dd/mm/yyyy

Lão nông "đánh thức" tiềm năng nơi miền sơn cước

“Ông Đoàn Văn Trưởng là một trong những hội viên nông dân dám nghĩ, dám làm. Nhờ gây dựng thành công trang trại nuôi vịt cổ xanh, mỗi năm ông Trưởng thu nhập cả trăm triệu đồng” - ông Lường Văn Mua – Trưởng bản Nhộp (xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), bảo vậy.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Đoàn Văn Trưởng kể: Tôi sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo khó, sau khi học xong cấp 3 phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình làm việc đồng áng. Năm 2000, tôi rời nơi "chôn rau cắt rốn" ở Hà Nội lên vùng Tây Bắc lập nghiệp.

Lão nông đánh thức vùng đất miền sơn cước - Ảnh 1.

Nhờ nuôi vịt, mỗi năm ông Trưởng thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Sau nhiều năm lang bạt khắp nơi để mưu sinh, ông Trưởng quyết định chọn xã Chiềng Bôm (Thuận Châu – Sơn La) làm nơi sinh sống và phát triển kinh tế gia đình.

Ông Trưởng cho biết: "Vùng đất bản Nhộp có con suối xanh mát chảy quanh năm, nhưng chưa ai dám khai phá nó. Năm 2010, sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định đánh thức vùng đất miền sơn cước này bằng cách nuôi vịt cổ xanh".

Lão nông đánh thức vùng đất miền sơn cước - Ảnh 2.

Theo ông Trưởng: Thức ăn của vịt rất đơn giản, chủ yếu là chuối, rau, bột ngô, cám gạo nên rất dễ nuôi.

Ban đầu, do chưa có vốn, ông Trưởng chỉ nuôi hơn trăm con vịt cổ xanh. Sau vài năm tích lũy được kinh nghiệm, ông Trưởng vay 450 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu mua thêm con giống và mở rộng diện tích. 

Thời điểm bấy giờ mới chỉ có gia đình ông Trưởng tiên phong nuôi vịt quy mô lớn nên luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân xã Chiềng Bôm thường xuyên xuống trang trại nhà ông Trưởng tập huấn kỹ thuật chăn nuôi vịt cổ xanh. 

Nhờ vậy, đàn vịt của ông Trưởng phát triển rất tốt. Hiện nay, ông Trưởng đang nuôi khoảng 800 con vịt thương phẩm và trên 2.000 con vịt đẻ. Trung bình mỗi ngày, ông Trưởng thu từ 1.300 đến 1.400 quả trứng.

Lão nông đánh thức vùng đất miền sơn cước - Ảnh 3.

Bên cạnh nuôi vịt đẻ, hiện ông Trưởng đang nuôi khoảng 800 con vịt thương phẩm.

Sau vài năm làm ăn có lãi, để đáp ứng nhu cầu cung cấp giống vịt cho người dân địa phương, ông Trưởng mạnh dạn đầu tư máy ấp trứng công nghiệp đời mới với công suất 12.000 con. Hiện nay, trang trại vịt cổ xanh của ông Trưởng chuyên cung cấp vịt giống, trứng cho nhân dân trong vùng và các vùng khác trên địa bàn tỉnh Sơn La, với mức giá 3.000 đồng/quả trứng và 8.000 đến 12.000 đồng/con vịt giống.

Dẫn chúng tôi vào tham quan trang trại, ông Trưởng phấn khởi nói: "Nhờ nuôi vịt cổ xanh mà gia đình tôi có cuộc sống khá giả như ngày hôm nay. Giờ ngẫm lại mới thấy ngày xưa mình chọn nuôi vịt là hướng đi đúng đắn".

Từ bán giống, trứng, vịt thương phẩm, bình quân mỗi năm, ông Trưởng thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thức ăn, thuốc thang, ông Trưởng lãi từ 100 - 150 triệu đồng.

Lão nông đánh thức vùng đất miền sơn cước - Ảnh 4.

Để đảm bảo đàn vịt sinh trưởng và phát triển tốt, ông Trưởng thường xuyên phun thuốc khử trùng định kỳ quanh chuồng trại.

Theo ông Trưởng, để nuôi vịt cổ xanh thành công, đòi hỏi người nuôi vịt phải nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là khâu chọn giống. Nếu chọn được giống vịt tốt sẽ cho trứng và con giống có chất lượng cao.

"Trong quá trình nuôi, ngày nào tôi cũng phải quan sát tỉ mỉ từng con để biết con nào đẻ đều, con nào ngừng đẻ để thay thế con giống. Đối với vịt đẻ, bình thường 2 năm phải thay giống một lần thì năng suất và chất lượng trứng mới tốt" - ông Trưởng tiết lộ.

Lão nông đánh thức vùng đất miền sơn cước - Ảnh 5.

Nhằm phòng bệnh cho đàn vịt, ông Trưởng dùng vôi bột rắc trên nền chuồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Lường Văn Mua – Trưởng bản Nhộp, cho hay: Ông Đoàn Văn Trưởng là một trong những hội viên nông dân dám nghĩ, dám làm. Nhờ gây dựng thành công trang trại nuôi vịt cổ xanh, mỗi năm ông Trưởng thu nhập hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Trưởng còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng giống vịt theo phương thức trả chậm cho một số hộ nông dân có nhu cầu nuôi vịt".

Nói về chất lượng con giống vịt của ông Đoàn Văn Trưởng, anh Tòng Văn Thuận bản Hùn, xã Chiềng Cọ (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) bảo: "Giống vịt của anh Trưởng được tiêm phòng đầy đủ nên sức đề kháng rất tốt. Vịt cổ xanh là giống vịt bản địa nên cho chất lượng thịt rất thơm ngon, giá cả hợp lý, được nhiều khách hàng đánh giá cao. Mấy năm gần đây, tôi và một số hộ chăn nuôi luôn tin dùng giống vịt nhà anh Trưởng".

Tiếng lành đồn xa, trang trại vịt cổ xanh của anh Trưởng luôn là địa chỉ xanh trong việc cung ứng con giống, trứng cho các hộ nông dân trên địa phương và các vùng lân cận, như: Thành phố Sơn La, Sông Mã, Quỳnh Nhai... Nhờ vậy, nhiều năm liền, ông Trưởng đều được cấp ủy, chính quyền địa phương tặng bằng khen, giấy khen và chứng nhận hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi.

A Lử