dd/mm/yyyy

Loạn giá thuốc Tamiflu do cúm A tăng bất thường, không nên dùng vô tội vạ

Dịch cúm A bùng phát khiến thị trường thuốc Tamiflu ở Hà Nội khan hàng, loạn giá, thậm chí thay đổi theo từng ngày. Bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe trước tình trạng mua Tamiflu vô tội vạ như hiện nay.

Gia tăng dịch cúm A, loạn giá thuốc Tamiflu

Trong vài tuần qua, dịch cúm A bùng phát tại một số tỉnh miền Bắc khiến không ít người dân hoang mang, lo lắng. Nhiều người đã tự ý mua thuốc Tamiflu để tích trữ hay tự điều trị tại nhà. 

Theo khảo sát của PV Dân Việt, tại một cửa hàng thuốc trên đường Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội, người bán hàng cho biết, hiện nay, cúm A trái mùa bùng phát với số ca mắc tăng nhanh mỗi ngày, cửa hàng thường xuyên không có thuốc Tamiflu để bán.

Thuốc Tamiflu tại Hà Nội loạn giá do cúm A tăng bất thường, bác sĩ cảnh báo gì? - Ảnh 1.

Nhiều người bị cúm A điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

"Cả cửa hàng có 2 hộp thuốc Tamiflu và giá bán hiện là 580.000 đồng/hộp. Khoảng 1 tháng nay, nhiều người đến hỏi mua Tamiflu để điều trị cúm. Hôm qua một giá, hôm nay một giá, giá tăng do giá nhập vào tăng", nữ nhân viên nhà thuốc giải thích.

Tại nhà thuốc trên đường Trung Kính, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, giá thuốc Tamiflu hiện tại có giá 750.000 đồng/hộp (10 viên). "Cửa hàng thuốc mới nhập Tamiflu hôm qua. Trước đây, giá mỗi hộp chỉ hơn 400.000 đồng, nhưng nay nhập vào giá cao hơn nên giá bán ra đang ở mức 750.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, hiện cửa hàng đã hết thuốc", nhân viên chia sẻ.

Thuốc Tamiflu tại Hà Nội loạn giá do cúm A tăng bất thường, bác sĩ cảnh báo gì? - Ảnh 2.

Thuốc Tamiflu được bán tại một nhà thuốc trên đường Vũ Phạm Hàm, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Còn tại một cửa hàng thuốc ở quận Hà Đông, Hà Nội, người bán hàng cho biết, cúm A diễn biến bất thường khi số ca mắc tăng vào mùa hè nên nhiều cửa hàng không có thuốc để bán.

"Cửa hàng thuốc mới nhập Tamiflu. Bình thường mỗi hộp có giá hơn 400.000 đồng, nhưng nay nhập vào giá cao hơn nên bán ra cũng cao hơn. Nhiều người không có để mua, giá có khi lên đến 1 triệu đồng/hộp", người này cho hay. Tương tự, tại một hiệu thuốc khác cũng cho biết vừa hôm trước giá thuốc là 580.000 đồng/hộp nhưng hôm nay đã lên 650.000 đồng/hộp. 

Thuốc Tamiflu tại Hà Nội loạn giá do cúm A tăng bất thường, bác sĩ cảnh báo gì? - Ảnh 3.

Thuốc Tamiflu trị cúm A được bán với giá 750.000 đồng/hộp/10 viên. Ảnh: Gia Khiêm

"Thời gian này, nhiều người mắc cúm A nên các gia đình thường tích trữ. Thuốc uống trong 2 ngày đầu sẽ có tác dụng, hiệu quả nhất nên nhiều người mua sẵn để ở nhà. Nếu không mua luôn sợ mai không có hàng đâu. Hôm qua một giá, hôm nay một giá khác rồi", người này nói.

Với thuốc Tamiflu, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công khai giá trên website: Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.

Thuốc Tamiflu tại Hà Nội loạn giá do cúm A tăng bất thường, bác sĩ cảnh báo gì? - Ảnh 4.

Thuốc Tamiflu trị cúm A được bán với giá 650.000 đồng/hộp/10 viên tại một nhà thuốc ở Hà Nội, mỗi nơi một giá khác nhau. Ảnh: Gia Khiêm

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Văn Tuân (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình anh có 4 người đều mắc cúm A. Cách đây 10 ngày, anh Tuân bắt đầu mắc đầu tiên với những biểu hiện như chứng ho, sổ mũi, đau đầu, đau người ê ẩm nhiều ngày. Lần lượt sau đó vợ cùng hai con trai anh đều bị.

"Tôi được vài người bạn giới thiệu mua thuốc Tamiflu để điều trị. Tuy nhiên, nhiều nhà thuốc bị cháy hàng. Có nhà thuốc thì giá khá cao. Mua lẻ nhà thuốc không bán và bán cả hộp 10 viên với giá 750.000 đồng", anh Tuân chia sẻ.

Tương tự như gia đình anh Tuân, chị Nguyễn Mai Lan ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, sau khi các thành viên lần lượt có triệu chứng sốt, cả nhà chị đi khám và đều được chẩn đoán mắc cúm A. 

"Tôi hỏi mua thuốc Tamiflu ở mấy nơi đều báo giá 75.000 đồng/viên. Biết là đắt nhưng vì gia đình có cả người già lẫn trẻ nhỏ nên đành mua về uống", chị Mai Lan chia sẻ.

 Tự mua thuốc Tamiflu điều trị cúm A liệu sử dụng có an toàn?

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, việc người dân tự ý đi mua thuốc Tamiflu tích trữ, thậm chí tự ý sử dụng là không cần thiết.

Dù Tamiflu là một thuốc kháng virus vì vậy nên có chỉ định dùng sớm. Nhưng phải được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, nghĩa là người bệnh phải được xác định chính xác nhiễm cúm A.

Thuốc Tamiflu tại Hà Nội loạn giá do cúm A tăng bất thường, bác sĩ cảnh báo gì? - Ảnh 5.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang khám cho người bệnh. Ảnh: Gia Khiêm

"Cũng như các thuốc khác thuốc nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, việc sử dụng thuốc không đúng bệnh, không đúng chỉ định sẽ dẫn tới lãng phí, không hiệu quả. Thậm chí việc dùng Tamiflu không theo đúng chỉ định của bác sĩ còn đối mặt với các tác dụng phụ của thuốc như đau đầu, buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi khi dùng thuốc...", bác sĩ Thiệu chia sẻ.

Cùng chung quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cho hay, do thuốc có các tác dụng phụ, nên không thể sử dụng tùy tiện. Tamiflu thường chỉ dùng đối với các trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc với người có cơ địa tiểu đường, nguy cơ bị tăng nặng.

Thuốc Tamiflu tại Hà Nội loạn giá do cúm A tăng bất thường, bác sĩ cảnh báo gì? - Ảnh 6.

Người dân điều trị cúm A tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội đầu tháng 7/2022. Ảnh: Gia Khiêm

Ngoài ra, bác sĩ Khanh cho hay, Tamiflu chỉ có hàm lượng duy nhất dùng cho người lớn và rất khó dùng cho trẻ em. Chỉ điều dưỡng và bác sĩ mới biết cách chia liều sao cho đúng theo lứa tuổi. Việc người dân tự mua Tamiflu điều trị cho trẻ, rất dễ dẫn đến quá liều hoặc thiếu liều. Tamiflu mà dùng không đúng liều, dễ gây kháng thuốc.

Theo các bác sĩ, điều quan trọng của người dân lúc này là theo dõi, phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang lưu hành.

Bác sĩ Thiệu cho rằng, cúm A và Covid-19 là các bệnh về đường hô hấp và có thể gây ra các triệu chứng tương tự như ho, sổ mũi, đau họng, sốt, nhức đầu và mệt mỏi. Cả hai đều lây lan qua các giọt bắn và khí dung khi người bị bệnh hít thở, nói, ho hoặc hắt hơi. Hiện nay chúng ta đang đồng thời xuất hiện cả cúm A và dịch Covid- 19 vẫn đang lây lan (mức độ nhỏ) điều này vô tình khiến nguy cơ mắc cả cúm A và Covid-19 cùng 1 lúc tăng lên.

"Vì vậy trong bối cảnh vừa nhiễm loại này lại nhiễm loại khác khiến cơ thể của chúng ta không có thời gian hồi phục hoặc nhiễm cả 2 khiến nguy cơ diễn biến nặng tăng lên. Người dân cần theo dõi sức khoẻ, không nên chủ quan", bác sĩ Thiệu nhấn mạnh.

Theo đó, khi người dân có biểu hiện sốt cao trên 38 độ kèm theo chảy mũi, ho,đau người, đau đầu, khó thở, tức ngực thì bắt buộc đến cơ sở y tế để khám chứ không tự ý dùng thuốc tại nhà mà không có tham khảo của các bác sĩ chuyên môn.

Để phòng cúm, bác sĩ Lê Văn Thiệu nhấn mạnh người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà.

Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng và khi tiếp xúc với người nghi cúm, cần đeo khẩu trang. Đặc biệt người nghi là bị cúm hoặc đã xác định mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang khi có tiếp xúc với người khác hoặc lúc ra khỏi nhà .

Cần thường xuyên vệ sinh không gian sống và khu vực vui chơi của trẻ, đặc biệt là môi trường lớp học, các đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc hàng ngày… Tiêm vaccine phòng cúm vào trước giao mùa khoảng 3 tháng (vào tháng 7-9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh và cần tiêm phòng nhắc lại hàng năm.

Ngoài ra cần chú ý nâng cao thể trạng, đặc biệt cho trẻ em thông qua việc ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin, khoáng chất... theo lứa tuổi và uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày. Người lớn và người cao tuổi nên thể dục vừa sức thường xuyên để nâng cao đề kháng.



Gia Khiêm