dd/mm/yyyy

Khi nông dân chủ động liên kết trở thành nhà đàm phán

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ luôn khiến người nông dân đau đầu tìm lời giải bài toán “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”. Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, xu thế tất yếu để phát triển bền vững là người nông dân phải chủ động đàm phán, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp.

 Ký kết hợp tác, liên kết trong một chương trình hợp tác xúc tiến thương mại.

Xu hướng liên kết tất yếu

Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, nền nông nghiệp nước nhà hiện tồn tại tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Giữa sản xuất nông sản và ngành chế biến, tiêu thụ không có sự gắn kết, kém hiệu quả dẫn đến phát triển không ổn định. Nhiều mặt hàng nông sản thường xuyên lâm vào tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”.

Nói về liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, ông Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung Ương Đảng, Chủ tịch Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: “Tầng lớp doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là những chiến sĩ thầm lặng cung ứng các sản phảm đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và lưu thông, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và hội nhập.

Các chuyên gia cho rằng, xu hướng tất yếu để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững là hoạt động liên kết. Nông dân phải tổ chức liên kết, sản xuất có quy hoạch dựa trên yếu tố khoa học; liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp.

Quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, phân phối sản phẩm được thiết lập trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường về khối lượng cung ứng, chất lượng hàng hóa… Hàng nông sản cần được xác định rõ về số lượng, chất lượng đối với từng thị trường để làm cơ sở xây dựng kế hoạch cung ứng và sản xuất. Yêu cầu chất lượng của thị trường phải là căn cứ cơ bản để xây dựng quy trình kỹ thuật cho các mô hình liên kết.

Xây dựng mối liên kết này, về bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ. Nếu không có liên kết này, việc tổ chức sản xuất thông qua liên kết ngang không đạt được hiệu quả mong muốn, rủi ro cao…

Như vậy, nông dân và doanh nhân nông nghiệp chính là “2 chân” của nền kinh tế nông nghiệp nước ta. Muốn cho nền kinh tế nông nghiệp nước ta phát triển, tiến lên phía trước bền vững thì 2 chân phải vững, phải chắc, phải đi đều và phải có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp với nhau”.

Khi nông dân ở thế chủ động

Nhận thấy việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún gặp nhiều rủi ro, năm 2003, bảy nông dân Đà Lạt đã hợp sức, thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào. Số vốn ban đầu vỏn vẹn chỉ 100 triệu đồng cùng 12ha đất sản xuất. Vậy nhưng, nhờ tư duy nhanh nhạy, kịp thời đổi mới hình thái sản xuất từ hộ cá thể sang liên kết, mở rộng diện tích trồng rau an toàn. Chỉ sau 1 năm, diện tích sản xuất rau an toàn nơi đây đã tăng lên con số kỷ lục: 270ha. Nhờ liên kết cùng sản xuất kỹ thuật cao, chủ động đầu ra nên thu nhập, đời sống các hộ dân tham gia liên kết sản xuất ổn định, khá giả.

Những năm gần đây, thực tế các mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp đã chứng minh hiệu quả vượt bậc, giảm thiểu đáng kể rủi ro cho người nông dân.

Nông dân sơ chế nghệ cung cấp cho doanh nghiệp của anh Đông.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có hai liên hiệp hợp tác xã, 86 hợp tác xã nông nghiệp, gần bảy nghìn xã viên; hơn 240 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, hơn 5.800 tổ viên; 532 trang trại, với tổng số lao động thường xuyên gần 10 nghìn người; có nhiều“Doanh nghiệp công nghệ cao”. 

Điển hình, tại Hà Nội Chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm của công ty Hadico; Sàn giao dịch Rau quả & Thực phẩm an toàn Hà Nội đã liên kết hàng nghìn nông dân tạo vùng nguyên liệu sản phẩm an toàn và thiết lập các cửa hàng tiện ích và siêu thị mini cung cấp sản phẩm an toàn cho người dân Hà Nội. Những mô hình liên kết trên còn là điểm tham quan, học tập cho các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân trong và ngoài thành phố đến học tập, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung cấp giống cây trồng và vật tư kỹ thuật nông nghiệp chất lượng cao…

Là một doanh nghiệp trồng, chế biến tinh bột nghệ nổi tiếng ở Hưng Yên, Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên (Công ty Hoàng Minh Châu) có được thành công vượt trội là nhờ liên kết sản xuất với hàng trăm nông dân. Trước đây, bản thân doanh nghiệp có kinh nghiệm nhưng thiếu đất, thiếu nhân lực trồng nguyên liệu. Nhận thấy người nông dân sẵn ruộng đất, thiếu nguồn tiêu thụ sản phẩm, anh Hoàng Quang Đông – Giám đốc Công ty Hoàng Minh Châu đã vạch ra chiến lược liên kết nông dân cùng phát triển bền vững.

Ý tưởng của anh Đông là: Công ty sẽ xúc tiến thương mại, chịu trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm nghệ củ cho bà con nông dân. Ngược lại, nông dân trồng, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho công ty của anh. Nghĩ là vậy, thực hiện chẳng mấy dễ, để thuyết phục được bà con nông dân liên kết làm ăn, anh Đông đã phải đi lại nhiều lần. Có những hộ dân anh đến nhà cả chục lần trong 1 tuần để vận động, thuyết phục.

Nhiều nông dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội liên kết sản xuất rau hữu cơ an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Những nỗ lực, tâm huyết của anh Đông dành cho người nông dân đã đem lại trái ngọt. Hàng trăm nông dân, một số hợp tác xã đã liên kết với doanh nghiệp, tạo ra vùng nguyên liệu tới 600 ha (xã Chí Tân, huyện Khoái Châu). Hoạt động liên kết được xúc tiến bằng những hành động thiết thực về chuyển giao kỹ thuật trồng nghệ sạch: VietGAP.

Liên kết chặt chẽ, thường xuyên trao đổi, tháo gỡ khó khăn đã đem lại lợi ích cho cả người nông dân và doanh nghiệp của anh Đông. Từ nguồn nguyên liệu nghệ tươi sạch, anh Đông đã tinh chế thành những sản phẩm tinh bột nghệ có chất lượng cao, được Bộ Y tế chứng nhận an toàn.

Mỗi năm, công ty của anh Đông tiêu thụ gần 20 tấn tinh bột nghệ và hàng trăm tấn sản phẩm nghệ tươi, nghệ sấy khô ở khắp các thị trường trong và ngoài nước, đem lại doanh thu trên dưới 4 tỉ đồng/ năm. Hoàng Quang Đông chia sẻ: “Mục tiêu phía trước của anh là chinh phục, mở rộng thị trường sang Liên bang Nga và Đông Âu. Mong muốn của Công ty là sản lượng tiêu thụ ngày một tăng, tạo nền tảng mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu, liên kết thêm nhiều người dân sản xuất, phát triển ổn định, bền vững…”.

Phú Lãm