Malaysia có thêm 1 tỷ phú "nhờ" đại dịch Covid-19

17/08/2020 14:20 GMT+7
Malaysia tiếp tục ghi nhận thêm 1 doanh nhân vào danh sách tỷ phú thế giới nhờ ngành công nghiệp cao su, chính xác hơn là sản xuất găng tay cao su trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.
Malaysia có thêm 1 tỷ phú "nhờ" đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Wong Teek Son, doanh nhân mới nhất của Malaysia gia nhập danh sách tỷ phú toàn cầu

Wong Teek Son, người đồng sáng lập Riverstone Holdings Ltd. đã chính thức trở thành tỷ phú thứ 5 trong ngành sản xuất găng tay cao su của Malaysia với tổng tài sản ước tính 1,2 tỷ USD. “Vận may” của Wong Teek Son nhờ vào sự bùng phát đại dịch Covid-19 thúc đẩy nhu cầu găng tay cao su tăng vọt trên toàn cầu, khiến cổ phiếu công ty sản xuất găng tay cao su Riverstone của Wong leo dốc 6 lần chỉ trong 5 tháng (3/2020-8/2020).

Riverstone được thành lập năm 1989 và hiện sản xuất khoảng 9 tỷ đôi găng tay cao su mỗi năm, theo báo cáo thường niên mới nhất. Chỉ trong nửa đầu năm 2020, lợi nhuận của hãng này đã tăng gấp đôi lên 137,5 triệu ringgit do doanh số xuất khẩu tăng vọt.

Bên cạnh Wong Teek Son, đã có tới 4 doanh nhân trong ngành sản xuất găng tay cao su của Malaysia phất lên thành tỷ phú từ vài tháng trước, thời điểm dịch bệnh lây lan mạnh mẽ trên toàn cầu. 4 cái tên đó là nhà sáng lập Supermax, ông Thai Kim Sim; Chủ tịch Top Glove Lim Wee Chai; gia đình Kuan Kam Hon sáng lập Hartalega và Lim Kuang Sia, CEO Kossan Rubber. Cổ phiếu của Top Glove Corp và Hartalega Holdings Bhd đã tăng vọt ít nhất 192% kể từ đầu năm đến nay, đưa tổng tài sản của các doanh nhân sở hữu doanh nghiệp phình to nhanh chóng. Cá biệt có giá cổ phiếu Supermax tăng 5 lần.

Cho đến nay, Malaysia sản xuất tới 65% nguồn cung găng tay cao su trên toàn cầu. Bộ Công nghiệp nước này ước tính kim ngạch xuất khẩu dòng sản phẩm này có thể tăng vọt 45% trong năm nay do sự bùng phát đại dịch Covid-19. Còn ước tính của Hiệp hội các nhà sản xuất găng tay cao su chỉ ra rằng nhu cầu găng tay toàn cầu có thể tăng 11% lên 330 tỷ chiếc trong năm nay. Khoảng 2/3 trong số đó có khả năng đến từ Malaysia, “vương quốc găng tay cao su” của thế giới. 

Dù vậy, việc xuất hiện nhiều tỷ phú mới cũng không giúp vực dậy nền kinh tế Malaysia, mà chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đã ở mức báo động. Nước này hiện đang chứng kiến GDP giảm sâu nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á thập kỷ 90 đến nay với số người dân thu nhập thấp tăng vọt.

Thêm vào đó, nhu cầu găng tay cao su tăng mạnh trên toàn cầu đã khiến ngành công nghiệp găng tay Malaysia cần thêm lượng lớn lao động nước ngoài. Chế độ và đãi ngộ lao động do đó cũng phát sinh nhiều tranh chấp. Hồi tháng trước, Mỹ đã cấm nhập khẩu găng tay cao su từ hai nhà máy của Top Glove do hiện tượng cưỡng bức lao động. 

Tuy vậy, các nhà quan sát cảnh báo có những dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ trong ngành sản xuất găng tay cao su ở Malaysia có thể chỉ là hiện tượng “bong bong” và sẽ “xì hơi” nhanh chóng, nhất là khi thế giới ngày càng xuất hiện nhiều thông tin tích cực về vaccine và phương pháp điều trị Covid-19.

Dấu hiệu dễ thấy nhất là cổ phiếu một số công ty găng tay cao su đã bắt đầu có dấu hiệu giảm khi Nga hồi tuần trước tuyên bố đã đăng ký loại vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Cổ phiếu Riverstone đã giảm 2,2% trong phiên giao dịch sáng 17/8 (giờ Châu Á).

Nhà phân tích Alan Lim từ Viện Nghiên cứu RHB nhận định mặc dù sự xuất hiện của vaccine có thể không làm giảm nhu cầu găng tay cao su, nhưng các nhà đầu tư vẫn có thể bán tháo cổ phiếu các hãng găng tay cao su do dự đoán thế giới sớm kiểm soát được dịch bệnh.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục