Không chịu nổi “nhiệt”, ô tô hạng sang cũng phải “xuống” giá

05/09/2020 14:55 GMT+7
Đại dịch Covid- 19 lần 2 và sự đóng băng thị trường do ảnh hưởng tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch), nhiều mẫu ô tô hạng sang được các hãng giảm giá tới hàng trăm triệu đồng.

Tháng Ngâu và dịch Covid-19 lần 2 được xem như "thảm họa kép" đối với ngành ô tô. Theo chia sẻ của đại diện một số hãng xe với hy vọng vực dậy phần nào đà tăng trưởng, các đơn vị kinh doanh phải tìm mọi cách khuyến mại khác nhau. Theo nhận định của giới chuyên môn, đây là đợt giảm giá, tăng khuyến mại "lớn chưa từng thấy".

Đối với các hãng xe sang, đắt tiền, sau một thời gian duy trì, nhiều đơn vị đã phải đi theo xu hướng chung nhằm giảm thiểu thiệt hại. Điển hình, Volkswagen Việt Nam vừa tung ra chương trình khuyến mãi cao nhất ở mức 177,6 triệu đồng, áp dụng cho 2 sản phẩm chủ lực là Tiguan Allspace và Passat.

Theo đó, mẫu xe sedan Volkswagen Passat BlueMotion High sẽ được hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ ở mức 177,6 triệu đồng (giá bán niêm yết của xe là 1,48 tỷ đồng). Ngoài ra, hai phiên bản thấp hơn là Passat BlueMotion Comfort và Passat GP đều không được hưởng mức ưu đãi trên.

Không chịu nổi “nhiệt”, nhiều mẫu ô tô hạng sang cũng phải “xuống” giá - Ảnh 1.

Nhiều mẫu ô tô hạng sang được giảm giá sâu thời gian qua.

Trong phân khúc sedan hạng D, với cách làm nói trên, mẫu xe VW Passat vốn không được đánh giá cao được kỳ vọng có thêm sức cạnh tranh với các đối thủ mạnh khác là Toyota Camry, Mazda6 vốn đang được hưởng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ do lắp ráp trong nước.

Bên cạnh đó, mẫu SUV Volkswagen Tiguan Allspace có hai phiên bản là Luxuy và Luxury S đều nhận được khuyến mãi nhưng ở 2 mức khác nhau. Người mua phiên bản Luxury sẽ được hỗ trợ 120 triệu đồng lệ phí trước bạ của xe (giá bán niêm yết là 1,799 tỷ đồng).

Còn đối với những khách hàng mua phiên bản cao cấp hơn là Luxury S có giá bán là 1,869 tỷ đồng sẽ được tặng 1 năm bảo hiểm vật chất, tương đương 30 triệu đồng.

Sáu tháng đầu năm 2020, ghi nhận sự "lao dốc" của thị trường ô tô vì tác động của dịch Covid-19. Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp (DN) thành viên VAMA chỉ bán được 131.248 xe, giảm 28% so với cùng kỳ 2019. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 22%.

Theo chia sẻ từ đại diện các DN ô tô, làn sóng Covid – 19 lần thứ 2 khiến người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, nhu cầu về ô tô giảm mạnh. Tất cả các DN ô tô trong nước đều bị giảm doanh số bán.

Trước đó, ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid -19 lần thứ nhất, từ cuối quý I/2020, nhiều DN đã phải giảm sản xuất và cắt giảm bớt lao động. Tuy nhiên, tồn kho vẫn cao. Theo số liệu của VAMA, hiện tồn kho ô tô tăng tới 129% so với cùng kỳ 2019. Tồn kho lớn, nên nhiều doanh nghiệp đã phải đại hạ giá, chấp nhận thua lỗ.

Đến nửa cuối năm 2020, chính sách giảm 50% phí trước bạ được thực thi, giới kinh doanh ô tô kỳ vọng về bức tranh doanh số tươi sáng thời gian tới. Tuy nhiên, không như những dự đoán trước đó, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 2 tái diễn phức tạp khiến các hãng xe, đại lý tiếp tục "cuộc chiến" kích cầu tiêu dùng.

Đáng chú ý, làn sóng dịch Covid – 19 lần thứ 2 tái diễn cùng thời điểm tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch). Theo thông lệ hàng năm, đây là thời điểm nhu cầu mua xe xuống rất thấp. Trên thực tế, ngay đầu tháng 8, nhiều đại lý cũng đã tung ra những chương trình khuyến mãi mới.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục