linh kiện quan trọng như vậy trong năm qua, kể từ thời điểm bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen hạn chế thương mại. Hồi tháng 3/2020, Tim Danks, CEO Huawei trụ sở Mỹ tiết lộ với tờ Bloomberg rằng cho đến nay, công ty đã bán hơn 50.000 trạm gốc 5G không chứa công nghệ Mỹ. Số trạm gốc này chỉ chiếm khoảng 8% tổng số trạm gốc 5G mà Huawei cung cấp ra thị trường toàn cầu. Nhưng động thái này chứng minh một điều: gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang tìm cách hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục