dd/mm/yyyy

Lên núi nuôi bò tránh xa dịch bệnh, thoải mái thu tiền

Mô hình khoanh vùng chăn nuôi tập trung, liên kết các hộ thành tổ hợp tác ở xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Nuôi bò trên núi

Được sự giới thiệu của ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện Mường La, chúng tôi tìm về mô hình chăn nuôi độc đáo trên núi ở xã Mường Trai. Đây là mô hình có số lượng bò, dê lên đến hàng trăm con được nuôi thả theo kiểu tự nhiên trong khuôn khổ nhất định.

Hành trình đến khu vực chăn nuôi này, chúng tôi phải di chuyển bằng thuyền gần một tiếng đồng hồ qua sông mới tới nơi. Khu vực chăn thả ở trên những quả đồi cao dọc bờ sông Đà, từ bờ sông phải cuốc bộ leo qua những con dốc thẳng đứng. Tại đây, để thuận tiện cho việc trông coi đàn gia súc, các thành viên trong tổ hợp tác đã dựng tạm những chiếc lều lán, vắt vẻo giữa lưng đồi.

 Mô hình chăn nuôi đại gia súc của tổ hợp tác chăn nuôi Mường Trai.

Đi một vòng quan sát, những chiếc lều lán ở đây đều được dựng tạm bằng tre nứa, mái lợp bằng cỏ gianh, nằm cách nhau chừng 50 – 60 mét. Các chuồng bò cũng nằm sát gần nhau. Dạo quanh khu chăn nuôi vào lúc chiều muộn, thấy đàn bò, dê, hàng trăm con từ các khe núi, sườn đồi lũ lượt kéo nhau về chuồng mà không cần người chăn dắt. Bò đi thành đàn rất đông nhưng khi tới chuồng thì bò chủ nào vào chuồng của chủ nấy. Sau một hồi bò đã về chật kín chuồng.

 Lán trại của các thành viên trong tổ hợp tác dựng trông bò, nằm vắt vẻo giữa lưng đồi.

Chúng tôi vào thăm túp lều của ông Cầm Văn Quyên, người dân tộc Thái, ở bản Huổi Muôn I (Mường Trai), Tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi. Túp lều của ông Quyên rộng chừng 20m2, mái lợp cỏ gianh.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Quyên cho biết: Khu vực chăn nuôi này trước đây là vùng đất cằn, độ dốc lớn, không canh tác được cây gì, thấy một số hộ lên núi chăn nuôi bò, dê hiệu quả nên chính quyền xã đã khoanh thành vùng để bà con chăn thả gia súc. Đến nay, các hộ đã liên kết lại thành tổ hợp tác chăn nuôi với quy mô lớn.

Ông Quyên cho biết: Khu vực chăn thả của tổ hợp tác rộng trên 100 ha, có 15 hộ là thành viên và đang có khoảng trên 200 con bò, trên 400 con dê. Hầu hết đàn gia súc ở đây đều được nuôi thả tự nhiên trong khu vực được khoanh vùng trên các dãy đồi và được cán bộ thú y hỗ trợ chăm sóc, kiểm tra dịch bệnh thường xuyên.

 Mô hình chăn nuôi của tổ hợp tác chăn nuôi Mường Trai đang mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên.

Ông Quyên chia sẻ: "15 hộ chăn nuôi ở đây đều cùng bản với nhau và đều là hộ di dân tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Trước đây, bà con có nhiều ruộng, nhiều nương nhưng từ khi nước dâng, đất sản xuất bị ngập sâu trong nước. Trên vùng đất mới nhiều bà con học cách đánh bắt nuôi trồng thủy sản, còn chúng tôi lên núi chăn nuôi bò, dê".

Mạnh dạn đầu tư

“Mới đầu nuôi mỗi hộ chỉ có 4 - 5 con bò và vài con dê. Năm này qua năm khác, đến nay số lượng bò đã tăng lên hơn 200 con, trung bình mỗi hộ có 15 - 20 con bò, còn số lượng dê trên 400 con. Riêng tiền bán bò mỗi hộ thu từ 50 đến 70 triệu đồng/năm, thậm chí có hộ thu cả trăm triệu đồng” - ông Quyên cho hay.

Đàn bò, dê như thành một thói quen, chiều tối chúng tự kéo về chuồng ngủ. Sáng chúng tự ra khỏi chuồng lên núi đi tìm cỏ. Ngày nào cũng vậy, không cần người chăn dắt. Trên đồi là rừng tre, rừng nứa rộng mênh mông.

Tuy nhiên, vì nuôi số lượng nhiều vào mùa khô cỏ trên các cánh rừng thường khan hiếm, các thành viên đã vận động nhau ra ven sông phát dọn trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc. 

 Ông Lò Văn San đang chăm sóc đàn bò của gia đình.

Chúng tôi tiếp tục đến thăm lán của ông Lò Văn San, đúng lúc ông vừa đi cắt cỏ về. Ông San nói rằng: Trước đây, hoàn cảnh gia đình khó khăn, học theo anh em trong bản, tôi mạnh dạn bỏ tiền tích góp mua 5 con bò và mấy con dê lên khu này chăn nuôi. Không ngờ đàn bò, dê phát nhanh đến vậy. Bây giờ đàn bò nhà tôi lúc nào cũng duy trì 15 con, trong đó có gần 10 con bò cái, mỗi năm đẻ một lứa bê. Tiền bán bò, dê, ước tính mỗi năm thu về ngót trăm triệu đồng. 

Ngoài chăn nuôi bò, dê, các thành viên trong tổ hợp tác còn nuôi thêm gà, lợn thả rông, vừa cải thiện bữa ăn vừa để bán. Hầu hết các thành viên trong tổ hợp tác chăn nuôi đến nay đều có thu nhập ổn định, một số hộ đã thoát được nghèo.

 Đàn bò của ông Cầm Văn Quyên

Ông Lèo Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Mường Trai cho biết: Qua khảo sát thấy khu vực này có nhiều cỏ, đất trống không có nương sản xuất, nên xã đã khoanh thành một vùng, vận động người dân tham gia chăn nuôi phát triển kinh tế và thành lập tổ hợp tác chăn nuôi Mường Trai. Mô hình chăn thả này đang phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân.

Bên cạnh đó, để giúp bà con phòng chống dịch bệnh, xã thường xuyên cử cán bộ thú y bám sát đàn vật nuôi, tiêm phòng định kỳ miễn phí cho bà con. Từ đó đến nay chưa có trường hợp dịch bệnh nào xảy ra.

Ngọc Mai